Ngày 28/3/1975, Tổng tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ, nguyên là chỉ huy quân sự tối cao của Mỹ tại Nam Việt Nam trước khi có Hiệp định Paris, tướng Weyand cùng những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam sang Sài Gòn thực hiện công vụ do Tổng thống Gerald Ford trực tiếp giao phó là nghiên cứu tình hình miền Nam nguy cấp đến mức nào để có giải pháp ứng phó.
Sở dĩ có quyết định này là do vào thời điểm ấy, một số thành phố quan trọng từ Nha Trang ra Huế đã bị quân giải phóng làm chủ. Sài Gòn liên tục bị đe dọa từ nhiều phía. Thiệu liên tục hối thúc Mỹ tăng cường viện trợ vũ khí cho Nam Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Kissinger đã trình lên Tổng thống Mỹ Ford gói tài trợ cho Nam Việt Nam ở mức 722 triệu USD, nhưng chưa đến thời điểm Quốc hội Mỹ xem xét. Trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn liên tục bị đe dọa, thì việc Tổng thống Ford cử Weyand sang là hết sức cần thiết cho cả hai bên.
|
Tướng Weyand trong thời gian tham chiến ở Việt Nam. Ảnh chụp năm 1967. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Tin tức về nhiệm vụ của phái đoàn Weyand khiến giới chóp bu Sài Gòn phấn khởi, hy vọng Mỹ viện trợ quân sự khẩn cấp và trước mắt máy bay B-52 của Mỹ có thể trở lại Việt Nam. Cùng với việc Weyand sang Sài Gòn. Mỹ lập cầu hàng không khẩn cấp chuyển vũ khí từ Băng Cốc sang Nam Việt Nam. Để trấn an quân ngụy Sài Gòn, tàu sân bay USS Hancock (CV/CVA-19) cùng với 300 lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp cận Nam Việt Nam. Một bộ phận Hạm đội 7 rập rình trên biền Đông, sẵn sàng ứng phó. Truyền thông Sài Gòn rùm beng về việc vũ khi viện trợ Mỹ vào miền Nam... Coi đây là thời cơ có một không hai. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiết lộ hết cho phái đoàn Weyand những bức thư cam kết mật của cựu Tổng thống Richard Nixon gửi riêng cho Thiệu, lâu nay vẫn được giữ kín. Thiệu khẩn thiết kêu gọi nước Mỹ trở lại Việt Nam vì danh dự của những cam kết nước lớn.
Từ lúc đặt chân lên đất Sài Gòn, Weyand dành tất cả nghị lực ra để tìm một chiến thuật mới để có thể cứu Nam Việt Nam. Nhưng tướng Weyand và Đại sứ Graham Martin cùng nghĩ nát óc mà vẫn chưa tìm ra cách cứu Nam Việt Nam. Trong khi đó, từ lúc Weyand trở lại Sài Gòn thì Quân khu I và Quân khu II của ngụy sụp đổ. Weyand đã biết rằng, Nam Việt Nam đang nguy to.
|
Tàu sân bay USS Hancock rập rình ngoài biển Đông năm 1975. |
Một thay đổi về "chiến lược cố thủ” của Thiệu. Thoạt đầu, Thiệu định đặt phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn từ Tây Ninh ở phía Tây đến Nha Trang ở bờ biển. Nhưng nay, do quân giải phóng đã thâm nhập quá sâu vào phía Nam Quân khu II, nhất thiết phải thay đổi phòng tuyến ấy. Weyand đề nghị phòng tuyến mới chạy từ thị xã Phan Rang, bên bờ biển, đến Xuân Lộc. Weyand thống nhất với Nguyễn Văn Thiệu chủ trương cố giữ toàn bộ Quân khu 3, Quân khu 4 kể từ Phan Rang trở vào, tổ chức tuyến phòng thủ từ xa, cố giữ thế cầm cự cho tới mùa mưa, sau đó sẽ củng cố lực lượng còn lại, tổ chức phản công giành lại những khu vực đã mất. Tướng Weyand chỉ đạo củng cố vững chắc và tăng cường lực lượng phòng thủ mạnh tuyến Xuân Lộc - Phan Rang (thường được gọi là phòng tuyến Weyand), coi đây là mặt trận quyết định, đồng thời tăng cường phòng thủ tuyến đường 4 nam Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm hậu phương. Trong đó Xuân Lộc được coi là “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn, nếu mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Về yêu cầu chi viện máy bay chiến lược B-52, trước đó Nguyễn Văn Thiệu đã trực tiếp thỉnh cẩu nhưng phía Mỹ không đồng ý, biết vậy nên Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đề nghị với Weyand viện trợ cho một số loại bom có sức tàn phá mạnh như Daisy Cutter, CBU55... và được Weyand chấp thuận đem sang một số.
