Tại sao Nga phải thay thế hệ thống phòng không Pantsir-S1?
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, trích dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong tương lai gần, lực lượng phòng không hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, sẽ được tăng cường bởi hệ thống pháo-tên lửa hỗn hợp mới nhất - hệ thống phòng không Pantsir-SM.
Theo "Cục thiết kế kỹ thuật thiết bị mang tên V.V. Tikhomirov" của Công ty cổ phần Tula, đơn vị phát triển và sản xuất cả phiên bản cơ bản và phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không Pantsir cho biết, Pantsir-SM có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tầm xa, không chỉ các phương tiện bay không người lái, mà còn cả đạn tên lửa HIMARS của Mỹ, đang được phương Tây ca ngợi hết lời.
|
Hệ thống tên lửa cơ động HIMARS của Ukraine đã gây cho Quân đội Nga nhiều thiệt hại. |
Hệ thống phòng không Pantsir-SM, trang bị một radar trinh sát đa chức năng mới, với một mảng ăng ten mảng pha chủ động; có phạm vi phát hiện mục tiêu tăng lên 75 km (so với phiên bản cũ là 40 km), tầm dẫn bắn mục tiêu tăng lên 40 km (trong khi ở Pantsir-S1 chỉ là 20 km).
Buổi giới thiệu công khai đầu tiên về hệ thống phòng không Pantsir-S1 diễn ra vào năm 1995; tuy nhiên do những khó khăn về kinh tế của Nga thời hậu Xô viết, đã đẩy lùi bước thử nghiệm đầu tiên của Pantsir-S1 đến tận năm 2006.
Sau khi trải qua một số cải tiến đáng kể, vào tháng 11/2012, phiên bản cơ bản của tổ hợp Pantsir, sau này trở thành phiên bản phổ biến nhất, đã được Quân đội Nga chấp nhận đưa vào biên chế. Và sau đó là quân đội của mười một quốc gia khác, bao gồm Algeria, Iran, Ả Rập Saudi, Syria, Libya và Iraq đã sở hữu loại vũ khí phòng không này.
Năm 2016, phiên bản hiện đại hóa của hệ thống Pantsir là Pantsir-S2 xuất hiện; một năm sau, phiên bản dùng cho vùng Bắc Cực là Pantsir-SA tham gia Lễ duyệt binh Chiến thắng. Năm 2018, tàu tên lửa nhỏ Odintsovo, thuộc dự án 22800 Karakurt, được trang bị hệ thống Pantsir phiên bản hải quân, với ký hiệu ZRPK.
Tuy nhiên qua thời gian gần một năm tham chiến với cường độ cao tại chiến trường Ukraine, hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1, đã không phát huy được vai trò là “chiếc ô che đầu”, cho các lực lượng chiến đấu mặt đất tuyến trước của Nga; đặc biệt là với loại tên lửa HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Về thực chất, tên lửa M31 của hệ thống HIMARS là đạn pháo phản lực phóng loạt (MLRS), nhưng có lắp thêm hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh GPS. Tuy nhiên các hệ thống phòng không chiến thuật của Nga, gần như “bất lực” trước loại tên lửa này của Ukraine.
Do vậy, Quân đội Nga cần gấp một hệ thống phòng không cơ động, bảo vệ các lực lượng chiến đấu tuyến trước, có thể tiêu diệt các mục tiêu bay như trực thăng vũ trang, UAV và tên lửa HIMARS. Và hệ thống phòng không Pantsir-S1 được gấp rút nâng cấp lên phiên bản Pantsir-SM, được Quân đội Nga gấp rút đưa vào chiến trường Ukraine.
|
Một hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Nga đang tiêu diệt mục tiêu UAV trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại chiến trường Ukraine.
|
Hệ thống phòng không Pantsir-SM có tính năng gì nổi bật?
Phiên bản Pantsir-SM có thể phát hiện và tiêu diệt các vật thể bay nhỏ như UAV 4 trục, UAV tự sát lảng vảng. Nói một cách đơn giản, hệ thống có thể phát hiện các mục tiêu khó phát hiện và tiêu diệt kịp thời.
Các tính năng thiết kế và các đặc tính kỹ chiến thuật của Pantsir-SM đã được nâng cao nhiều so với phiên bản cũ. Chẳng hạn như tên lửa và pháo kết hợp, tạo ra một vùng hủy diệt liên tục trong các phạm vi: độ cao từ mặt đến 15 km; bán kính sát thương từ 200m đến 20km. Thậm chí có thể tiêu diệt hiệu quả ngay cả đối với các mục tiêu trên mặt đất.
Về pháo bắn nhanh tự động, đã được nâng cấp từ 2 lên 4 khẩu 30 mm 2A38M; cơ số đạn của chúng là 1.400 viên và tốc độ bắn khoảng 500 viên mỗi phút.
