Ngày 11-10, phía Nga tiếp tục ngày thứ hai liên tiếp dội tên lửa sang thủ đô Kiev và các TP lớn khác của Ukraine. Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết Nga sử dụng nhiều vũ khí tầm xa có độ chính xác cao đánh trúng tất cả mục tiêu là những cơ sở chỉ huy quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine.
Chỉ mới là “khởi đầu”?
Truyền thông Ukraine cũng đưa tin rằng các vụ nổ liên tiếp được ghi nhận tại Kiev và nhiều địa phương như Lviv, Vinnitsa, Odessa, Ochakiv, Zaporizhzhia và Nikolaev.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric tuyên bố các vụ nã tên lửa của Nga sang Ukraine là sự leo thang không thể chấp nhận được của cuộc chiến và dân thường là đối tượng phải trả giá cao nhất, theo hãng thông tấn Anadolu.
Trên trang Facebook của mình, lực lượng vũ trang Ukraine xác nhận rằng “Nga tiếp tục tấn công Ukraine bằng vũ khí chính xác cao”. Các tên lửa được phóng từ hai tàu chiến của Nga vào tầm 7 giờ ngày 11-10. Ông Oleksandr Starukh, người đứng đầu cơ quan quân sự khu vực Zaporizhzhia, cho biết 12 tên lửa S-300 đã bắn trúng các cơ sở công cộng, bao gồm một đại lý xe hơi, một trường học và một trạm y tế. Ít nhất một người thiệt mạng. Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết đã bắn hạ bốn tên lửa của Nga.
Trước đó, trong bài viết ngày 10-10 đăng trên mạng xã hội Telegram, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo vụ tập kích tên lửa ngày 10-10 ở Ukraine mới chỉ là “khởi đầu” và cảnh báo những đợt tấn công tiếp theo. Ông cũng cáo buộc chính phủ Ukraine hiện tại theo “mô hình phát xít” và sẽ là “mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp, rõ ràng đối với Nga”.
“Ngoài việc bảo vệ người dân và biên giới đất nước, theo tôi, mục tiêu các hành động trong tương lai của chúng ta nên là phá vỡ hoàn toàn chế độ chính trị của Ukraine” - ông Medvedev tuyên bố.
Vụ tập kích thứ hai này diễn ra ngay sau vụ tấn công tên lửa ngày 10-10 của phía Nga cũng nhằm vào các khu vực trọng yếu của Ukraine làm ít nhất 19 người chết, 105 người khác bị thương và nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại, theo thông báo của cơ quan quản lý các tình trạng khẩn cấp Ukraine.
|
Cột khói bốc lên từ những khu vực trúng tên lửa Nga ở thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: ZUMA PRESS |
Phương Tây phản ứng mạnh
Trong bài phát biểu cuối ngày 10-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng sở dĩ Nga phải mở cuộc tập kích tên lửa như vậy là bởi đang mất dần ưu thế trên chiến trường và đây là dấu hiệu binh sĩ Ukraine càng phải chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa. Ông Zelensky thông báo đã và đang nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Qatar, Ba Lan, Hà Lan, Anh, Canada, Mỹ, Ý và Liên Hợp Quốc về diễn biến mới nhất của vụ việc.
Về cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi Nga tập kích tên lửa Ukraine ngày 10-10, thông cáo Nhà Trắng cho biết ông Biden cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine những phương tiện cần thiết để phòng vệ, trong đó có các hệ thống phòng không tiên tiến. Ông Biden cũng nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục viện trợ kinh tế, nhân đạo cho Ukraine, trong khi gia tăng sức ép lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, lên án các cuộc tấn công tên lửa «khủng khiếp» của Nga và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột này.
Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định viện trợ quân sự của EU đang trên đường chuyển đến Ukraine. Phát ngôn viên của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Peter Stano cũng cáo buộc đòn tấn công của Nga làm dân thường thiệt mạng quá nhiều và vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.
