Tin đồn Pháp cung cấp tên lửa Exocet cho Ukraine
Ukraine tiếp tục xin các đối tác nước ngoài cung cấp nhiều loại vũ khí tầm xa khác nhau. Vào đầu tháng 6, có thông tin cho rằng, Pháp có thể cung cấp tên lửa chống hạm Exocet cho Ukraine để chống lại mối đe dọa từ Hải quân Nga.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc cung cấp các tên lửa chống hạm như vậy; đồng thời các thông tin có vẻ đáng ngờ, vì các lý do chính trị và kỹ thuật.
Tin tức này lần đầu tiên được truyền thông Pháp tiết lộ, nhưng nguồn tin không được nêu rõ. Truyền thông Pháp cho biết, chính phủ Pháp có thể chuyển giao tên lửa Exocet cho Ukraine, để sử dụng như một phần của hệ thống tên lửa đất đối hạm.
Trong khi đó, việc giao hàng vẫn chưa bắt đầu do thiếu giấy phép cần thiết. Các chi tiết khác, chẳng hạn như việc bắt buộc sửa đổi một số tính năng dùng xuất khẩu và số lượng tên lửa, ngày giao hàng, v.v., không được nêu rõ.
Tên lửa chống hạm Exocet là một vũ khí chống hạm có ý nghĩa lịch sử ở Pháp, được nhiều nước trang bị.
Exocet là một trong những loại tên lửa chống hạm lâu đời nhất, hiện đang được biên chế cho các quốc gia khác nhau. Việc phát triển tên lửa Exocet bắt đầu vào năm 1967 bởi Hãng hàng không Nord của Pháp.
Vài năm sau, dự án Exocet được bàn giao cho France Aerospace, đơn vị đã hoàn thành thiết kế và đưa tên lửa vào biên chế. Sau năm 2000, dự án sau đó được chuyển giao cho chi nhánh Pháp của Tập đoàn Tên lửa Châu Âu (MBDA).
Tên lửa Exocet đầu tiên được sản xuất vào năm 1975 và đi vào hoạt động cùng với tên lửa MM38 đã được sửa đổi, thiết kế cho các tàu nổi. Điều thú vị là sau đó hai quốc gia, đã có thể chuyển Exocet phóng từ tàu nổi, lên các bệ phóng mặt đất.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, một số phiên bản mới của tên lửa Exocet đã được tạo ra cho các mục đích khác nhau. Đối với không quân hải quân, tên lửa AM38 và AM39 đã được tạo ra, nhưng chỉ phiên bản AM39 mới được sản xuất. Đối với tàu ngầm, chỉ có một phiên bản là SM39.
Loại cuối cùng trong gia đình Exocet là phiên bản MM40 dành cho tàu nổi, và đã trải qua một số lần nâng cấp; vào năm 2010-2012, bắt đầu sản xuất phiên bản mới nhất, được gọi là Exocet Block 3.
Khách hàng đầu tiên cho tất cả các phiên bản tên lửa Exocet là Quân đội Pháp.
Sau khi ra đời, tên lửa Exocet đã được xuất khẩu cho hơn 30 khách hàng nước ngoài. Trong số này, gần một phần ba số quốc gia đã mua hệ thống tên lửa chống hạm MM30 Block 3 mới nhất, trong thời gian gần đây.
Không giống như nhiều loại tên lửa chống hạm hiện đại, tên lửa Exocet đã được sử dụng nhiều lần trong các cuộc xung đột với kết quả thực chiến tốt. Đầu tiên, trong Chiến tranh Falklands năm 1982, Argentina đã sử dụng tên lửa Exocet của Pháp.
Máy bay cường kích hàng đầu của quân đội Argentina được trang bị tên lửa Exocet, đã đánh chìm tàu khu trục HMS Sheffield và một tàu container của Anh. Ngoài ra, quân đội Argentina đã tạo ra một hệ thống phóng từ bờ đối hạm đơn giản cho tên lửa Exocet, hệ thống này đã làm hư hại nặng tàu khu trục HMS Glamorgan của Anh.
Iraq cũng tích cực sử dụng tên lửa Exocet trong cuộc chiến với Iran. Theo số liệu được biết, vào thập niên 1980, Iraq có khoảng 250 tên lửa Exocet AM39, và đã bắn chìm nhiều tàu chiến của Iran.
Một sự cố khác về việc sử dụng tên lửa chống hạm Exocet nổi tiếng nhất của Iraq. Vào tháng 5/1987, một máy bay chiến đấu Mirage F1 của Iraq, đã bắn trúng tàu khu trục nhỏ Stark của Mỹ, bằng hai tên lửa Exocet. Nhưng chiếc tàu không bị chìm và đã được sửa chữa sau đó.
Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa Exocet
Tên lửa Exocet là một tên lửa chống hạm cận âm, được thiết kế để tấn công các tàu nổi có tốc độ di chuyển trung bình. Do thiết kế nhỏ gọn, nó có thể được sử dụng trên các phương tiện phóng khác nhau, chẳng hạn như phóng từ trên không, phóng từ tàu ngầm, v.v. Đồng thời, các phiên bản cũng khác nhau về đặc tính kỹ chiến thuật.
Tất cả các biến thể tên lửa Exocet đều có thân hình trụ, đường kính 340 mm, dài 4,7 m (không kể động cơ phóng). Khối lượng của những phiên bản tên lửa ban đầu nằm trong khoảng 650-670 kg; riêng các mẫu mới tăng lên 780kg. Trong đó, riêng đầu đạn bán xuyên giáp không tiếp xúc hoặc nổ chậm trọng lượng 165 kg.
Tên lửa Exocet được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, có tầm bắn khác nhau. Phiên bản MM38 đầu tiên, phóng từ tàu nổi chỉ bay được 40 km, trong khi phiên bản phóng từ trên không AM39 có tầm bắn 70 km, và phiên bản mới nhất của MM40 Block 3, có tầm bắn 180 km nhờ động cơ phản lực mới.
Tất cả các tên lửa Exocet đều được trang bị hệ thống lái tự động với hệ thống dẫn đường quán tính giai đoạn đầu và radar chủ động giai đoạn cuối.
Câu hỏi lớn hiện nay là không rõ liệu Pháp có thực sự chuyển giao tên lửa Exocet cho Ukraine hay không?
Các kế hoạch hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, khi Ukraine đã mất hạm đội tàu nổi và tàu ngầm, và hàng không chiến thuật của Ukraine còn lại, không thể mang tên lửa kiểu Pháp/NATO.
Bản thân các đặc tính kỹ chiến thuật của tên lửa Exocet cũng không đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hàng hải hiện đại, khi tầm bắn tối đa của loạt tên lửa này chỉ có 180 km; điều này đã hạn chế khả năng tấn công của chúng.
Bên cạnh đó, do có tốc độ cận âm, nên tên lửa Exocet dễ đánh chặn; đầu đạn xuyên giáp 165kg ít có khả năng gây nguy hiểm cho các tàu chiến lớn.
Cuối cùng cần phải nhớ rằng, vũ khí nước ngoài xâm nhập vào Ukraine sẽ bị quân đội Nga phá hủy ngay lập tức ở giai đoạn vận chuyển đến chiến trường hoặc ở vị trí khai hỏa.
Trừ khi Pháp cung cấp phiên bản tên lửa Exocet phóng từ đất liền, còn không thì việc cung cấp tên lửa Exocet sẽ không có ích lợi gì cho Ukraine, vì không quân và hải quân Ukraine cơ bản đã tan rã.
Tiến Minh