Bằng cách chia sẻ với Tổ chức Ân xá Quốc tế, các cựu binh sĩ LGBT trong quân đội Hàn Quốc từng bị quấy rối, lạm dụng tình dục và ngược đãi đã tố cáo những kẻ xấu cũng như vạch trần những gì đang diễn ra bên trong doanh trại của nước này.
Park (không phải tên thật) đã quyết định hành động sau nhiều tháng chứng kiến tình trạng ngược đãi người LGBT diễn ra thường xuyên trong quân đội. Anh từng nhìn thấy một binh sĩ cấp thấp bị chọc ghẹo là ẻo lả, nghi ngờ là đồng tính, bị lạm dụng tình dục, đánh đập và ép uống nước từ bồn cầu bởi những binh sĩ khác.
Đáng tiếc, nỗ lực của Park đã bị ngăn chặn ngay lập tức. “Anh cho mình là ai mà có thể can thiệp vào chuyện cá nhân này?”, một cấp trên hỏi anh.
Theo Park, anh từng bị ép quan hệ tình dục với nạn nhân kể trên trong lúc những binh sĩ khác đứng xung quanh cười nhạo. Sau đó, họ tiếp tục bị tẩy chay trong đơn vị cũng như cấp trên bởi “sự biến thái” của mình. Việc lạm dụng vẫn không chấm dứt.
Hệ quả là Park đã cùng 3 nạn nhân khác tự sát. “Chúng tôi đến phòng lò hơi để tự cắt tay và đập đầu vào tường. Cả bốn chúng tôi cuối cùng đã được đưa đến một bệnh viện tâm thần”, Park nói.
|
Một binh sĩ tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: New York Times |
Park là một trong 21 binh sĩ Hàn Quốc đã trao đổi nặc danh với Tổ chức Ân xá Quốc tế xoay quanh cáo buộc lạm dụng tình dục và phân biệt đối xử các binh sĩ LGBT trong quân đội Hàn Quốc. Toàn bộ nội dung từ các cuộc phỏng vấn này đã được trình bày đầy đủ trong báo cáo Phục vụ trong im lặng vừa được công bố.
Roseann Rife, tác giả chính của báo cáo và giám đốc nghiên cứu tại khu vực Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết quân đội Hàn Quốc khuyến khích thái độ chống LGBT giữa các binh sĩ và nó đã gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Theo luật hiện hành, mọi đàn ông Hàn Quốc trong độ tuổi từ 18 tuổi đến 35 tuổi đều phải phục vụ ít nhất 21 tháng trong quân đội. Nếu trốn tránh sẽ lãnh án tù.
“Việc gần một nửa dân số thực hiện nghĩa vụ quân sự có tác động rất lớn đến xã hội”, Roseann Rife cho biết. “Môi trường quân sự bình thường hóa nạn phân biệt đối xử với người LGBTI sẽ khiến cho nó được ngầm thừa nhận trong xã hội”. Bà cũng nói rằng chính phủ nhận thức được vấn đề nhưng đang xử lý rất chậm.
Trả lời phỏng vấn của CNN, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đã có chính sách "bảo vệ nhân quyền của những binh sĩ đồng tính và bảo đảm một môi trường mà họ có thể phục vụ trong quân đội như những người lính khác" và cung cấp các cố vấn chuyên môn cho các nạn nhân của bạo lực tình dục và lạm dụng nhân quyền.
Khi sự ngược đãi được hợp thức hóa
|
Các binh sĩ Hàn Quốc xếp hàng bỏ phiếu tại Seoul - Ảnh: Getty |
Mặc dù Hàn Quốc gần đây đã có những tiến bộ về quyền LGBT thế nhưng quân đội không theo kịp.
Bất chấp chỉ thị kêu gọi bảo vệ nhiều hơn cho các binh sĩ đồng tính được thông qua vào năm 2009, các binh sĩ LGBT hiện nay vẫn phải đối mặt với sự nghi ngờ, quấy rối và truy tố theo Điều 92-6 của Đạo luật Hình sự Quân đội.
Cụ thể, điều luật này quy định "quan hệ tình dục qua đường hậu môn và các hành vi không đứng đắn khác" giữa binh sĩ là phạm pháp (tương đương với tấn công tình dục) với khung hình phạt 2 năm cho dù đã có sự đồng thuận hoặc rời khỏi quân đội. Tòa án Hiến pháp từng nhiều lần khẳng định quy định này là cần thiết nhằm duy trì khả năng chiến đấu của binh sĩ.
Trong một đệ trình lên Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân quyền, chính phủ Hàn Quốc nói rằng điều 92-6 "không nhằm xử phạt một người bởi xu hướng tình dục của họ, nhưng được đặt ra để duy trì trật tự và kỷ luật quân sự dựa trên môi trường sống chung trong doanh trại”.
Quan hệ tình dục đồng tính là bất hợp pháp trong quân đội cho dù điều đó xảy ra bên trong hay ngoài căn cứ, và bất kể một bên không phải binh sĩ.
Trong năm 2017, hàng chục người đàn ông đã bị bắt trong một chiến dịch được mô tả là "săn phù thủy đồng tính". Các điều tra viên đã sử dụng các ứng dụng hẹn hò đồng tính và kiểm tra điện thoại cũng như tài khoản trên mạng xã hội của binh sĩ để truy tìm những bằng chứng về hành vi LGBT.
