Sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc tạm yên, ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã Lệnh số 187-LCT, tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 100 đơn vị và 48 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ, đã lập được nhiều thành tích trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta.
Đáng chú ý trong Lệnh số 187-LCT, có 28 tập thể và 29 cá nhân có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong số 29 cá nhân ấy thì có nhiều đồng chí là liệt sĩ.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, báo Kiến Thức xin giới thiệu thành tích của các liệt sĩ anh hùng trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã được Chủ tịch nước truy tặng theo Lệnh số 187-LCT ngày 20/12/1979.
|
Rất nhiều chiến sĩ đã ra đi ở cái tuổi đẹp nhất cuộc đời trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Nguồn ảnh: Tư liệu |
1. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim
Đồng chí Nguyễn Xuân Kim sinh năm 1952, sinh quán tại xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Dân tộc Kinh. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hy sinh ngày 17/2/1979, tại mặt trận phía Bắc, khi đó đồng chí mang cấp bậc thượng sĩ, quyền đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 192, bộ đội địa phương Hoàng Liên Sơn, Quân Khu 2.
Từ tháng 6/1972 đến tháng 4/1975, đồng chí chiến đấu ở chiến trường Trị- Thiên, lập nhiều thành tích xuất sắc.
Tháng 2/1979, đơn vị đồng chí được giao nhiệm vụ giữ chốt Cốc San ở huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Ngày 17/2, quân xâm lược Trung Quốc cho một tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng yểm trợ, chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh phá ác liệt vào trận địa của ta, Nguyễn Xuân Kim vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị, chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt nhiều tên địch. Đồng chí bị thương lần thứ nhất, tự băng bó, tiệp tục chiến đấu. Bị thương lần thứ hai, đồng chí bị ngất, khi tỉnh lại, đồng chí tiếp tục chỉ huy đơn vị, tổ chức lực lượng đánh vào sườn và phía sau lưng địch. Bị thương lần thứ ba, do vết thương quá nặng, bị ngất nhiều lần, nhưng mỗi lần tỉnh lại, đồng chỉ vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi thấy địch đến gần, đồng chí mang hết sức còn lại, gượng dậy, dùng lựu đạn, tiểu liên AK đánh thẳng vào đội hình địch.
Trong trận chiến đấu này, đơn vị đồng chí đã bẻ gẫy 8 đợt tiến công của địch, diệt trên 200 tên, riêng đồng chí diệt 60 tên. Nguyễn Xuân Kim đã khi sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng chí được thưởng một Huân chương quân công hạng Ba, một Huân chương chiến công hạng Hai, 2 lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ. Ngày 20/12/1979, đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam truy tăng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
|
Bộ đội hành quân lên biên giới chiến đấu năm 1979. Nguồn ảnh: TL |
2. Anh hùng liệt sĩ Phạm Xuân Huân
Đồng chí Phạm Xuân Huân sinh năm 1948. Sinh quán tại xã Việt Hoà, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương. Dân tộc Kinh. Nhập ngũ tháng 4 năm 1968. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hy sinh ngày 28 tháng 2 năm 1979 tại biên giới phía Bắc, khi đó đồng chí là trung uý, đại đội trưởng đại đội 10, tiểu đoàn 6, trung đoàn 148, sư đoàn 316 Quân khu 2.
Từ năm 1968 đến năm 1975, Phạm Xuân Huân tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, sau đó là chiến trường miền Nam, lập nhiều thành tích xuất sắc. Tháng 2 năm 1979, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đồng chí chỉ huy đơn vị diệt 250 tên địch, riêng đồng chí diệt 45 tên.
Ngày 22 tháng 2 năm 1979, địch huy động số quân khá đông, có pháo binh yểm trợ, đánh phá vào trận địa của đơn vị, Phạm Xuân Huân vẫn bình tĩnh, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, vừa đánh địch phía chính diện, vừa đánh bên sườn và sau lưng, đơn vị đồng chí tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh lui nhiều đợt tiến công, giữ vững trận địa
Đến ngày 23 tháng 9 năm 1979, địch huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ, đánh vào trận địa của đồng chí, Phạm Xuân Huân, bình tĩnh, dũng cảm, chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, giành giật từng mét giao thông hào, từng công sự chiến đấu, khi hết đạn, đồng chí đã dùng dao găm đánh giáp lá cà. Trong trận này, đồng chí diệt 45 tên địch.
