Một chiếc máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound của Không quân Nga đã bị rơi vào ngày 26/4 ở vùng Murmansk. Theo hãng thông tấn TASS của Nga, một trong hai động cơ của chiếc MiG-31 đã bốc cháy trong một chuyến bay huấn luyện, khiến máy bay bị tai nạn.
Vụ tai nạn của chiếc MiG-31 đã được những người chứng kiến quay lại và đoạn phim đang lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy chiếc máy bay bốc cháy khi rơi từ trên trời xuống.
Hiện vẫn chưa rõ chiếc MiG-31 thuộc đơn vị nào hoặc biến thể của nó. Nhưng TASS đưa tin rằng, vụ tai nạn xảy ra rất gần thành phố Monchgorsk. Dựa vào đó các chuyên gia cho rằng, đó có thể là một chiếc MiG-31BM của Không quân Hải quân Nga (MA VMF) được biên chế cho Trung đoàn Không quân hỗn hợp độc lập số 98.
Vụ tai nạn khiến giới truyền thông quốc tế khá bất ngờ, bởi MiG-31 đã chứng tỏ là loại máy bay chiến đấu uy lực nhất của Nga; nhưng lại là cơn “ác mộng” thực sự đối với Ukraine.
|
Chiếc MiG-31 Foxhound của Không quân Nga đã bị rơi vào ngày 26/4 ở vùng Murmansk. Nguồn: Finl. |
MiG-31BM trên thực tế là chiến đấu cơ có tính năng vượt trội so với mọi máy bay chiến đấu khác được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Kể cả những máy bay chiến đấu hiện đại khác của Không quân Nga (VKS), như Su-30SM và Su-35S. Mặc dù những máy bay này, luôn là “sát thủ” với máy bay chiến đấu của Ukraine.
Nếu có một loại máy bay nào có tính hiệu quả “không thể bàn cãi” kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, thì đó chính là MiG-31BM được trang bị tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Sự kết hợp này đã có một thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đang diễn ra, không có tài liệu nào về việc một chiếc MiG-31BM bị bắn hạ trong chiến đấu; trong khi Không quân Nga đã mất ít nhất hai chiếc Su-35S và 11 chiếc Su-30SM, trong đó sáu chiếc đã bị phá hủy hoặc hư hỏng trong chiến đấu.
Theo một nghiên cứu về “Cuộc chiến trên không của Nga ở Ukraine”, do Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), có trụ sở tại London vào tháng 11/2022 cho biết, các cuộc tuần tra chiếm ưu thế trên không của VKS đã chứng tỏ hiệu quả cao trước các máy bay chiến đấu của Ukraine.
|
Máy bay MiG-31BM với 4 tên lửa không đối không tầm xa R-37M. |
Đặc biệt là chiến đấu cơ hạng nặng MiG-31BM trang bị tên lửa không đối không tầm xa R-37M, đã gây khó khăn đặc biệt cho các phi công chiến đấu Ukraine.
Báo cáo của RUSI nói rằng, máy bay đánh chặn tốt nhất của Không quân Ukraine là Su-27, không thể sánh được với MiG-31 về độ cao, tốc độ hoặc tầm hoạt động. MiG-31 có thể bay với tốc độ Mach 2,5 trong thời gian ngắn và độ cao khoảng 18 km trong khoảng cách hơn 700 km.
Ngoài ra, tên lửa R-37M có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 km, trong đó tên lửa hoạt động tốt nhất ở cự ly 128 km. Ngược lại, tên lửa R-27 mà Su-27 Ukraine sử dụng, chỉ có thể phóng từ khoảng cách 50 km.