|
Weyand chấp thuận cung cấp cho VNCH một số lượng nhỏ bom BL/U-82 Daisy Cutter có sức công phá khủng khiếp. Loại bom này đã gây cho ta không ít thiệt hại ở Xuân Lộc. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Biện pháp đầu tiên của Thiệu là đặt Phan Rang dưới quyền kiểm soát của tướng Toàn, tư lệnh Quân khu III. Toàn lại ra lệnh cho người bạn cũ là tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên tư lệnh Quân khu IV (bị thải hồi mùa Thu trước vì tham nhũng) thiết lập ở Phan Rang một sở chỉ huy tiền phương với một phần sư đoàn dù. Tiếp đó phải thu thập tàn quân những sư đoàn đã bị đánh tơi bời ở Quân khu I và Quân khu II. Tổ chức này rất ô hợp không thể chống lại đối phương. Việc chuyên chở thiết bị quân sự gặp nhiều khó khăn. Phải nhờ phái bộ quân sự Mỹ mới thực hiện được. Nhưng việc đó sẽ bị Bắc Việt Nam tố cáo là Mỹ lại vi phạm lệnh ngừng bắn vì đã cho cố vấn quân sự đến giúp quân Nam Việt Nam.
Trước khi rời Sài Gòn, Weyand hứa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ hỗ trợ và trình bày trước Quốc hội Mỹ những yêu cầu của Thiệu. Nhưng trước khi Weyand về Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Schlesinger chỉ đạo thẳng Weyand không được hứa gì nhiều với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì không thể đảo ngược được tình thế và tinh hình đã trở nên quá tồi tệ.
Việc Weyand từ Sài Gòn trở về báo cáo những bức thư cam kết tối mật của Richard Nixon với Nguyễn Văn Thiệu và để đạt thỉnh cầu của Sài Gòn xin ném bom B-52, cung cấp loại bom sát thương lớn và viện trợ quân sự khẩn cấp, lại gây tranh cãi mới ở Quốc hội Mỹ, cả Nhà trắng lẫn Lầu Năm Góc. Trình bày trước ủy ban, tướng Weyand nói: “Nếu không có viện trợ bổ sung, Sài Gòn sẽ sụp đổ trong một tháng. Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger lấy đanh nghĩa cá nhân, còn đưa ra một giả thuyết đen tối hơn. Theo ông, nếu cộng sản nắm chính quyền thì có thể hai trăm nghìn người Việt Nam sẽ bị giết”.
Thấy rõ xu hướng thất bại không thể cứu vãn nổi, sau khi xem xét báo cáo, đề đạt của Weyand, Ngoại trưởng Kissinger đã phải thốt lên: “Sao họ không chết đi sớm hơn. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu họ sống vất vưởng”.
Một số nghị sĩ không thuộc phái “diều hâu” trong Quốc hội công khai buộc tội những “cam kết mật” của Nixon với Nguyễn Văn Thiệu, cho rằng những thỏa thuận ấy chưa bao giờ được thừa nhận về mặt pháp lý.
Thời điểm này Tồng thống Ford đang vướng vào yêu cầu chiến lược tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai theo tinh thần phải chấm dứt chiến tranh và xoa dịu dư luận trước cuộc bầu cử năm 1976. Nếu kéo dài chiến tranh, mọi trách nhiệm sẽ đỏ lên đầu Ford. Vì vậy, dù muốn hay không. Tổng thống Ford vẫn phải tỏ thái độ phù hợp với xu hướng phần lớn cử tri Mỹ, phần lớn nhân vật tai mắt trong Quốc hội và Chính phủ là Mỹ nhảy vào lại Việt Nam, Mỹ cũng không thể đảo ngược được tình thế đang sụp đồ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn. Vấn đề cấp bách hơn lúc này là phải đưa những người Mỹ còn lại ra khỏi miền Nam Việt Nam.
|
Kế hoạch của Weyand đã gây không ít khó khăn cho quân giải phóng, tuy nhiên đều đó cũng không ngăn cản được các mũi tiến công của quân ta. Trong ảnh, các xe tăng của quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các VNCH. Nguồn ảnh: corbis |
Thực tế thì kế hoạch phòng thủ của Weyand đã gây không ít khó khăn cho quân giải phóng. Bởi ngay sau khi Weyand về nước ít lâu, nhất là khi Phan Rang thất thủ, Xuân Lộc bị đe dọa thì tình hình Sài Gòn còn nguy cập hơn rất nhiều. Sau hai ngày 9 và 10/4/1975, một trung đoàn quân giải phóng đã chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc, vào thị xã. Đêm sau, lực lượng chính phủ gồm 25.000 người, gần một phần ba quân đội Nam Việt Nam, phản công lấy lại. Cũng trong các trận chiến đấu bảo vệ Xuân Lộc, được sự giúp đỡ của kỹ thuật viên phái bộ quân sự Mỹ, phi công Nam Việt Nam đã lắp vào máy bay một loại bom đặc biệt do Von Marbod và Weyand đưa sang: đó là bom CBU. 55. Loại bom này đã gây ra nhiều thương vong lớn cho bộ đội ta. Sau đó, quân VNCH được Mỹ hà hơi tiếp sức còn đem nhiều máy bay chở bom Daisy Cutters phát quang 750kg và bom bi 250kg ném xuống các đơn vị quanh Xuân Lộc.
Như vậy, cho dù Weyand có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, cho dù có xây dựng “phòng tuyến Weyand” kiên cố thì sự thật là vẫn bị thất bại cay đắng khi chính quyền VNCH phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975.
Đại Dương