Mỹ gật đầu, Nhật chính thức sở hữu hệ thống phòng thủ Aegis Ashore

Google News

Mỹ đã phê duyệt hợp đồng trị giá 2 tỷ USD bán hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore cho Nhật Bản nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/1 cho biết hợp đồng bán hai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore cho Nhật Bản trị giá khoảng 2,1 tỷ USD. Các hệ thống này sẽ được triển khai ở quận Akita và Yamaguchi trong năm tài khóa 2023, chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Kyodo News đưa tin.
Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất mua hai hệ thống vũ khí Aegis Ashore, hai bộ xử lý tín hiệu đa nhiệm, hai trung tâm chỉ huy và điều khiển cùng một số thiết bị liên quan.
My gat dau, Nhat chinh thuc so huu he thong phong thu Aegis Ashore
Hệ thống Aegis Ashore tại Hawaii khai hỏa trong một thử nghiệm đánh chặn. Ảnh: MDA. 
“Việc bán hàng sẽ cung cấp cho chính phủ Nhật Bản một khả năng cao trong việc chống lại các mối đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi, tạo ra hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Điều quan trọng đối với lợi ích Mỹ là hỗ trợ Nhật Bản phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và hiệu quả”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về thỏa thuận vũ khí vào ngày 29/1. Việc công bố hợp đồng bán lá chắn Aegis Ashore cho Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Nga liên tục đưa ra cảnh báo về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Moscow xem việc bán hàng là một sự bổ sung cho lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tìm cách xoa dịu lo ngại của Nga và nói rằng việc bán thiết bị quân sự cho Nhật Bản sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang vận hành một số tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis. Do đó, Tokyo sẽ không gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và vận hành hệ thống này.
Aegis Ashore là phiên bản triển khai trên mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên các chiến hạm của Hải quân Mỹ. Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung trong giai đoạn giữa của chuyến bay.
My gat dau, Nhat chinh thuc so huu he thong phong thu Aegis Ashore-Hinh-2
Trạm radar AN/SPY-1 của hệ thống Aegis Ashore triển khai tại Romania. Ảnh: MDA. 
Trái tim của Aegis Ashore là radar AN/SPY-1 vốn được trang bị cho các chiến hạm Aegis của Hải quân Mỹ. Cấu hình của Aegis Ashore tương tự Aegis BMD chỉ khác về vị trí triển khai. Tên lửa đánh chặn chủ lực của Aegis BMD và Aegis Ashore là SM-3, lô IA, IB hoặc IIA, trong đó Aegis Ashore sử dụng SM-3, lô IIA.
Tên lửa SM-3 do tập đoàn Raytheon, Mỹ sản xuất. Các phiên bản của tên lửa này hiện là vũ khí phòng không, phòng thủ tên lửa chủ lực của Hải quân Mỹ. SM-3 có tầm bắn 700 km, tầm cao 500 km với lô IA/IB, lên đến 2.500 km, tầm cao 1.500 km với lô IIA.
Cơ sở đầu tiên của Aegis Ashore được triển khai ở Romania vào năm 2016. Một cơ sở khác ở Ba Lan vào năm 2018. Ngoài ra, hệ thống này cũng được triển khai ở Hawaii để thử nghiệm. Hải quân Mỹ đã chi khoảng 30 tỷ USD cho hệ thống Aegis BMD. Tính đến hết năm 2017, Aegis BMD đã tiến hành 41 vụ thử nghiệm trên biển, trong đó có 34 thử nghiệm thành công.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn