Tạp chí National Interest cho biết máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ, tiêm kích tàng hình F-35, đang đến châu Á với số lượng ngày một nhiều trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày một gia tăng.
“Chúng tôi đã tích lũy hơn 100.000 giờ bay, nhiều phi công đã sẵn sàng chiến đấu”, Heather Wilson, Bộ trưởng Không quân Mỹ nói trong cuộc họp báo cuối tháng 8.
F-35 áp đảo Không quân Triều Tiên
Một phi đội tiêm kích F-35 đang đóng quân tại Nhật Bản. Hàng chục chiếc khác đang nằm trong kế hoạch triển khai đến các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phi đội F-35 đầu tiên gồm 16 chiếc đã đến căn cứ không quân Iwakuni, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản vào tháng 1. Những chiếc F-35 này đã tham gia cuộc tập trận Đại bàng non vừa kết thúc ở Hàn Quốc. Trong cuộc tập trận này, F-35 đã mô phỏng tấn công vào căn cứ tên lửa của Triều Tiên.
Todd Crowell, biên tập viên kỳ cựu của Asia Times, cho rằng Triều Tiên từ lâu đã bị “kích động” bởi sự xuất hiện của máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B Lancer đóng quân ở đảo Guam.
Những chiếc B-1B thường xuyên bay dọc theo Khu phi quân sự (DMZ), điều mà máy bay này đã làm ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, cũng như đe dọa tấn công đảo Guam.
|
F-35 cùng các tiêm kích của Hàn Quốc trong cuộc tập trận Đại bàng non vừa kết thúc. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể sẽ phải lo lắng nhiều hơn về các chuyến bay của F-35 cất cánh từ căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. F-35 Lightning II là chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Mỹ. Nó được chế tạo với 3 phiên bản, trong đó F-35A dùng cho không quân, F-35C cho hải quân và F-35B dành cho thủy quân lục chiến.
F-35 có thể đạt tốc độ Mach 1.6 ( khoảng 1.900 km/h). Máy bay được chế tạo theo công nghệ tàng hình làm cho nó trở nên “vô hình” trước radar đối phương. Đây là chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên ở khu vực châu Á.
Theo Aviation Week, đến năm 2020, khoảng 100 tiêm kích F-35 sẽ được bố trí trải dài từ căn cứ Kunsan ở Hàn Quốc đến Misawa, miền Bắc Honshu, Nhật Bản. Hàn Quốc đã đặt mua 40 chiếc F-35 và những máy bay đầu tiên sẽ được giao trong năm 2018.
Nhật Bản đã mua 42 chiếc F-35, 4 máy bay đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, 38 chiếc còn lại sẽ sản xuất tại Nhật Bản. Về mặt lý thuyết, những chiếc F-35 dễ dàng đè bẹp hệ thống phòng thủ trên không của Triều Tiên.
MiG-29 và Su-15 là những chiến đấu cơ có khả năng nhất của Bình Nhưỡng, nhưng chúng đều là những thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh. Với công nghệ lạc hậu, chúng hoàn toàn không phải là đối thủ của F-35.
Việc mua sắm tiêm kích F-35 sẽ mang lại cho lực lượng Phòng vệ Nhật Bản một năng lực tấn công mà họ luôn thiếu. Đó là khả năng tấn công đáp trả vào căn cứ của Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera nói rằng trước đây Tokyo thiếu phương tiện và quy định trong Hiến pháp để tấn công vào cơ sở tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp cùng hợp đồng mua F-35 đã thay đổi điều này.
Năng lực dự phòng mạnh mẽ
Bên cạnh việc hoạt động từ các sân bay, F-35 có thể tăng khả năng tiếp cận các mục tiêu ở Bình Nhưỡng bằng cách triển khai hoạt động trên tàu chiến. Phiên bản F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng nên dễ dàng triển khai hoạt động từ các chiến hạm.
|
Hai tiêm kích F-35 mô phỏng tấn công cơ sở tên lửa của Triều Tiên trong cuộc tập vừa qua. Ảnh: Yonhap. |
Tàu đổ bộ tấn công USS Wasp đã được sửa đổi để tác chiến cùng F-35B. Con tàu này đang được triển khai hoạt động ở căn cứ Sasebo, Nhật Bản.
USS America, tàu đổ bộ tấn công mới nhất của Hải quân Mỹ, cũng được thiết kế để phù hợp với tiêm kích F-35B. Tàu có trụ sở tại San Diego nhưng đã được điều động đến Biển Đông để hỗ trợ sau vụ va chạm giữa tàu khu trục USS John S. McCain và tàu hàng ngoài khơi Singapore vào cuối tháng 8.
Ngoài ra, Nhật Bản có 2 tàu chiến có thể triển khai hoạt động F-35B, tàu sân bay trực thăng JS Izuma và JS Kaga có thể chuyển đổi thành tàu sân bay mini. Tuy nhiên, các tàu này cần sửa lại mặt boong để chịu được nhiệt độ cao từ ống xả động cơ F-35B thổi trực tiếp vào mặt boong khi cất cánh thẳng đứng.
Các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ cùng với tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản có thể tạo thành hạm đội tàu sân bay mini hùng hậu, tăng năng lực tấn công trong trường hợp xung đột trên bán đảo Triều Tiên xảy ra.
Hiện tại, Nhật Bản không có máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh thẳng đứng và chưa có dấu hiệu cho thấy họ muốn thay đổi. MV-22 Osprey là máy bay vận tải duy nhất có khả năng cất cánh thẳng đứng nhưng việc triển khai hoạt động của phi cơ này vấp phải nhiều tranh cãi.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn