“So găng” sức mạnh trên đại dương
Trong khi dư luận đang nhận định về điều cho rằng “so găng” sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, bởi cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép diễn ra cùng lúc Mỹ triển khai tới cùng lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay gồm USS Ronald Reagan (CVN 76), USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68). Việc Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2017 triển khai đồng thời 3 biên đội tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông được cho là sự “dằn mặt” trực diện đối với cuộc tập trận từ ngày 1 đến 5/7, đồng thời răn đe toan tính quân sự Biển Đông nói riêng và tham vọng trở thành cường quốc đại dương nói chung của Trung Quốc.
|
Việc Mỹ triển khai cùng lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay ở khu vực Biển Đông được xem như là sự ứng phó thích đáng đối với Trung Quốc. |
Phớt lờ sự chỉ trích của dư luận rằng, cuộc tập trận diễn ra tại khu vực biển tranh chấp ở Biển Đông “mang tính khiêu khích cao”, Trung Quốc còn tuyên bố đồng thời tiến hành các cuộc tập trận khác ở các vùng biển nhạy cảm khác là biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 4/7 vừa qua bất ngờ cho biết, hải quân Trung Quốc đang tập trận đồng thời trên cả Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải.
CCTV còn cho biết thêm rằng, các cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D - lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên của hải quân Trung Quốc và có tải trọng tương đương với tàu khu vực mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ - cùng khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Type 054A. Truyền thông Trung Quốc còn khẳng định rằng, trong cuộc tập trận còn có sự “vào cuộc” của một loại tên lửa “thế hệ mới chưa được tiết lộ”.
Các cuộc tập trận liên tiếp và diễn ra ở nhiều vùng biển khác nhau ở phía Tây Thái Bình Dương cho thấy Trung Quốc đang bất chấp những lo ngại về mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, không ngừng ráo riết gia tăng sức mạnh quân sự, trong đó có hải quân, đồng thời sử dụng sức mạnh đó để ganh đua, thị uy hòng hiện thực hóa các tham vọng phi pháp. Cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đã đổ tiền đổ của để chạy đua vũ trang, gia tăng sức mạnh quân sự.
Đối với hải quân, Trung Quốc đã đưa vào trực chiến biên đội tác chiến tàu sân bay đầu tiên của nước này mang tên Liêu Ninh. Sau tàu sân bay đầu tiên vốn được nâng cấp trên cơ sở tàu sân bay Varyag mua của Ukraine chỉ mang được 24 máy bay tiêm kích, Trung Quốc đã dựa vào nguyên mẫu này đóng chiếc tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông lớn hơn, có thể mang 36 máy bay tiêm kích hạm mới nhất J-15.
Cùng với tàu sân bay, Trung Quốc đầu tư rất lớn để phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Bên cạnh việc chế tạo những chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) Type 094 lớp “Tấn” (Jin) được trang bị 12 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm JL-2 (SLBM) với tầm bắn 7.500km, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc chế tạo để sớm đưa vào sử dụng tàu ngầm SSBN thế hệ mới Type 096 lớp “Đường” (Tang) chạy êm hơn và mang nhiều tên lửa hơn với 24 tên lửa JL-3 SLBM có tầm bắn 10.000km và mỗi tên lửa lại mang nhiều đầu đạn hạt nhân theo công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) các đầu đạn hạt nhân.
Lực lượng tàu nổi hiện do các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Lữ Dương làm nòng cốt. Tuy nhiên, chúng đang được thay thế bởi những tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường hiện đại hơn, lớn hơn lớp Tàu khu trục mới mang tên lửa dẫn đường Type 055 (NATO gọi là lớp Renhai) Nam Xương dài 180m, rộng 20m, tải trọng 13.000 tấn với 112 hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) có khả năng phóng các loại tên lửa đối không đối tầm trung và tầm xa, tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Những sự đáp trả mạnh mẽ trên thực địa
Chạy đua vũ trang trên biển của Trung Quốc trước hết nhằm thực hiện tham vọng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông, nhưng về lâu dài là để khẳng định sức mạnh, tranh đoạt những lợi ích toàn cầu với các cường quốc mạnh nhất thế giới. Khi thông tin về các biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ đang hiện diện ở Biển Đông, trang thông tin China Mil được quân đội Trung Quốc tài trợ ngày 6/7 đã đưa ra những thông tin mang tính đe dọa rằng các tàu sân bay Mỹ “chỉ là con hổ giấy đang ở trước cửa nhà Trung Quốc” và cảnh báo các tàu chiến Mỹ đang nằm trong tầm bắn của tên lửa “sát thủ diệt hạm” Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, cũng lên tiếng phụ họa với hàm ý rằng Trung Quốc có trong tay những loại vũ khí chẳng ngán ngại các biên đội tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Tờ này viết: “Trung Quốc có nhiều vũ khí chống tàu sân bay để lựa chọn ở Biển Đông như các tên lửa “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-21D và DF-26. Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm tay của quân đội Trung Quốc...”.
Mối đe dọa trên biển của Trung Quốc ngày càng lớn, không chỉ với các quốc gia khu vực mà cả với Mỹ, quốc gia đang được xem là cường quốc hải quân số một thế giới hiện nay, trong đó mạnh nhất là các biên đội tác chiến tàu sân bay có thể mang tới gần 100 máy bay chiến đấu hiện đại. Việc Mỹ triển khai cùng lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay ở khu vực Biển Đông, vì thế được xem như là sự ứng phó thích đáng đối với sức mạnh hải quân trỗi dậy của Trung Quốc.
Điều này càng thấy rõ hơn khi cùng với các biên đội tác chiến tàu sân bay, Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress bay thẳng từ căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana (Mỹ) đến Biển Đông để tham gia tập trận với các máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay ở đây. Đơn vị truyền thông của hải quân Mỹ lên tiếng nhấn mạnh rằng, tàu sân bay Mỹ “không sợ hãi” trước những lời đe dọa “sát thủ diệt tàu sân bay” của Trung Quốc.
Với những sự đáp trả mạnh mẽ trên thực địa, Mỹ rõ ràng muốn phát đi thông điệp là nước này sẽ không chấp nhận để ảnh hưởng cùng những lợi ích chiến lược sống còn của mình trên các đại dương, trong đó có Biển Đông, bị Trung Quốc đe dọa, lấn lướt.
Theo Hoàng Hà/ANTĐ