Bước tiến quan trọng của chương trình hiện đại hóa F-35 là dự án nâng cấp lên chuẩn Block 4 dự kiến diễn ra vào năm 2023. Cấu hình Block 4.2 sẽ bao gồm phần cứng theo tiêu chuẩn Tech Refresh 3 (TR-3).
Là một phần của bản cập nhật Tech Refresh 3, máy bay sẽ nhận được bộ vi xử lý mới với sức mạnh tăng cao vượt trội, đi kèm màn hình toàn cảnh cho buồng lái và bộ nhớ mở rộng.
Trong thực tế, điều này sẽ cho phép phi công nhận được thông tin đầy đủ từ các đơn vị trên không, trên bộ và trên biển khác. Đích đến cuối cùng chính là làm cho máy bay nguy hiểm hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ có vậy, tiêm kích F-35 dự kiến còn nhận được khả năng tác chiến điện tử tiên tiến, về mặt lý thuyết sẽ ngăn chặn hiệu quả những tín hiệu điện từ, ví dụ như sóng radar của kẻ thù.
Điều đáng nói là TR-3 đang đối mặt với những vấn đề có thể dự đoán được. Văn phòng lập trình chung của F-35 (JPO) hiện đang tìm cách tăng chi tiêu cho TR-3 trong năm 2020 thêm 42 triệu USD để bù đắp cho sự phức tạp kỹ thuật cao hơn.
Một trong những khó khăn chính của F-35 là khối lượng vũ khí của nó. Hiện tại các khoang bên trong chỉ có thể mang không quá 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM.
Cơ số tên lửa không đối không như trên ban đầu được xem là đủ cho các cuộc xung đột cường độ thấp, nhưng theo tiêu chuẩn năm 2020, chỉ như vậy chẳng thể được coi là "tối hậu thư".
Để so sánh, F-22 phiên bản cũ có thể mang theo 6 tên lửa AIM-120 AMRAAM và 2 quả AIM-9M Sidewinder trong khoang vũ khí. Trong khi Su-57 mang được 4 quả R-77 ở khoang chính và 1 tên lửa R-73 ở hai khoang bên hông.
Tất nhiên, máy bay chiến đấu F-35 giống như các đối thủ của nó vẫn có khả năng mang vũ khí trên các giá treo bên ngoài, nhưng điều này sẽ làm giảm khả năng tàng hình.
Do vậy một bản cập nhật lớn khác sẽ là hệ thống phóng tên lửa Sidekick mới. Nhờ tổ hợp này, phiên bản F-35 Block 4 sẽ có thể mang theo 6 tên lửa AIM-120 AMRAAM.
Cuối cùng, F-35 sẽ được trang bị tên lửa AIM-260 tầm xa hơn, cũng như một tên lửa chống radar mới. Nhưng chỉ F-35A và F-35C có thể gia tăng cơ số đạn, còn ở phiên bản F-35B thì Sidekick không thể sử dụng do turbine lớn nằm ngay sau buồng lái.
Không chỉ có vậy, trong tương lai, không quân Israel sẽ tích hợp cho F-35I Adir thùng nhiên liệu hòa nhập khí động, giúp tăng đáng kể phạm vi chiến đấu trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình ở cùng cấp độ, nâng cấp này cũng được áp dụng cho F-35 của Mỹ.
Ngoài ra ý tưởng trang bị cho F-35 thêm bình nhiên liệu ngoài (PTB) chưa đi đến đâu. Hãy nhớ lại rằng Israel muốn máy bay có thể mang 2 PTB với thể tích 2.700 lít mỗi chiếc, bất chấp tùy chọn này gây ảnh hưởng đến tàng hình.
Chương trình chuyển đổi động cơ thích ứng (AETP) kỳ vọng tăng cường khả năng của F-35, động cơ mới sẽ tiêu hao nhiên liệu ít hơn khoảng 25% và cung cấp lực đẩy mạnh hơn 10% so với hiện tại.
Được phát triển theo chương trình AETP của Pratt & Whitney, XA-101 là sửa đối lớn của động cơ F135. Điều quan trọng chính là kết quả mà Pratt & Whitney thu về sẽ được sử dụng để nâng cấp các loại động cơ khác.
Theo đánh giá, Mỹ sử dụng một số hệ thống tiên tiến nhằm quản lý năng lượng, nhiệt độ, điều khiển, máy nén và turbine, có thể sử dụng công nghệ này để nâng cấp động cơ F100 hoặc F119.
Trong số những cải tiến khác của F-35, đáng chú ý là việc đưa vào tổ hợp kiểm soát máy bay không người lái, tạo ra một biên đội tác chiến cực mạnh trên không với Lightning II ở trung tâm, khiến nó trở nên bất khả xâm phạm.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô