Các tổ chức khủng bố có những quy định và nguyên tắc riêng. Nhiều tổ chức có cơ cấu kiểu cổ đông trong một tập đoàn lớn. Một số tổ chức thiết lập các cấp quyền lực và chỉ huy rõ ràng. Đây là nỗ lực để chúng hỗ trợ, huấn luyện, ra quyết định và tiến hành các hoạt động ở những "môi trường thù địch".
|
Ảnh minh họa: AP |
Tuy nhiên, cũng có những nhóm khủng bố mà sự khác nhau về quan điểm và động lực tinh thần lại quan trọng hơn cả cơ cấu tổ chức. Vì những sự khác biệt này, một số thành viên có thể tiến hành những cuộc tấn công không phù hợp với những mục tiêu của nhóm. Những cuộc xung đột nội bộ kiểu như vậy trong các tổ chức lớn hơn thường dẫn đến việc phân tách thành những nhóm nhỏ hơn.
Nhìn chung, các tổ chức khủng bố đều có nhu cầu thiết lập những cơ cấu tổ chức rõ ràng. Một tổ chức khủng bố cơ bản thường gồm các bộ phận: lực lượng cầm đầu, lực lượng thường trực, lực lượng ủng hộ chủ động, và lực lượng ủng hộ thụ động.
Lực lượng cầm đầu
Đây là nhóm thực hiện vai trò chỉ huy, kiểm soát; đưa ra chính sách, mục tiêu và chỉ đạo hành động. Kẻ cầm đầu tổ chức rất trung thành, tận tâm tận lực với sự nghiệp của tổ chức đó; họ thường là những người có khả năng lôi cuốn, thu hút người khác.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng, nếu một tổ chức khủng bố được một quốc gia hỗ trợ, chỉ đạo thì một số hoặc tất cả những kẻ cầm đầu về cơ bản đều được quốc gia đó huấn luyện, đào tạo.
Lực lượng thường trực
Trong hầu hết các tổ chức khủng bố, vai trò to lớn sau bộ phận cầm đầu thuộc về lực lượng thường trực. Chúng được tuyển mộ qua quy trình chặt chẽ, được huấn luyện các thủ đoạn tiến hành tấn công khủng bố.
Ngoài những kẻ trung thành sâu sắc với tổ chức, lực lượng thường trực còn có thể bao gồm cả những thành phần chuyên tiến hành khủng bố theo đơn đặt hàng.
Lực lượng ủng hộ chủ động
Đó là những kẻ chuyên cung cấp cho tổ chức khủng bố tiền bạc, tin tức tình báo, nơi trú ẩn an toàn, những tài liệu quan trọng, hay sự chăm sóc y tế.
Lực lượng này thường nhất trí với toàn bộ hoặc một vài mục tiêu cũng như sự nghiệp của tổ chức, nhưng thường có thái độ nước đôi đối với việc sử dụng bạo lực. Phần lớn các tổ chức khủng bố tuyển mộ thành viên từ những nhóm người này.
Lực lượng ủng hộ thụ động
Phần lớn những kẻ này có cảm tình với hoạt động khủng bố nhưng không thể đảm đương một vai trò tích cực trong tổ chức. Một số tham gia vào những hoạt động hăm dọa và tống tiền. Phần lớn các tổ chức khủng bố sử dụng lực lượng ủng hộ thụ động trong các hoạt động tài chính và hậu cần.
Hiện nay, cơ cấu của các tổ chức khủng bố ngày càng gọn nhẹ, cơ động hơn. Các bộ phận hoạt động khá độc lập với nhau nhằm giảm nguy cơ bị thâm nhập hoặc bắt giữ. Điển hình là mô hình nhóm đa năng, bao gồm những cá nhân giỏi nghiệp vụ. Những nhóm này hoạt động độc lập với cơ cấu chỉ huy cơ bản.
Theo Nguyên Phong/Vietnamnet