Các chuyên gia tại RUSI đã viết trong báo cáo rằng, “tốc độ cực cao của vũ khí (R-37M), cùng với tầm bắn hiệu quả rất xa và đầu dò được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở độ cao thấp, khiến mục tiêu của nó khó trốn tránh”.
|
Máy bay MiG-31BM phóng tên lửa không đối không tầm xa R-37. |
Điều này có nghĩa là Foxhound có lợi thế rõ ràng so với các máy bay chiến đấu của Ukraine, cho phép chúng tiêu diệt vào bất kỳ mục tiêu trên không nào và thoát ly mà không hề hấn gì.
Tuy nhiên, MiG-31BM không phải là biến thể Foxhound duy nhất, vốn đã khiến người Ukraine lo ngại; vì người Nga cũng đã sử dụng một biến thể của MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal, được gọi là MiG-31K.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ban đầu chiếc MiG-31BM được dự định mang tên lửa siêu thanh Kinzhal, nhưng sau đó MiG-31K sau đó đã được chọn làm phương tiện phóng loại tên lửa này.
Tên lửa Kh-47 Kinzhal được cho là có tầm bắn 2.000 km, có thể mang đầu đạn phân mảnh nặng khoảng 499 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton (sức công phá mạnh gấp 33 lần quả bom nguyên tử từng tấn công Hiroshima của Nhật Bản).
Tên lửa đi theo quỹ đạo phẳng hơn so với tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn, khiến hệ thống phòng không có rất ít thời gian phản ứng. Ngoài ra, tên lửa rất khó bị đánh chặn do khả năng cơ động ở tất cả các giai đoạn trên đường bay của nó.
|
Một chiếc MiG-31K với tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Nga.
|
Kh-47M2 Kinzhal đã gây chú ý vào năm ngoái sau khi Nga tuyên bố vào ngày 19/3 rằng, họ đã phá hủy một kho vũ khí ở làng Deliatyn thuộc vùng Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine bằng loại tên lửa này.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, khi phát biểu về tên lửa Kinzhal tại một hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đã nói: “Đây là loại tên lửa gần như không thể ngăn chặn”.
MiG-31K đã được sửa đổi với một giá cứng mới, để biến nó từ máy bay đánh chặn phòng không, thành bệ phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal từ trên không.
Sự kết hợp giữa chiến đấu cơ MiG-31K và tên lửa siêu thanh Kinzhal được cho là tạo ra hệ thống vũ khí khó phòng thủ nhất, mà lực lượng vũ trang Ukraine phải đối mặt.
|
MiG-31K được sửa đổi để mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: VKS.
|
Hiện Không quân Nga được cho là có tổng cộng 252 chiếc MiG-31 trong kho, trong đó có 10 đến 20 chiếc là MiG-31K nâng cấp. Trong khi có ba trung đoàn MiG-31BM, bao gồm khoảng 90 chiếc máy bay chiến đấu loại này vẫn đang hoạt động.
MiG-31 được thiết kế bởi phòng thiết kế Mikoyan như một máy bay đánh chặn siêu âm, nhằm thay thế MiG-25 "Foxbat" trước đó được Không quân Liên Xô sử dụng, với tốc độ tối đa lên tới 3.000 km/h. MiG-25 được coi là một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới.
|
MiG-31BM của Không quân Nga bay tuần tra chiến đấu. Ảnh: VKS.
|
MiG-31 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 16/9/1975 và được đưa vào phục vụ vào ngày 6/5/1981, nghĩa là nó sẽ hoàn thành 42 năm phục vụ vào cuối tuần này.
Trên thực tế, Bộ Quốc phòng Nga hy vọng MiG-31 sẽ tiếp tục phục vụ cho đến năm 2030 hoặc lâu hơn. Vào năm 2020, đã có thông báo rằng, tuổi thọ của máy bay sẽ được kéo dài từ 2.500 lên 3.500 giờ trên các khung máy bay hiện có.
Trong khi Nga là nhà khai thác chính của MiG-31, Không quân Kazakhstan cũng sử dụng 20 chiếc MiG-31 Foxhound mà họ thừa hưởng từ Không quân Liên Xô.
Tiến Minh (theo Eura)