Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng cao nhất trong lịch sử

Google News

Tính từ năm 1990 cho tới nay, ngân sách quốc phòng của Mỹ chưa bao giờ vượt qua con số 711 tỷ USD tuy nhiên kỷ lục này đã chính thức bị phá vỡ khi Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng cho năm 2019 ước tính lên tới 716 tỷ USD.

Hạ viện Mỹ ngày 26/7 thông qua dự luật cho phép chi tiêu quốc phòng ở mức 716 tỷ USD trong tài khóa 2019 khoảng ngân sách quốc phòng cao nhất trong gần 30 năm trở lại đây của Mỹ, trong đó bao gồm nhiều biện pháp nhằm kiềm chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm Chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.
Dự luật do Thượng nghị sĩ John S. McCain đệ trình này đã được hạ viện thông qua với tỷ lệ 359 - 54 phiếu, và sẽ còn phải được thượng viện phê chuẩn trước khi trình Tổng thống ký ban hành.
 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan. Ảnh: THX/TTXVN
Dự luật trên đã tăng cường quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá liệu chúng có đặt ra các lo ngại về an ninh quốc gia hay không. Văn bản pháp lý này cũng đặt ra sự kiểm soát của quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, các hạn chế được các nghị sĩ chấp nhận ở dự thảo cuối cùng đã nhẹ hơn nhiều so với dự thảo ban đầu.
Dự luật trên cũng sẽ cho phép chi tiêu 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35, do công ty Lockheed Martin sản xuất; đồng thời cũng cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington đã cảnh báo Ankara rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ định mua sẽ không thể được tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của NATO.
Một nội dung khác trong dự luật trên đưa ra các biện pháp hạn chế khả năng giảm lực lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Văn bản này nêu rõ khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là biểu hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này. Quốc hội cấm giảm con số này xuống dưới ngưỡng 22.000 binh sĩ nếu chưa được Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá rằng "việc giảm binh sĩ như vậy là vì lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và sẽ không hủy hoại đáng kể an ninh của các nước đồng minh trong khu vực".
Bộ trưởng Quốc phòng cũng được đề nghị xác nhận rằng "đã tham vấn phù hợp với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, liên quan đến bất kỳ quyết định giảm quân số nào".
Nhà Trắng hoan nghênh việc hạ viện thông qua dự luật trên. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Văn bản trên có các bước đi tích cực, phù hợp với cam kết của chính quyền về việc duy trì một nền tảng công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và kiên cường".
Theo TTXVN