Sau hơn 4 năm chuẩn bị, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên, (trong đó có 10 người là nữ) đã lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan vào đầu tháng 10/2018. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một đơn vị quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ghi dấu ấn trong ngày hoạt động đầu tiên
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên lạc với Trung tá Bùi Đức Thành – Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) tại Nam Sudan, được cho biết, các cán bộ, chiến sỹ của BVDC2.1 đã chính thức đặt chân tới Bentiu, Nam Sudan ngày 3/10/2018. Theo kế hoạch thì BVDC2.1 của Việt Nam tiếp quản Bệnh viện Dã chiến (BVDC) cấp 2 của Vương quốc Anh trong vòng một tháng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì lần đầu Việt Nam triển khai một đơn vị tại Phái bộ của Liên hợp quốc ở một quốc gia châu Phi xa xôi. Hơn nữa BVDC gần như là triển khai mới toàn bộ, từ nơi ăn chốn ở, tiếp nhận hàng hóa mang sang, cho đến lắp đặt bệnh viện, trao đổi chuyên môn, thủ tục và quy trình bàn giao.
|
Các bác sỹ - chiến sỹ của Bệnh viện Dã chiến Việt Nam trao đổi với đồng nghiệp tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan |
Theo Trung tá Bùi Đức Thành, có quá nhiều việc phải làm trong khi thời gian có hạn, cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng trên 40 độ C, khi mưa thì đường sá lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn). Tuy nhiên được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175, sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên của BVDC 2.1, mọi khó khăn đã được khắc phục và vượt tiến độ bàn giao trước 1 tuần. BVDC2.1 của Việt Nam chính thức tiếp nhận BVDC cấp 2 của Vương quốc Anh và đi vào hoạt động ngày 27/10/2018.
Và ngay trong ngày làm việc đầu tiên, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca cấp cứu. Trong đó, một ca được chẩn đoán suy hô hấp do viêm phổi. Ca này vào viện trong tình trạng rất nặng, có biểu hiện suy hô hấp và nhiều bệnh kết hợp. Sau khi giúp bệnh nhân tạm ổn định, hội chẩn qua điện thoại với Trưởng y tế Phái bộ tại Nam Sudan, bệnh viện đã quyết định vận chuyển bệnh nhân bằng đường hàng không về bệnh viện tuyến trên ở thủ đô Juba. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ này là tổ cứu trợ hàng không của BVDC2.1. Việc vận chuyển bằng máy bay trực thăng về tuyến trên cách 1000 km trong điều kiện bệnh nhân suy hô hấp là cực kỳ khó khăn và đòi hỏi kíp vận chuyển phải có trình độ chuyên môn cao, công tác chuẩn bị phải chi tiết, kỹ càng. Sau gần 4 giờ, bệnh nhân đã được vận chuyển về bệnh viện tuyến trên an toàn. Với việc hoàn thành xuất sắc việc cấp cứu và đưa người bệnh đến nơi an toàn, Bệnh viện đã được Chỉ huy Phái bộ tại Nam Sudan biểu dương, khen ngợi.
Ca thứ 2 được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, cần phải mổ cấp cứu. Theo người đứng đầu BVDC2.1, với các ca phẫu thuật viêm ruột thừa trong điều kiện phẫu thuật đầy đủ thì không có gì quá khó khăn, tuy nhiên trong điều kiện dã chiến, mổ trong lều bạt, bệnh viện vừa mới đi vào hoạt động, thì mối lo ngại của các phẫu thuật viên chính là nhiễm trùng sau mổ. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của kíp phẫu thuật, ca mổ đã thành công và bệnh nhân xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Hai ca cấp cứu ngay trong ngày làm việc đầu tiên vừa là thử thách nhưng cũng là cơ hội để các bác sỹ, nhân viên của BVDC2.1 của Việt Nam thể hiện năng lực và trình độ chuyên môn, tạo được uy tín và sự tin tưởng đối với Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Tính từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện dã chiến của Việt Nam mới hoạt động được chưa đầy 2 tháng, nhưng lượng bệnh nhân vào khám và điều trị đã tăng đột biến, cao hơn gấp 10 lần so với trước đây. Bệnh viện đã tiếp nhận 152 bệnh nhân, trong đó có 12 bệnh nhân nội trú. BVDC2.1 cũng đã mổ thành công cho 6 ca bệnh phức tạp, điều trị thành công cho nhiều ca bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét.
Trung tá Bùi Đức Thành cho biết, các Bệnh viện cấp 1 của Mông Cổ, Ghanna,… ở Bentiu đánh giá rất cao khả năng và thái độ phục vụ của BVDC 2.1 của Việt Nam. Chỉ huy y tế Phái bộ tại Nam Sudan cũng khen ngợi tinh thần làm việc và khả năng cung cấp dịch vụ y tế của BVDC 2.1 đáp ứng chuẩn của Liên hợp quốc. Thậm chí, có những chuyên khoa và máy móc Việt Nam mang sang không thuộc trong yêu cầu bắt buộc của Liên hợp quốc (chuyên khoa sản, chuyên khoa vật lý trị liệu, chuyên khoa tai mũi họng) nhưng vì nhu cầu và tính cần thiết cho bệnh nhân tại Phái bộ nên Việt Nam đã triển khai và tạo được uy tín, sự yên tâm với chỉ huy và nhân viên của Liên hợp quốc tại Phái bộ.
