Hội ngộ đặc biệt của đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập

Google News

Ngày 30/4/1975, Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) là đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chính trị viên Vũ Đăng Toàn (bìa trái) và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (bìa phải) tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu. 
Nghĩa tình trong ngôi nhà mới
Tháng tư này, tôi được đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng ban Liên lạc CCB Đại đội 4 mời dự một cuộc gặp tại nhà CCB Vũ Đăng Toàn, nguyên Trưởng xe tăng 390 đánh chiếm Dinh Độc Lập. Hôm đó, trên đường đến nhà CCB Vũ Đăng Toàn tại xã Yết Kiêu (Gia Lộc, Hải Dương), tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện diễn ra hơn hai mươi năm trước. Năm 1996, bộ phim truyền hình “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” phát sóng nói về cuộc sống của những CCB xe tăng 390 sau khi xuất ngũ đã gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Tôi đã tìm đến nhà CCB Vũ Đăng Toàn để lấy tư liệu viết bài. Tại đây, chứng kiến cuộc sống đạm bạc của người cựu Trưởng xe tăng 390 trong căn nhà đơn sơ, tôi hiểu gia đình anh hiện rất khó khăn. Nhưng trong câu chuyện, CCB Vũ Đăng Toàn luôn tỏ rõ sự lạc quan.“Sau khi hoàn thành trách nhiệm của người lính, chúng tôi lại trở về làm người nông dân như trước đây. Tôi tin với sức lao động của mình, cuộc sống gia đình rồi sẽ khá hơn”- anh nói.
Mải hồi tưởng, xe phút chốc đã tới nhà CCB Vũ Đăng Toàn. Tôi bất ngờ khi thấy căn nhà cũ trước đây không còn, thay vào đó là ngôi nhà hai tầng rưỡi rộng rãi mới xây. Trong sân, cựu Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn đang tay bắt mặt mừng đón tiếp các CCB Đại đội 4 vừa đến trước đó ít phút. Trong số họ, tôi nhận ra hai thành viên khác của kíp xe tăng 390 là cựu pháo thủ 1 Ngô Sĩ Nguyên và lái xe Nguyễn Văn Tập, bên cạnh là vợ của hai anh. Chị Nguyễn Thị Ngọc, vợ của đại đội phó Đại đội 4 kiêm pháo thủ số 2 xe tăng 390 Lê Văn Phượng cũng có mặt. Anh Phượng đã mất cách đây 2 năm, kíp xe tăng 390 nay khuyết đi một người. Sự mất mát này khiến tôi nhớ lại vào năm 2012, đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975- cũng đã qua đời. Như vậy, ba thành viên chỉ huy cấp đại đội của đơn vị này năm xưa nay chỉ còn cựu Chính trị viên Đại đội 4 kiêm Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn. Vì thế năm nay, khi các CCB Đại đội 4 tổ chức một cuộc gặp để kỷ niệm 5 năm đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng vào năm 2013, thì địa điểm thích hợp hơn cả là nhà cựu Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, nhất là khi anh vừa xây xong nhà mới.
Tại cuộc hội ngộ, tôi có dịp gặp cựu Trưởng xe tăng 866 Lê Tiến Hùng, một CCB dũng cảm của Đại đội 4. Ngày 30/4/1975, sau khi cùng đơn vị tiến về cầu Thị Nghè, địa điểm khá gần Dinh Độc Lập, xe tăng 866 của Lê Tiến Hùng dẫn đầu. Bất ngờ, đơn vị gặp một ổ kháng cự ngay trên cầu với lực lượng xe tăng M41 và M113. Một cuộc đấu tăng ác liệt diễn ra ngay trong nội thành Sài Gòn. Khi ổ kháng cự của địch bị tiêu diệt, xe tăng 866 cũng trúng đạn. Trưởng xe Lê Tiến Hùng bị thương vào chỗ “nhạy cảm”, đồng đội vội khiêng anh xuống xe, chuyển cho cứu thương. Lê Tiến Hùng được cứu sống, và mặc dù bị thương vào “chỗ ấy”, anh vẫn lập gia đình bình thường và có con.