Ngày 28 tháng 2, năm 1979, sau nhiều lần thất bại nặng nề, địch huy động một lực lượng lớn, chia làm nhiều hướng, nhiều mũi đánh vào trận địa ta. Đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt từ sáng đến chiều, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch và anh dũng hy sinh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương quân công hạng III, 3 Huân chương chiến công hạng III và một danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Phạm Xuân Huân đã được Chủ tịch Nước cộng hoà XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
|
Xe tăng Type 62 của quân xâm lược bị bộ đội ta tiêu diệt. Nguồn ảnh: TL |
3. Anh hùng liệt sĩ Phan Bá Mạnh
Đồng chí Phan Bá Mạnh sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Nhập ngũ năm 1972. Khi hy sinh đồng chí là trung uý, đại đội trưởng C10, D3, E2, F3, QĐ14, QK1, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Phan Bá Mạnh chiến đấu ở chiến trường QK5, lập được chiến công xuất sắc, được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979, Phan Bá Mạnh đã nêu cao tinh thần dũng cảm, chỉ huy mưu trí linh hoạt, dù địch đông đến mấy cũng kiên quyết chiến đấu. Đơn vị đ/c diệt hàng trăm tên địch, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn. Quá trình chiến đấu đồng chí đã dùng 4 loại súng AK, trung liên, B-40, M-79 diệt 35 tên địch.
Ngày 20/2, địch chiếm đồi Chậu Cảnh, chúng dùng hoả lực mạnh bắn chặn ta rất ác liệt. Đồng chí chỉ huy đơn vị tiến công hướng chủ yếu của tiểu đoàn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt đội hình địch, diệt gần 100 tên, thu 8 súng và 1 máy thông tin vô tuyến điện.
Ngày 23/2, địch bắn pháo dữ dội để yểm trợ bộ binh chúng tiến công trận địa của đại đội Phan Bá Mạnh. Đồng chí đã bình tĩnh chờ địch đến gần mới cho đơn vị đồng loạt nổ súng diệt hết lớp địch này đến lớp địch khác, đánh bại nhiều đợt tiến công của chúng. Riêng đồng chí diệt 20 tên địch.
Ngày 27/2, địch cho 1 tiểu đoàn được pháo binh yểm trợ tiến công vào chốt đồi phía nam Bản Phân. Phan Bá Mạnh chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm diệt gần 100 tên, đánh lui nhiều đợt tiến công. Riêng đồng chí diệt 10 tên địch. Phan Bá Mạnh đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù.
Đồng chí đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3.
Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Phan Bá Mạnh được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
4. Anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Yêng
Đồng chí Phạm Ngọc Yêng sinh năm 1953, dân tộc Kinh. Quê xã Việt Hoà, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Nhập ngũ tháng 8-1971. Khi hy sinh đồng chí là trung uý, chính trị viên C2, D4, E12, F3, QĐ14, QK1, đảng viên ĐCSVN.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, đại đội của Phạm Ngọc Yểng được giao nhiệm vụ chốt giữ đồi Thâm Mô. Địch muốn chiếm Đồng Đăng phải chiếm được đồi này nên chúng dùng pháo bắn phá rất ác liệt và hàng chục lần cho bộ binh với số lượng đông chia làm nhiều mũi tấn công lên chốt.
Phạm Ngọc Yểng động viên mọi người kiên quyết giữ chốt, chiến đấu dũng cảm, giành giật quyết liệt với địch từng mỏm đồi, từng hầm hào, công sự. Từ ngày 17 đến ngày 26-2, đồng chí cùng đại đội trưởng chỉ huy đơn vị diệt hơn 800 tên địch. Riêng đồng chí dùng AK, M-79 diệt hàng chục tên.
Ngày 19 và 20/2, thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hoả lực và bộ binh có xe tăng yểm trợ liên tiếp mở những đợt tiến công lên chốt. Khu vực chốt có 6 mỏm núi, địch chiếm được 5, Phạm Ngọc Yểng vẫn bình tĩnh động viên mọi người kiên quyết chiến đấu. Đơn vị diệt hàng trăm tên, giữ vững mỏm đồi thứ 6. Riêng đồng chí diệt 10 tên địch.
Ngày 26/2, địch lại dùng pháo binh bắn phá dữ dội và cho bộ binh tiến công lên chốt. Sau khi diệt được một số địch thì hết đạn, 2 tên địch xông đến bắt. Phạm Ngọc Yểng đã dũng cảm vật lộn với 2 tên địch, được 1 chiến sĩ đến hỗ trợ, đồng chí và người chiến sĩ đã quật chết 2 tên địch. Sau đó đồng chí tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh.
Đồng chí đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3.
Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đại Dương