Ngày 17/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phê duyệt chiến lược an ninh hàng hải của Ukraine. Tài liệu này bao gồm việc phát triển biện pháp phòng ngừa và ứng phó toàn diện và hiệu quả đối với các mối đe dọa an ninh hàng hải.
Ngay trong đoạn đầu tiên của tài liệu, Kiev đã nêu nhu cầu khôi phục quyền kiểm soát bờ biển và khu vực hàng hải trong phạm vi biên giới năm 1991. Giới lãnh đạo Ukraine cũng cáo buộc Nga có hành động chống lại nước này ở Biển Đen và Biển Azov.
"Khôi phục và đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển là điều tối quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước Ukraine", chiến lược an ninh hàng hải của Ukraine nêu rõ.
Nga được xác định là mối đe dọa ưu tiên đối với an ninh hàng hải của Ukraine. Kiev cáo buộc Moscow tấn công vào cơ sở hạ tầng trên biển và sông, khai thác không gian hàng hải và cản trở việc tự do hàng hải trong khu vực. Giới lãnh đạo Ukraine tin rằng, Lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công từ Biển Đen như một phần của hoạt động quân sự đặc biệt.
Kiev cũng tuyên bố Ukraine rút khỏi các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng hải đã ký kết với Nga. Chính quyền Ukraine đã đặt ra mục tiêu bổ sung là loại bỏ Moscow khỏi việc quản lý cơ sở dữ liệu kiểm soát cảng ở khu vực Biển Đen.
Ukraine muốn lực lượng NATO hoạt động tích cực hơn ở Biển Đen
Sự tham gia tích cực của NATO vào khu vực này là mục tiêu chính của chiến lược hàng hải của Ukraine. Đặc biệt, Kiev có ý định đảm bảo sự hiện diện liên tục của lực lượng liên minh ở Biển Đen, tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên, diễn tập và các sự kiện chung khác.
Theo tài liệu, Kiev cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác với liên minh về các hoạt động của lực lượng hải quân chung. Dự kiến Ukraine sẽ tham gia vào các hoạt động của các trung tâm NATO có liên quan cũng như các chương trình đào tạo chuyên biệt cho nhân viên của Lực lượng Hải quân Ukraine.
Moscow sẽ có biện pháp trả đũa
Các kế hoạch của giới lãnh đạo Ukraine nhằm mở rộng quan hệ đối tác với NATO đã gây ra phản ứng từ Nga. Sự hiện diện của các tàu chiến NATO ở khu vực Biển Đen sẽ tạo ra thêm rủi ro, nếu các biện pháp của Kiev được thực hiện. Đồng thời, Điện Kremlin đã tính đến tư cách thành viên của Bulgaria và Romania, vốn là các quốc gia ven biển.
"Điều này gây ra thêm nhiều mối đe dọa đối với Liên bang Nga, đặc biệt là trong tình hình hiện nay", Dmitry Peskov cho biết.
Người phát ngôn của tổng thống đã nhắc đến Công ước Montreux năm 1936, quy định về việc tàu hải quân đi qua Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là người quản lý việc đi qua của những con tàu như vậy và "thực hiện chức năng của mình khá rõ ràng".
"Tất nhiên, Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của chính mình", ông Peskov nói thêm.
Theo PV/Dân Việt