Sau khi xe 866 bị bắn hỏng phải nằm lại, hai xe 390 và 843 đi sau đã vượt lên. CCB Vũ Đăng Toàn nhớ lại: Khi đến gần Dinh Độc Lập, các thành viên kíp xe tăng 390 nhìn thấy xe tăng 843 đang mắc ở cổng bên trái Dinh. Trước tình huống này, Trưởng xe Vũ Đăng Toàn đã hạ lệnh cho xe tiến thẳng vào Dinh. Lái xe Nguyễn Văn Tập lập tức tăng tốc, xe tăng 390 lao nhanh húc văng hai cánh cổng chính rồi tiến sát Dinh Độc Lập. Tại xe 843, đại đội trưởng Bùi Quang Thận quyết định rời xe, cầm theo lá cờ cắm trên tháp pháo và chạy bộ vào Dinh. Khoảnh khắc lịch sử này đã được nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder chụp lại, về sau trở thành hình ảnh điển hình về chiếm lĩnh Dinh Độc Lập của bộ đội ta.Về phần mình, khi thấy đại đội trưởng Bùi Quang Thận vào Dinh để cắm cờ, chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã cầm theo khẩu AK, nhảy xuống xe để bảo vệ đồng đội.
Tại cuộc hội ngộ hôm đó, đại diện lãnh đạo của Lữ đoàn Xe tăng 203 và xã Yết Kiêu cũng đến dự. Trung tá Nguyễn Văn Hội, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Xe tăng 203 bày tỏ sự trân trọng đối với những thành tích mà Đại đội 4 đã đạt được khi trở thành đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập. “Thành tích đó luôn là tấm gương để những thế hệ đi sau tiếp bước, học tập”- Trung tá Nguyễn Văn Hội nói. Còn ông Nguyễn Hữu Lếnh, Bí thư Đảng ủy xã Yết Kiêu chia sẻ: “Năm 1995, khi là một cán bộ của xã Yết Kiêu, tôi từng chứng kiến một đoàn về xã làm việc, trong đó có bà Francoise Demulder. Khi cùng đoàn về nhà anh Vũ Đăng Toàn, tôi được biết sau 20 năm chụp những bức ảnh về kíp xe tăng 390 và 843 đến Dinh Độc Lập, bà Demulder có dịp trở lại Việt Nam và tìm gặp những người lính có mặt trên hai chiếc xe tăng trên.Ngoài anh Toàn, kíp xe tăng 390 còn có anh Nguyễn Văn Tập cũng ở xã bên của huyện Gia Lộc, nên chúng tôi thấy rất tự hào”.
 Từ phải sang: Các cựu thành viên kíp xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn (thứ ba), Ngô Sĩ Nguyên (thứ tư), Nguyễn Văn Tập (thứ 5) bên những người thân. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Liệt sỹ được thờ cùng nhà thờ của xóm
Rời nhà cựu Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, các CCB Đại đội 4 đến thăm gia đình liệt sĩ (LS) đồng đội Vũ Ngọc Kiểm, cũng ở xã Yết Kiêu. Năm xưa, sau khi lập gia đình, người lính trẻ Vũ Ngọc Kiểm nhập ngũ và hy sinh khi con trai chưa đầy một tuổi. Thắp hương tưởng nhớ đồng đội, Trưởng ban liên lạc CCB Đại đội 4 Nguyễn Khắc Nguyệt bùi ngùi khi thấy trên bàn thờ LS Vũ Ngọc Kiểm không có di ảnh.“Khi anh Kiểm và 3 đồng đội khác cùng kíp xe hy sinh, đơn vị đã chôn cất cẩn thận, nhưng sau trở lại thì không tìm thấy mộ đồng đội do nơi đây bị địch đánh phá” - CCB Nguyễn Khắc Nguyệt xúc động cho biết.
