|
Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga. Nguồn Rosoboronexport |
Theo phi công Vijainder K Thakur của Ấn Độ cho biết, hiện nay Nga đã sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 để làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát và hỗ trợ liên lạc tại chiến trường Ukraine.
Thakur tin rằng, nếu F-16 xuất hiện trên chiến trường Ukraine, thì Su-57 là một trong những mối đe dọa lớn nhất trên không đối với F-16; do Su-57 có lợi thế rất lớn so với F-16 của Mỹ, nếu hai bên thực hiện không chiến.
Nếu Không quân Nga tích cực sử dụng chiến đấu cơ Su-57 tại chiến trường Ukraine, thì đồng nghĩa các chuyến bay chiến đấu của Su-57 sẽ được đồng bộ hóa với các radar mặt đất và các chiến đấu cơ khác.
|
Máy bay chiến đấu F-16 thả bom lượn JDAM. Nguồn Lockheed Martin |
Thakur cũng cảnh báo, nên nhớ dưới cánh của Su-57 có tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD với tầm bắn 200 km và tầm trung với tầm bắn 110 km. Với khả năng của Su-57 như vậy, phi công F-16 sẽ hoàn toàn không biết rằng mình đang thực sự bị Su-57 truy đuổi ngoài tầm nhìn.
Chuyên gia Thakur cho rằng, Su-57 đã thực hiện chế độ đánh chặn trực diện ngoài tầm nhìn hai lần và thông tin này cũng đã được Bộ Quốc phòng Anh ít nhất một lần xác nhận.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để bình luận chính xác mẫu F-16 nào sẽ được chuyển giao cho Ukraine; nhưng hiện đã có nhiều đồn đoán, đó sẽ là phiên bản F-16 MLU.
F-16 MLU được trang bị radar AN/APG-66 nâng cấp, với bộ xử lý tín hiệu mới, công suất đầu ra cao hơn và độ tin cậy được cải thiện. Radar có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách lên tới 150 km; trong điều kiện bị gây nhiễu, tầm phát hiện mục tiêu là 83 km.
F-16 MLU rất có thể sẽ làm giảm các chuyến bay của Nga ở miền đông Ukraine, nhưng sẽ không thể thay đổi ưu thế trên không của máy bay chiến đấu Nga trên bầu trời.
Máy bay chiến đấu F-16 sẽ phải xác định cẩn thận các giới hạn của chuyến bay. Nếu phi công bay vào khu vực cách chiến tuyến 50 km, hệ thống phòng không S-300 của Nga sẽ ngay lập tức bắn hạ, khi tầm bắn của tên lửa này của Nga lên tới 150 km.
|
Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Nguồn Topwar
|
Ngay cả một đại tá của Không quân Mỹ, đó là phi công Craig Andrle, chỉ huy của Không đoàn tiêm kích 388 đóng quân tại Đức cũng cho biết, ông đã lái chiếc F-35 của mình thực hiện các nhiệm vụ do thám, nhưng chưa bao giờ dám vượt qua biên giới Ukraine.
Phi công Craig Andrle còn cho biết thêm, thậm chí các hệ thống phòng không S-300PMU-1 của quân đội Nga, được đặt ở Belarus đã bí mật theo dõi chiếc F-35 mà Andrle không hề hay biết.
Theo thông tin, Nga cũng đã triển khai hệ thống phòng không S-400 ở Ukraine; nhưng chính xác có bao nhiêu hệ thống vẫn chưa rõ ràng. Trong mọi trường hợp, sự hiện diện của F-16 ở Ukraine có thể buộc Nga tiếp tục đưa thêm các hệ thống S-400 ra mặt trận.
Tờ BulgarianMilitary cho biết, hệ thống S-400 đã được Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm chống lại máy bay chiến đấu F-16. Sau khi hệ thống S-400 được tích hợp vào hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã tổ chức đánh chặn một chiếc F-16 của Hy Lạp trong các cuộc thử nghiệm. Điều này đã bị Hy Lạp phản đối.
|
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Nguồn Topwar |
Nhưng nếu Ukraine sở hữu F-16 MLU, họ có thể có cơ hội tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea, bao gồm cả Hạm đội Biển Đen của Nga. Khả năng này cực kỳ quan trọng đối với Ukraine.
F-16 khó có khả năng đối phó với Su-57, nhưng được kỳ vọng sẽ đánh chặn các cuộc không kích của cường kích Su-25 Nga bay thấp và cả số trực thăng của Nga như Mi-28, Ka-52 và Mi-8.
Nhưng có lẽ bị đe dọa nhiều nhất bởi những chiếc F-16 nếu xuất hiện ở Ukraine, sẽ là những chiếc tiêm kích bom Su-34 của Không quân Nga. Những máy bay này cũng có thể mang tên lửa tầm xa và thường hoạt động bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Hiện Su-34 đang là máy bay chiến đấu chủ lực, trong thực hiện các cuộc không kích bằng bom lượn có điều khiển vào lực lượng mặt đất của Ukraine, nhất là trong thời gian qua.
Những quả bom lượn được thả từ máy bay Su-34 có tầm bay từ 40-80 km tùy thuộc vào kiểu cánh lượn và mô-đun điều khiển. Tức là Su-34 vẫn phải thâm nhập sâu vào không phận Ukraine để những quả bom này. Nhưng F-16 sẽ giảm mạnh các chuyến bay này, bởi vì Su-34 khó có thể chống lại F-16.
|
Tiêm kích bom Su-34 của Nga. Nguồn Wikipedia
|
Nhưng mối đe dọa của F-16 với Su-34 của Nga không hề đơn giản; vì bay bảo vệ Su-34 sẽ là chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-30SM hoặc Su-35 và thậm chí là MiG-31. Và F-16 không phải là “đối thủ” trước những máy bay chiến đấu hạng nặng này của Nga.
Niềm hy vọng của F-16 là loại tên lửa dẫn đường không đối không tầm trung AIM-120D. Tên lửa này là mối đe dọa thực sự đối với bất kỳ máy bay Nga nào trong tầm bắn của nó. Tầm bắn chính xác của tên lửa AIM-120D tới 160 km.
AIM-120D là phiên bản nâng cấp của tên lửa AIM-120C, đây là tên lửa không đối không phóng ngoài tầm nhìn, với những cải tiến ở hầu hết các lĩnh vực, bao gồm tầm bắn lớn hơn 50% và khóa mục tiêu tốt hơn trong suốt đường bay của nó, dẫn đến xác suất tiêu diệt mục tiêu được cải thiện.
|
Su-35 của không quân Nga phóng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn. Nguồn Twitter |
Đánh giá khách quan, về sức mạnh và khả năng cơ động, thì F-16 kém hơn MiG-29 và Su-27. Tuy nhiên, F-16 được cho là được trang bị tốt hơn, đặc biệt là khi nói đến khả năng radar và tên lửa không đối không. Điều này có nghĩa là những chiếc Su-27 bay thấp, có thể dễ dàng trở thành mục tiêu cho những chiếc F-16.
Nhưng nhiệm vụ mà phi công F-16 sẽ phải giải quyết là làm thế nào để không rơi vào tầm ngắm của Su-57. Bởi vì khi đó F-16 sẽ phải đối mặt với công nghệ tiên tiến hơn nhiều, không phải để cận chiến mà để tấn công từ xa mà không bị phát hiện.
Tiến Minh (theo Eurasian, BM)