Các lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến sẽ nhóm họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối ngày 11-10 (giờ địa phương). Thủ tướng Anh Liz Truss được cho là sẽ có phát biểu kêu gọi các lãnh đạo G7 “không dao động” trong việc ủng hộ Ukraine, theo hãng tin AP.
Trong khi đó, ngày 10-10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo rằng chuyện phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc ngày càng tiến gần đến “lằn ranh đỏ” của Nga.•
Phương Tây trước áp lực phải viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine
Đến nay, các quyết định về tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine luôn được Mỹ và các đồng minh cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là tránh một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và phương Tây, từ đó bùng lên Thế chiến III. Giới chức Mỹ hiện vẫn thận trọng về khả năng có động thái quyết đoán hơn đối với Nga trên chiến trường Ukraine, theo tờ The Washington Post.
Dù đã nhận được một lượng đáng kể vũ khí viện trợ từ phương Tây, Ukraine vẫn đề nghị cung cấp thêm. Vụ tập kích tên lửa của Nga do đó là một bước leo thang đáng kể và phương Tây cần phải đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí tối tân cho Ukraine.
Hồi đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine hai tổ hợp phòng không NASAMS - vốn là hệ thống hiện đại được sử dụng để bảo vệ thủ đô Washington. Lầu Năm Góc cho hay phần lớn công việc chuyển giao các tổ hợp NASAMS đang được hoàn tất. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên khẳng định hệ thống này “sẽ đến Ukraine trong vài tuần tới, khi hệ thống đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện sử dụng hoàn tất”.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 10-10 cũng đã thông báo tổ hợp đầu tiên trong bộ bốn hệ thống phòng không IRIS-T mà Berlin đã hứa viện trợ sẽ đến tay Kiev trong “vài ngày tới”. Ngoại trưởng Annalena Baerbock cũng trấn an rằng Đức đang “làm mọi thứ có thể” để nhanh chóng củng cố sức mạnh cho Ukraine. Đức từ đầu cuộc xung đột đã chi viện cho Ukraine một số vũ khí hiện đại, chẳng hạn như pháo phòng không tự hành Gepard. Nước này cùng với Đan Mạch và Na Uy còn đồng ý chi thêm 90,2 triệu USD để mua thêm 16 pháo tự hành Zuzana 2, dự kiến chuyển giao cho Ukraine vào năm sau. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine muốn Đức sớm hỗ trợ thêm xe tăng chiến đấu chủ lực cùng thiết giáp.
Một nước lớn khác cũng bị thúc giục tăng viện trợ cho Ukraine là Pháp. Điện đàm với Tổng thống Zelensky hôm 10-10, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có nhiều thiết bị quân sự hơn. Song một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy trong số các nước viện trợ quân sự cho Ukraine, Pháp xếp hạng 11, chi ít hơn cả so với các quốc gia không phát triển bằng ở châu Âu như Estonia hay CH Czech. Về vấn đề này, tờ Le Monde dẫn lời một số quan chức Pháp tiết lộ lý do khiến Paris do dự chuyển vũ khí cho Ukraine là bởi kho dự trữ của họ rất hạn chế.
Không chỉ riêng các nước trên, rất nhiều các nước châu Âu khác cũng đang đối mặt chung bài toán về viện trợ vũ khí cho Ukraine. Sau gần tám tháng chiến sự, kho vũ khí của các nước châu Âu gần như đã cạn kiệt, đó là khi đã viện trợ cho Ukraine cả những vũ khí lỗi thời, không còn được sử dụng. Diễn biến mới nhất ở Ukraine đang đặt phương Tây vào thế phải đưa ra lựa chọn khó khăn: Hoặc là hy sinh tiềm lực quân sự để hỗ trợ Ukraine, hoặc là dè sẻn số vũ khí hiện có và để Ukraine xoay xở phần còn lại.
Theo Vĩ Cường/ Pháp luật TP HCM