Về tên lửa, tốc độ của tên lửa dùng cho Pantsir-SM là loại tên lửa siêu thanh, có khả năng cơ động cao, với hai động cơ riêng biệt (gồm động cơ khởi tốc hay còn gọi là động cơ phóng và động cơ bay), cho tên lửa tốc độ tới 1.300 m/s (4.680 km/h), vượt xa người tiền nhiệm của nó trên hệ thống Pantsir-S1.
|
Hệ thống phòng không cải tiến Pantsir-SM |
Việc trang bị hai động cơ riêng biệt cho tên lửa, làm giảm đáng kể đường kính thân tên lửa, từ đó giảm mức độ cản khí động học và do đó đảm bảo tốc độ cao trên tất cả các phần của đường bay. Một cải tiến quan trọng nữa là khoảng thời gian giữa việc phóng một tên lửa đi và bắt mục tiêu mới, chỉ 1,5 giây.
Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-SM được điều khiển bởi kíp chiến đấu 3 người và họ chỉ mất không quá 5 phút để triển khai tổ hợp vào vị trí chiến đấu.
Bất kỳ loại khung gầm nào cũng có thể được sử dụng làm nền tảng cho các mô-đun Pantsir-SM: bánh xích, bánh lốp và được thiết kế đặc biệt. Tuy nhiên, khung gầm ô tô được bọc thép KAMAZ-53958 (họ Tornado) với cabin bọc thép và hệ dẫn động 8×8 mới, được chọn cho phiên bản Pantsir-SM đầu tiên.
Ngoài ra, có thể lắp đặt các mô-đun chiến đấu Pantsir-SM trên boong tàu và thậm chí trên nóc các tòa nhà. Các nguồn tin mở cho biết, Pantsir-SM có khả năng phát hiện và phá hủy tất cả các loại vũ khí tấn công đường không hiện có của Quân đội Ukraine, có tốc độ bay không vượt quá 1.000 m/s.
Khả năng Pantsir-SM được trang bị radar có độ nhạy cao, trong việc “phát hiện” các vật thể được chế tạo bằng công nghệ tàng hình, có mức độ phản xạ radar (EPR) là 0,03 mét vuông, ở khoảng cách vài chục km.
|
Hệ thống phòng không cải tiến Pantsir-SM trên thao trường thử nghiệm. |
Xác suất bắn trúng UAV hoặc tên lửa hành trình của hệ thống Pantsir-SM là 0,7; và đối với vũ khí "yêu thích" của Quân đội Ukraine thường để sử dụng tập kích vào các mục tiêu sâu trong hậu phương quân Nga, là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U 9M79M, có vẻ như “rất nhẹ nhàng” và không phải là mục tiêu khó khăn nhất, đối với hệ thống Pantsir-SM.
Là một sự tăng cường cho hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không tầm ngắn, phiên bản nâng cấp mới nhất Pantsir-SM được trang bị tên lửa với tầm bắn khoảng 7 km và phù hợp nhất để chống lại UAV tự sát cỡ nhỏ và tốc độ thấp hoặc tên lửa lảng vảng.
Trong trường hợp đối phương sử dụng ồ ạt UAV theo chiến thuật “bão hòa”, lượng tên lửa của tổ hợp có thể nhanh chóng được trang bị lên tới 48 tên lửa.
Thiết kế chung của Pantsir-SM thực tế giống với phiên bản cơ bản Pantsir-S1, bao gồm một tháp pháo chính, có khả năng xoay 360 độ; chứa pháo, bệ phóng tên lửa, radar và các thiết bị khác, được đặt trên khung gầm xe việt dã hoặc rơ móc xe kéo.
Buổi ra mắt đầu tiên của tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-SM đã diễn ra tại cuộc triển lãm Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế "Army-2019"; tại đó, một số đặc điểm kỹ chiến kỹ thuật và hoạt động của Pantsir-SM đã được tiết lộ cho công chúng.
|
Hệ thống phòng không cải tiến Pantsir-SM với một xe phóng riêng biệt với 24 tên lửa. |
Và một năm sau, trong khuôn khổ Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế "Army-2020", công ty Tula đã thông báo về việc bắt đầu dự kiến bán phiên bản xuất khẩu hải quân (ZRPK) cho các quốc gia đối tác của Nga, trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự trong tương lai gần.
Vào tháng 8/2021, Rosoboronexport đã công bố công việc chuẩn bị trước hợp đồng với mười khách hàng sử dụng tiềm năng và thậm chí là ký kết thỏa thuận cung cấp đầu tiên hệ thống Pantsir-SM cho một khách hàng giấu tên nước ngoài.
Tiến Minh