Ngày 28/2 diễn ra lễ thượng cờ Tàu ngầm 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa Vũng Tàu tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo 636, nằm trong gói hợp đồng trị giá 2 tỷ USD ký kết với Nga năm 2009. Trang sử dang dở của tàu ngầm Việt Nam đã được viết tiếp.
Nhân sự kiện này, Zing.vn có cuộc trao đổi với Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam.
Chúng ta đủ sức giáng trả
- Thưa Chuẩn đô đốc, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 6 tàu ngầm Kilo do Nga đóng, đồng thời cũng trang bị nhiều phương tiện theo hiện đại hơn. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân Việt Nam tính đến hiện tại?
- Với tư cách là một người trong nghề, tôi mừng khi Hải quân Việt Nam có được lực lượng tương đối đồng bộ và thể hiện là một quân chủng hỗn hợp. Hải quân không chỉ có tàu chiến mặt nước hay tên lửa bờ mà không quân hải quân cũng bắt đầu hình thành. Mặc dù không quân chiến đấu đang nằm ở Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PKKQ) nhưng đã hoạt động trên biển. Hải quân đã có một trung đoàn không quân. Rồi chúng ta có lực lượng tàu ngầm, đặc công hải quân, hải quân đánh bộ.
|
Biên đội tàu tên lửa và máy bay săn ngầm của Hải quân Việt Nam. Ảnh: An Bình. |
Với một nước Việt Nam có đường bờ biển trên 3.200 km và hơn 3.000 hòn đảo gần và xa bờ thì nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Đó là đòi hỏi khách quan. Và đó còn là lòng tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam phải có lực lượng hải quân như thế.
Với lực lượng hiện nay, nói mạnh thì thực sự chưa phải là mạnh. Nhưng Hải quân Việt Nam đã đủ sức để bảo vệ bờ biển và hải đảo của Tổ quốc. Điều tôi thấy quý là lớp tàu tên lửa Tia chớp Molniya. Tàu chỉ có lượng giãn nước 560 tấn nhưng có thể mang tới 16 quả tên lửa với tầm bắn 180-200 km. Đây là loại tàu do Việt Nam đóng dựa trên công nghệ chuyển giao của Nga.
Với riêng tàu ngầm, chiến thuật rất khác. Tàu có thể đi ra biển một tháng mới về, kíp tàu đó được lên bờ an dưỡng, huấn luyện rồi lại xuống tàu khác đi. Chúng ta có 6 tàu ngầm nhưng hoạt động trên biển chỉ 2 chiếc. Còn 2 chiếc nằm cảng, 2 chiếc bảo dưỡng.
Đòi hỏi với lính tàu ngầm còn cao hơn cả không quân. Lính tàu ngầm phải dũng cảm, bền gan, không sợ hy sinh, không sợ khó khăn.
Trước kia, chúng ta không có khả năng đánh ở Trường Sa. Nhưng từ 2010 trở lại đây, khi có lực lượng đặc biệt thì chúng ta có điều kiện tổ chức những trận đánh cách bờ 500-600 km, tức là đánh đến Trường Sa và xa hơn nữa.
|
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng với sự bổ sung các phương tiện hiện đại, Hải quân Việt Nam đủ sức bảo vệ biển Việt Nam, có khả năng tác chiến ở vùng biển xa. Ảnh: Thanh Tùng. |
Đã đến lúc phải tự sản xuất vũ khí
- Với việc trang bị một loạt phương tiện, vũ khí tối tân, đánh giá của ông về tương quan lực lượng giữa Hải quân Việt Nam và các nước trong khu vực hiện nay ra sao?
- Nếu so sánh với Hải quân Trung Quốc thì Hải quân của chúng ta còn cách xa họ. Vì họ có một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại. Họ phóng được tàu vũ trụ, họ có hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu tự dẫn đường thay cho GPS của Mỹ. Tất cả vũ khí của họ đều tự sản xuất ra được. Tàu chiến họ đóng được rất nhanh và nhiều.
Mỗi nước Đông Nam Á cũng có thế mạnh riêng của họ. Ví dụ, Singapore đất nước nhỏ, bờ biển ít, để bảo vệ quốc gia và biển, họ cũng có tàu ngầm và tàu chiến. Hải quân Singapore cũng là lực lượng có sức chiến đấu khiến nhiều nước phải nể sợ.
Đối với Hải quân Việt Nam, từ 2010, chúng ta đã có sức tấn công. Có thể dùng nhiều đòn chứ không chỉ một đòn. Có thể tấn công bằng tên lửa bờ, tên lửa tàu mặt nước, tên lửa ngư lôi của tàu ngầm, bằng các phương tiện khác như đặc công nước, hải quân đánh bộ.
- Tuy nhiên, có thể thấy chiến lược hiện đại hoá Hải quân Việt Nam mới chỉ ở những bước đầu tiên. Theo Chuẩn đô đốc, tiếp theo chúng ta nên làm gì?
- Chúng ta không thể cứ đi mua vũ khí mãi. Mua tốn tiền đã đành nhưng quan trọng hơn là sự lệ thuộc. Không phải người ta bán cho mình tất cả những gì ưu việt nhất.
|
Tàu ngầm 187 Bà Rịa - Vũng Tàu tại lễ thượng cờ sáng 28/2. Ảnh: An Bình. |
Bước tiếp theo phải tự sản xuất. Chúng ta sản xuất gì? Đối với hải quân, trước hết phải sản xuất tên lửa và pháo. Ngân sách quốc phòng ít nhất phải chiếm 2% GDP thì mới đủ tiền để nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Mỹ giành 3% GDP, Trung Quốc có thể lớn hơn nữa.
Mũi nhọn thứ 2 là máy bay không người lái. Theo tôi, nên mở rộng các cuộc thi sáng chế máy bay không người lái tại các trường đại học. Đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao. Bây giờ đã đến lúc mình làm được. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến chiến tranh mạng.
Hơn hết, các thế hệ lãnh đạo phải hiểu được ý đồ của nước lớn. Chúng ta hoan nghênh đa phương, đa dạng hoá. Tuy nhiên, không thể tin ai hoàn toàn, cũng không dựa vào ai hoàn toàn. Dựa vào một ai đó rồi sẽ đến lúc bị phản bội.
Nếu phải mua thì đa dạng hoá nhà cung cấp, đừng chỉ đi với một nước. Cái hay của việc này là tiếp thu được nhiều tinh hoa, nhiều kênh vũ khí. Ngoài Nga còn có Pháp, Ấn Độ, Israel... Tuy nhiên, cái khó là hệ thống vũ khí không đồng bộ, người sử dụng phải đi học ở nhiều nước khác nhau. NATO hiện đang hướng tới thống nhất một dòng vũ khí để đảm bảo hậu cần. Theo tôi, Việt Nam nên sản xuất lấy một dòng vũ khí của mình, chỉ có Việt Nam có.
|
Tàu ngầm 186 Đà Nẵng tại Quân cảng Cam Ranh sáng 28/2. Ảnh: An Bình. |
- Trong những năm tới, theo đánh giá của Chuẩn đô đốc, tình trạng giằng co trên biển giữa các nước sẽ diễn biến như thế nào? Liệu Hải quân Việt Nam đã đủ sức để ứng phó với những biến động đó?
- Việt Nam chưa từng tham gia chiến tranh trên các đại dương. Hơn nữa, đó là chuyện giữa các nước lớn. Nhưng khả năng đó còn xa, không nước nào muốn có cuộc chiến tranh này, kể cả Mỹ hay Trung Quốc.
Còn ở gần như biển Hoa Đông, giữa Nhật và Trung Quốc hay trên Biển Đông thì nếu Trung Quốc có cái đầu nóng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang lên cao thì có thể xảy ra xung đột.
Trong trường hợp này, chúng ta phải có đối sách thật linh hoạt, khôn khéo để giữ hoà bình, ngăn chặn đầu nóng của Trung Quốc. Muốn ngăn chặn phải làm tốt hai vế: ngoại giao và tăng cường sức mạnh quân sự. Phải có sức mạnh thật sự để những cái đầu nóng nếu muốn gây ra chuyện gì, sẽ phải tính đến thiệt hại đau đớn.
Theo Hà Hương/Zingnews