Tại nhà LS Vũ Ngọc Kiểm, tôi có dịp hiểu thêm để có khoảnh khắc lịch sử chiếm Dinh Độc Lập, Đại đội 4 đã trải qua nhiều mất mát, mà việc cả kíp xe tăng của LS Kiểm hy sinh là một trường hợp. CCB Nguyễn Khắc Nguyệt kể, cuối tháng 3/1972, Đại đội 4 nhận lệnh cơ động độc lập vào tây Thừa Thiên-Huế để nhận nhiệm vụ mới. Sau hơn một tháng hành quân dưới mưa bom bão đạn, tháng 5/1972 đơn vị tập kết tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế), một vị trí chiến lược án ngữ con đường huyết mạch phía đông Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Khu vực này thuộc quyền làm chủ của ta, đến năm 1969 phía Mỹ đã tung Sư đoàn kỵ binh bay số 1 hòng chiếm lại A Lưới nhưng thất bại, để lại những địa danh máu lửa như đồi A Bia mà họ kinh hoàng gọi đó là đồi Thịt Băm (đồi Hăm-bơ-gơ). Từ đó, A Lưới trở thành một trọng điểm đánh phá của địch, làm biến dạng cả một vùng địa hình không kém gì Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 7/5/1972, khi Đại đội 4 đang chuẩn bị hành quân thì máy bay B-52 của địch bất ngờ ào tới rải thảm. Đội hình xe tăng Đại đội 4 chao đảo giữa cánh rừng, cây cối đổ ngổn ngang. Bất ngờ, xe tăng số hiệu 388 bị một quả bom tấn đánh trúng, cả 4 người của kíp xe đều hy sinh, trong đó có chiến sĩ Vũ Ngọc Kiểm. Sau khi tổ chức chôn cất đồng đội, đơn vị tiếp tục hành quân. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đại đội 4 có dịp trở lại A Lưới nên tổ chức đi tìm mộ đồng đội. Tuy nhiên, do đây là một trọng điểm đánh phá, không biết bao nhiêu bom đạn Mỹ đã ném xuống đây khiến mộ bốn đồng đội không còn.
Năm 2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, các CCB Đại đội 4 có dịp thăm lại chiến trường xưa, trong đó có A Lưới. Tại đây, may mắn các CCB Đại đội 4 có được manh mối là hố bom nơi các đồng đội xe tăng 388 hy sinh nay vẫn còn, hiện thuộc xóm 2, thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy, huyện A Lưới). Do hài cốt đồng đội không còn, nên các CCB Đại đội 4 dự định sau này sẽ làm tại đây một ngôi miếu nhỏ để làm nơi cho hương hồn các LS trở về. Năm 2016, Trưởng ban Liên lạc Nguyễn Khắc Nguyệt nhận trách nhiệm trở lại A Lưới để thực thi công việc trên. Người dân thôn Quảng Vinh sẵn sàng hiến đất để xây miếu, nhưng một vấn đề đặt ra là khi miếu xây xong mà không có người trông nom thì sẽ trở nên lạnh lẽo. Giữa lúc đó, được biết người dân xóm 2 thôn Quảng Vinh chuẩn bị khánh thành một ngôi nhà thờ của xóm, trong đó dành riêng một gian để thờ các LS hy sinh trên mảnh đất từng chịu nhiều bom đạn này. Họ gợi ý với CCB Nguyễn Khắc Nguyệt nên đưa hương linh các đồng đội vào đây để người dân địa phương bốn mùa hương khói.
Trước nghĩa cử này, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt trở về báo với đồng đội và tất cả đều đồng ý. Ngày 7/5/2017, sau đúng 45 năm các chiến sĩ xe tăng 388 hy sinh, các CCB Đại đội 4, thân nhân 4 LS đã đến xóm 2 thôn Quảng Vinh để làm lễ tưởng niệm, cầu siêu và đưa linh vị các LS vào nhà thờ địa phương. Hôm đó, đại diện lãnh đạo Lữ đoàn Xe tăng 203, huyện A Lưới, xã Sơn Thủy… đã đến tham dự lễ tưởng niệm. “Ở giữa lòng dân trong gian nhà thờ của địa phương, các anh sẽ thấy ấm áp hơn”- CCB Nguyễn Khắc Nguyệt nói với vợ con LS Vũ Ngọc Kiểm trước lúc chia tay.
Theo Kiến Nghĩa/Tiền Phong