Một trung úy đã bị kết án 6 tháng tù treo và bị trục xuất khỏi quân đội sau cuộc điều tra. Thậm chí, anh còn bị đặt những câu hỏi nhạy cảm như "anh đã quan hệ bằng những tư thế nào?" hoặc "anh đã phóng tinh vào đâu?".
Theo Tổ chức Ân xá, Điều 92-6 được một số binh sĩ xem là "sự cho phép ngầm nhắm vào người LGBT trong và ngoài quân đội". Nhiều binh sĩ LGBT không dám tố cáo hành vi lạm dụng do tin rằng báo cáo của họ sẽ bị cấp trên xem nhẹ vì quan điểm “người LGBT đáng bị đối xử như thế”.
Lee Seong-ju – một binh sĩ phục vụ từ năm 2011 đến 2012 – nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng: "Tôi đã rất lo lắng khi ở cùng nhau 24 giờ một ngày trong vài tháng trong cùng một không gian với những kẻ thù ghét tôi chỉ vì xu hướng tính dục khác biệt. Nó khiến tất cả mọi người xung quanh đều làm tôi cảm thấy sợ hãi”.
Không nơi nào để trốn
|
Các binh sĩ LGBT không chỉ bị xem thường mà còn thường xuyên bị quấy rối, lạm dụng tình dục trong doanh trại - Ảnh: CNN |
Jeram (tên đã được thay đổi) – một cựu quân nhân - nói rằng anh ta đã nhiều lần bị sàm sỡ và quấy rối tình dục bởi những binh sĩ cấp cao hơn trong cùng đơn vị. Jeram và những binh sĩ đồng tính khác xin phép nặc danh do lo sợ hậu quả.
"Tôi không muốn gây rắc rối, vì vậy ban đầu tôi đã không chống lại các vụ tấn công tình dục", Jeram nói. Đáng tiếc, sau khi lên tiếng phản đối, anh đã bị trừng phạt bằng cách được chỉ định làm việc vào ban đêm hay lau dọn nhà vệ sinh.
Jeram thường xuyên bị mất ngủ và trở nên ốm yếu đến mức phải nhập viện. Trong một cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần, một tư vấn viên không phải một chuyên gia y tế đã buộc tội anh ta là "không vâng lời". "Ngay cả khi tôi bắn anh ở đây, nó sẽ được che đậy đơn giản như một cái chết đáng ngờ và mọi chuyện cứ thế kết thúc”, binh sĩ này nói với Jeram. "Sau đó, mức bồi thường mà gia đình anh nhận được còn thấp hơn so với một con chó quân đội”.
Cuối cùng, Jarem đã bị trục xuất vì "không phù hợp để phục vụ trong quân đội" và mẹ anh bị gây áp lực phải ký một thỏa thuận không kiện quân đội vì đối xử tệ bạc.
Kim – một cựu quân nhân khác từng phục vụ từ năm 2010 đến 2011 – cho biết anh đã rời quân đội vì lý do sức khỏe tâm thần sau nhiều tháng bị “săn lùng” vì xu hướng tính dục của mình. Chia sẻ với CNN, Kim cho biết những điều tồi tệ không dừng ở đó.
“Nó khiến cuộc sống của tôi trở nên khổ sở. Tại Hàn Quốc, nếu muốn xin việc, tôi phải gửi sơ yếu lý lịch. Trong hồ sơ xin việc, họ sẽ kiểm tra xem bạn có thực hiện nghĩa vụ quân sự không và nếu bạn bị trục xuất thì chuyện gì đã xảy ra", Kim nói. "Nếu họ phát hiện bạn từng có vấn đề trong quân đội thì mọi người sẽ nghĩ rằng bạn không ổn. Cơ hội kiếm được việc làm giảm đi đáng kể”.
Kim đã bị quấy rối tình dục bởi những binh sĩ trong cùng đơn vị, đặc biệt là khi anh nói chuyện điện thoại với bạn bè. Khi Kim tìm kiếm sự giúp đỡ từ cấp trên, chính bản thân anh đã trở thành mục tiêu bị điều tra. Sau đó, Kim buộc phải khai mật khẩu của tài khoản mạng xã hội và thừa nhận mình đồng tính với gia đình.
"Tôi đã phải gọi cho mẹ và đến gặp bà ấy", Kim nói. "Bởi vì nếu không, họ sẽ gọi cho bố mẹ tôi và nói với họ rằng tôi là gay”.
|
Các binh sĩ Hàn Quốc trong một nhiệm vụ trên đảo Yeonpyeong vào năm 2018 - Ảnh: Getty |
Đối với nhiều binh sĩ LGBT đã bị trục xuất, thời gian của họ trong quân đội là một quá khứ nhơ nhớp, đau thương cần phải để lại đằng sau thế nhưng trải nghiệm của Kim tồi tệ hơn do anh ta thực sự thích làm một người lính.
"Tôi thực sự muốn ở lại lâu hơn. Tôi đã trải qua một năm", Kim nói. "Tôi giỏi bắn súng, tôi chưa bao giờ thất bại trong bất kỳ khóa đào tạo nào. Vì vậy, tôi thực sự tự hào về bản thân mình. Nhưng tất cả mọi thứ đã thay đổi chỉ vì tôi là người đồng tính".
Kim cho biết anh dự định chuyển ra nước ngoài sống trong tương lai. "Tôi đã làm tất cả nhằm phục vụ cho đất nước của tôi nhưng cảm giác như họ đã bỏ rơi tôi. Tôi chẳng còn lý do để ở đây lâu hơn”.
Theo Mai Thảo/Motthegioi