Vừa hoạt động vừa khắc phục khó khăn
Để triển khai BVDC2.1 tại Nam Sudan, Việt Nam phải mang toàn bộ các trang thiết bị máy móc, hậu cần để lắp đặt bệnh viện cũng như đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt cho toàn bộ cán bộ, nhân viên. Cho đến nay, bệnh viện mới chỉ mang sang được các hàng hóa có tính cấp thiết cho hoạt động của bệnh viện và được vận chuyển bằng đường hàng không. Còn nhiều hàng hóa vận chuyển bằng đường biển hiện vẫn chưa sang tới nơi. Vì vậy hoạt động của bệnh viện cũng như sinh hoạt của các cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên các cán bộ, nhân viên của BVDC2.1 luôn động viên, hỗ trợ nhau, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, đoàn kết để thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.
|
Cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan |
Ngoài ra, những khó khăn về điều kiện thời tiết khí hậu, bệnh dịch, xung đột, vấn đề thông tin liên lạc cũng ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của anh chị em, đặc biệt là 10 đồng chí nữ. Bentiu là một trong những điểm nóng về bất ổn an ninh tại Nam Sudan, cơ sở vật chất nghèo nàn và bị tàn phá nhiều kể từ khi đất nước có nội chiến (12/2013). Bentiu có mạng internet nhưng nhiều khi sóng kém, việc liên lạc chủ yếu bằng cách gửi thư, tin nhắn điện tử, các cuộc gọi kèm hình ảnh động thường rất hạn chế.
Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo là người cuối cùng nhận được quyết định đi Nam Sudan do yêu cầu bổ sung nhân sự cho Bệnh viện Dã chiến. Nếu như mọi người có 3-4 năm để chuẩn bị hành trang cho việc làm nhiệm vụ thì chị chỉ có vài tháng trước khi đặt chân đến Nam Sudan. Chị là bác sỹ sản phụ khoa, thuộc Khoa Dịch vụ Y tế - Sản khoa, Bệnh Quân y 4, Cục Hậu cần, Quân đoàn 4. Chị có một con trai 4 tuổi và dự định sinh bé thứ hai vào năm 2019. Khi được Bệnh viện Quân y 175 đề cập đến vị trí bác sỹ sản phụ khoa tại BVDC 2.1, bản thân chị Thảo rất bất ngờ.
“Đến tháng 6/2018, sau khi nhận quyết định chính thức, tôi đã cố gắng hòa nhập thật nhanh và tích cực tham gia các khóa huấn luyện của Bệnh viện trong giai đoạn đó, từ huấn luyện tiếng Anh (giai đoạn này chỉ là củng cố vì Bệnh viện đã hoàn thành chỉ tiêu về tiếng Anh theo yêu cầu của Liên hợp quốc), huấn luyện chuyên môn và thể lực. Khi đó, tôi khá lo lắng vì thời gian để chuẩn bị quá ít. Tôi lên đường với hành trang là sức khỏe và kiến thức chuyên môn. Nhờ sự đoàn kết, tương trợ của tập thể BVDC2.1, mọi chuyện với tôi đến nay đã ổn”, bác sỹ Thảo chia sẻ.
Theo bác sỹ Thảo, một điều quan trọng nữa đã giúp chị cũng như các cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện vững tâm công tác, đó là sự ủng hộ của gia đình. Họ hàng hai bên nội ngoại đều hiểu, thông cảm, ủng hộ và hỗ trợ chị từ khi chị được chọn vào vị trí này. Đặc biệt, chị muốn dành lời cảm ơn tới chồng chị vì đã ủng hộ, thay chị chăm sóc con, nói chuyện để con hiểu mỗi khi con thắc mắc: "Sao mẹ lâu về thế". Anh là một kỹ sư cầu đường, và chị biết việc anh ủng hộ chị tham gia vào nhiệm vụ này là một quyết định khó khăn với anh. Chị Thảo cho biết, chị đã nhận được sự ủng hộ toàn diện từ phía gia đình để yên tâm công tác.
Bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Đại tá Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cho rằng: “Việc triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan có ý nghĩa lịch sử đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một đơn vị quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Điều này góp phần khẳng định Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và là kết quả của sự nỗ lực thực hiện cam kết lâu dài của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ cao cả, vì sứ mệnh hòa bình, ổn định chung của thế giới”.
Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, các cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện Dã chiến cũng như các sỹ quan Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi đều đã và đang đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
|
Các chiến sỹ quân y đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã nói: Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ được cả thế giới biết đến với những chiến công trong bảo vệ Tổ quốc; thì nay, họ xuất hiện bằng xương, bằng thịt với nhiệm vụ tại những quốc gia đang có xung đột, mang trái tim và khối óc của mình giúp nhân dân các quốc gia châu Phi hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Phát biểu trong lễ xuất quân của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam vào ngày 1/10/2018, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: Hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện đường lối đối ngoại của Nhà nước. Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc càng thể hiện rõ hơn vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Dưới cờ Tổ quốc, trong trang phục quân nhân, 63 cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã nguyện đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân cả nước. Họ tự hào là những người con của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
* Các hình ảnh trong bài do Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cung cấp.
Theo Kiều Giang/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam