Mối nguy từ khả năng tính toán sai của giới quân sự Trung Quốc trên biển

Google News

Có thể có những nhận định sai lầm trong giới quân sự Trung Quốc về các diễn biến trong khu vực, trong khi quân đội của họ liên tục gia tăng khả năng thi triển sức mạnh, đặc biệt là hải quân và không quân hải quân, dẫn đến các lo ngại về các cuộc đụng độ vượt ra khỏi các tính toán.

Đề cập kế hoạch phòng thủ mới của Úc vào ngày 2 tháng 7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã châm biếm rằng Úc nên "ngừng mua thiết bị quân sự không cần thiết". Ông Triệu nói thêm rằng "các nước nên tránh chạy đua vũ trang", ngụ ý rằng việc nâng cấp quốc phòng của Úc đang gây mất ổn định.

Moi nguy tu kha nang tinh toan sai cua gioi quan su Trung Quoc tren bien
Ngoài số lượng tàu, tốc độ đóng tàu của Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với sự cân bằng lực lượng tàu sân bay ở châu Á. 
Tuy nhiên, trên trang 11 ấn bản ngày 20 tháng 7 của tờ nhật báo Giải phóng quân của quân đội Trung Quốc (PLA) là một bài báo gây tò mò của Wan Xiaozhi và Yang Qi - các học giả từ Đại học Công nghệ Quốc phòng và Học viện Cảnh sát Đặc biệt. Các tác giả không ngạc nhiên trước kế hoạch xây dựng phòng thủ của Canberra, lưu ý rằng sự tập trung mới của Úc vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được báo trước bởi sự gia tăng can dự quân sự trong khu vực. "Trong những năm gần đây, Úc đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các hoạt động quân sự của nước này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên tục mở rộng về phạm vi", Wan và Yang viết.

Wan và Yang đã thoát ra, và nếu vậy thì rất tinh tế, khỏi luận điệu chính thức của Trung Quốc miêu tả Úc như một “con chó cưng” của Mỹ. Họ lưu ý rằng Canberra và Washington mang lại lợi ích chung cho nhau, trong đó Úc cung cấp cho Mỹ 'vị trí chiến lược và ảnh hưởng trong khu vực' và Mỹ hỗ trợ an ninh quốc gia và phát triển quân sự của Úc bằng cách cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến và hợp tác nghiên cứu khoa học.

"Đặc biệt trong những năm gần đây, giá trị chiến lược của Úc đã liên tục gia tăng đến mức giờ đây nước này đã trở thành quốc gia chủ chốt để Mỹ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ", Wan và Yang nhận xét. Vì vậy, Canberra là một đối tác quan trọng hơn là một “con chó cưng”.

Theo Rear Clear, bầu không khí sợ hãi mà ông Tập Cận Bình đã tạo ra trong PLA thời gian qua có khả năng làm sai lệch các phán đoán chiến lược và những nhận định “tỉnh táo” như của các tác giả Wan và Yang là hiếm hoi.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm không chỉ đến từ việc ra quyết định chiến lược kém. Trung Quốc đang đưa chiếc đầu tiên trong số ba tàu tấn công đổ bộ Type 075 ra biển và đã lên kế hoạch đóng một tàu lớn hơn được đặt tên là Type 076. Phân tích các tài liệu mua sắm của Trung Quốc cho thấy Type 076 sẽ được thiết kế để phóng không chỉ máy bay cánh quay mà còn máy bay chiến đấu cánh cố định và máy bay không người lái sử dụng hệ thống phóng điện từ đang được phát triển cho tàu sân bay Type 002 Sơn Đông.

Máy bay phản lực dự kiến triển khai có thể là phiên bản cập nhật của tiêm kích Shenyang FC-31/J-31, mà hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang hỗ trợ phát triển thêm. Còn loại máy bay không người lái được đề cập có thể là một máy bay chiến đấu không người lái giống như GJ-11 Sharp Sword, được nhìn thấy trong một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm ngoái.

Ngoài số lượng tàu, tốc độ đóng tàu của Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với sự cân bằng lực lượng tàu sân bay ở châu Á. Trung Quốc đã sản xuất ba chiếc Type 075 gần như đồng thời và nếu những chiếc Type 076 được chế tạo với tốc độ tương tự, chúng có thể bổ khuyết cho bốn tàu sân bay lớn theo kế hoạch với vai trò 'tàu sân bay hộ tống', điều này sẽ nhanh chóng mở rộng khả năng hàng không của Hải quân PLA ở trên biển.

Tất cả những việc này sẽ không chỉ củng cố khả năng của PLA trong việc tiến hành các chiến dịch tấn công đảo nhằm vào Đài Loan, mà còn mang lại cho Trung Quốc sức mạnh lớn hơn nhiều để thực hiện các nhiệm vụ ở biển Hoa Đông.

Nó sẽ đánh dấu một bước tiến xa hơn đối với việc PLAN trở thành hải quân nước xanh, đặc biệt nếu các tàu này được triển khai như một phần của lực lượng đặc nhiệm hải quân thay vì hoạt động độc lập.

Với việc Hàn Quốc chuyển sang đóng tàu sân bay trang bị F-35B vào năm 2030 và Nhật Bản chuyển đổi tàu lớp Izumo thành tàu sân bay F-35B, tiềm năng mở rộng nhanh chóng sức mạnh không quân hải quân của Trung Quốc có thể thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của hàng không tàu sân bay ở châu Á.

Trong các cuộc tập trận gần đây có sự tham gia của quân đoàn 71 của PLA, nhiều loại trực thăng đã tiến hành huấn luyện hạ cánh trên boong và bổ sung nhiên liệu và đạn dược trên một tàu bán chìm dân sự. Cuộc tập trận cho thấy một khía cạnh khác về năng lực hàng không hải quân của Trung Quốc. Báo cáo về kịch bản huấn luyện, nhật báo Giải phóng quân cho rằng Trung Quốc có thể có hàng chục tàu có thể hỗ trợ trong một sứ mệnh đổ bộ ở Đài Loan hay biển Hoa Đông.

Theo Anh Minh/Tiền Phong