Từ ngày 14-18/4/2023, tất cả các khí tài thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao độ và bắt đầu cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu với sự tham gia của hơn 25.000 nhân viên và 167 tàu.
Ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù vào phần phía nam của Biển Okhotsk, đẩy lùi cuộc đổ bộ của kẻ thù trên đảo Sakhalin và quần đảo Kuril phía nam cũng là những phần quan trọng của cuộc tập trận, cuộc tập trận này thể hiện sự quan tâm của quân đội Nga trong việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị ở Thái Bình Dương.
Các cuộc tập trận của Nga diễn ra trong thời điểm căng thẳng cao độ với NATO, tổ chức này đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, quốc gia mà Nga có tranh chấp lãnh thổ.
Các cuộc tập trận mới nhất ở Thái Bình Dương đã tập trung vào chiến tranh chống tàu ngầm, bởi tàu ngầm là một thế mạnh đặc biệt của Hải quân Nhật Bản và Mỹ. Đáng chú ý, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tàu ngầm có pin lithium-ion trong hệ thống đẩy của chúng, để cải thiện khả năng tàng hình so với các loại tàu ngầm khác hiện có trên thế giới.
|
Tàu tuần dương lớp Slava Varyag |
Nga đã triển khai trực thăng Ka-27PL và máy bay tác chiến chống ngầm tầm xa Tu-142M3 để hỗ trợ các nỗ lực tác chiến chống tàu ngầm trong cuộc diễn tập. Những phương tiện này cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho các tàu chiến đi cùng để phóng các loạt tên lửa tầm xa.
Khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Nga trong khu vực dự Thái Bình Dương sẽ được tăng cường đáng kể, nhờ biên chế thêm hai tàu sân bay trực thăng cỡ lớn 40.000 tấn hiện đang được đóng ở Crimea. Hiện tại các tàu khu trục như lớp Udaloy có thể mang theo hai máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm mỗi chiếc, nhưng các tàu sân bay mới sẽ có thể triển khai vài chục chiếc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã giải thích chi tiết vào ngày 17/4 về các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương: “Quân đội đang tập trận để tiến hành các cuộc bắn thử nghiệm và diễn tập chiến thuật, đồng thời thực hành khả năng hiệp đồng của nhiều lực lượng…Lực lượng phản ứng nhanh chống ngầm đã triển khai các biện pháp săn lùng tàu ngầm tại các điểm tiếp cận Vịnh Peter Đại đế và Vịnh Avacha. Máy bay hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương cũng được triển khai tại các sân bay. Máy bay của bộ chỉ huy quân sự hàng không tầm xa đã được triển khai tại sân bay tiền phương”.
|
Máy bay tác chiến chống ngầm Tu-142 |
Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 17/4 cũng đã ca ngợi các cuộc tập trận và nhấn mạnh rằng “giai đoạn đầu tiên của cuộc kiểm tra đột xuất đã vượt qua ở mức rất cao”, bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia.
Các giai đoạn sau của cuộc tập trận cũng liên quan đến việc sử dụng các tàu ngầm tên lửa đạn đạo để thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng ở phạm vi liên lục địa, đồng thời việc bảo vệ các tài sản này là một trong những nhiệm vụ chính của cuộc diễn tập.
Chỉ có hạm đội Thái Bình Dương và Bắc Cực mới có tàu ngầm tên lửa đạn đạo, những vũ khí này đã được hiện đại hóa nhanh chóng trong những năm gần đây và được ưu tiên đầu tư. Hạm đội Thái Bình Dương hiện triển khai ba tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei mới cùng với 15 tàu ngầm tấn công, một tàu tuần dương lớp Slava Varyag, năm khu trục hạm và bốn khinh hạm.
|
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei của Nga |
Các tàu khu trục và khinh hạm của Hải quân Nga đều là tàu do Liên Xô chế tạo, vì ngành đóng tàu của nước này vẫn chưa phục hồi khả năng đóng những con tàu như vậy mặc dù có thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân rất lớn, điều này phản ánh ưu tiên của Nga đối với năng lực tàu ngầm trong hơn 30 năm qua.
Tất cả các loại tàu của Nga hiện tại đều đã được chế tạo để tương thích với một loạt các lớp tên lửa hiện đại, điều này giúp kéo dài thời gian hoạt động của nhiều tàu lớn được chế tạo từ thời Liên Xô.
Tàu khu trục lớp Udaloy Marshal Shaposhnikov phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương, là tàu khu trục đầu tiên của Nga được tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh Zicron mới của nước này, loại tên lửa hiện được coi là không thể đánh chặn.
Lê Quang