Hà Nội 12 ngày đêm: Chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi thế nào?

Google News

Cùng với tiếng hò reo như muốn nổ tung trận địa là hình ảnh chiếc máy bay B-52 biến thành bó đuốc khổng lồ rơi xuống Cánh đồng Chuôm, 3 giặc lái bị bắt sống.

20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972, chiếc máy bay B-52 với phù hiệu “Nắm đấm thép và tia chớp” đã trúng tên lửa của ta bốc cháy và rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 (Đoàn Phòng không Hà Nội) hạ gục ngay trong ngày mở màn Chiến dịch.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966. 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972 đã lùi xa tròn 45 năm, nhưng trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ lúc bấy giờ thì dường như sự kiện ấy chỉ mới vừa xảy ra đây thôi. Qua giọng kể của ông, trận đánh hạ gục tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên vào đêm
18/12 bỗng hiện lên vô cùng sống động. Ông bảo, sở dĩ ông rất nhớ bởi đây là một trong những trận đánh then chốt có ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, quân sự và nghệ thuật chiến dịch, có tác dụng cổ vũ và động viên quân và dân ta giành nhiều chiến thắng lớn hơn.
Rồi ông kể, chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tại chiến dịch này, Mỹ sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 làm nòng cốt, ném bom rải thảm với quyết tâm đưa “Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam. Đêm 18/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội.
Để đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, trước đó Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và bàn cách đánh B-52. Theo đó, tài liệu “Sách đỏ” cũng được phổ biến rộng rãi đến tất cả các kíp chiến đấu. Qua nghiên cứu tài liệu, cộng với qua quan sát thực tế hoạt động của máy bay B-52, Bộ đội Tên lửa đã sớm tìm ra quy luật hoạt động của chúng. Khi B-52 bay vào, nhiễu điện tử tập trung đậm đặc ở phía trước, khi B-52 bay ra, nhiễu nhẹ hơn. Việc phân biệt B-52 thật, B-52 giả cũng được bộ đội nghiên cứu rất kỹ. Trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ, dải nhiễu B-52 thật thì đậm đặc, sáng mịn hơn so với các loại máy bay khác… Hiểu rõ được kẻ thù, tinh thần chiến đấu và quyết thắng của bộ đội ngùn ngụt lên cao. Tất các trận địa của binh chủng pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, không quân, pháo binh… đã sẵn sàng nghênh tiếp chúng.
19 giờ 10 phút, các đài ra đa cảnh giới của Binh chủng Ra đa báo cáo về sở chỉ huy trung tâm: “B-52 đang bay vào hướng Hà Nội”. 19 giờ 25 phút, Không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F-4, F-8, F-111, A-6, A-7...). Cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở Chỉ huy trung tâm: Máy bay F-111 ném bom Sân bay Nội Bài, Kép... Lập tức, còi báo động từ Nhà Hát Lớn, Quảng trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ và nhiều nơi nội và ngoại thành nổi lên khẩn cấp. Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực Sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm... Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.
Tại trận địa Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đứng chân trên địa bàn Cổ loa, trên xe đài chỉ huy lúc này gồm Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, Chính trị viên Vũ Văn Đương, Dương Văn Thuận vừa là đại đội trưởng đại đội 1 kiêm sĩ quan điều khiển, trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh, trắc thủ cự ly Lê Xuân Tứ, trắc thủ phương vị Trần Công Đoàn. Kíp chiến đấu đã bắn tốp B-52 đầu tiên, nhưng không tiêu diệt được mục tiêu do chúng gây nhiễu quá dầy đặc. Trận địa bị trúng bom, xe đài chỉ huy rung lắc mạnh. Nhưng anh em ngay lập tức đã kịp tổ chức rút kinh nghiệm để chuẩn bị đánh đợt 2.
20 giờ 13 phút, tốp máy bay B-52 mang số hiệu 671 bay từ sườn Tam Đảo vào đánh Đông Anh. Phát hiện dải nhiễu hết sức mịn màng trên màn hiện sóng, xác định đúng B-52, các trắc thủ thay nhau báo phương vị, cự ly của tốp B-52. Khi chúng vào gần, được lệnh của Tiểu đoàn trưởng, Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận mở máy phát sóng bắt mục tiêu B-52 ở cự ly 30km, các trắc thủ điêu luyện bám sát dải nhiễu B-52. Sau tiếng hô “Phóng!”của Tiểu đoàn trưởng, Dương Văn Thuận liền ấn nút phóng 2 quả tên lửa bằng phương pháp T/T. Tên lửa gặp máy bay B-52 nổ tung. Tín hiệu nhiễu đậm mịn trên màn huỳnh quang vụt tắt. Các trắc thủ đồng loạt hô: Mất nhiễu. Đồng chí trắc thủ quan sát mắt cũng hô to: “Cháy rồi, cháy rất to!”. Cùng với tiếng hò reo như muốn nổ tung trận địa là hình ảnh xác B-52 biến thành bó đuốc khổng lồ rơi xuống Cánh đồng Chuôm, cách trận địa chưa đầy 10km, 3 giặc lái bị bắt sống…
Kể đến đây, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, khẳng định: Đây là chiếc B-52 bị hạ tại chỗ đầu tiên trong chiến dịch. Tin tiểu đoàn 59 bắn rơi B-52 tại chỗ được báo về Sở chỉ huy Quân chủng. Qua “đường dây nóng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt là Bộ đội Tên lửa đánh giỏi, lập công xuất sắc. Đây thật sự là niềm cổ vũ lớn lao đối với quân và dân Thủ đô Hà Nội; đồng thời củng cố được lòng tin về cách đánh B-52 đối với toàn quân.
Và, ngay trong đêm ngày 1812, quân dân miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 7 tên giặc lái bị bắt sống.
Theo THÀNH SƠN/PK-KQ