Trong không khí những ngày tháng tư lịch sử kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)., Dinh Độc Lập (TP.HCM) đón những người cựu chiến binh trở về, mang theo ký ức hào hùng và cả những nỗi niềm sâu lắng.
Giữa dòng người tham quan, cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc sinh năm 1951, nguyên cán bộ chính trị Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) - quê Thanh Thủy, Phú Thọ không giấu được sự bồi hồi, xúc động khi đứng tại nơi cách đây gần nửa thế kỷ, ông và đồng đội đã góp phần làm nên ngày thống nhất non sông.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc bồi hồi thăm lại Dinh Độc Lập cùng con gái. Ảnh: Mai Loan. |
Làm nên chiến thắng không chỉ là vũ khí
Trò chuyện với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, ký ức về ngày 30/4/1975 lại ùa về trong ông vẹn nguyên như mới hôm qua.
Nhập ngũ năm 1969 khi vừa tròn 18 tuổi được 8 ngày, chàng thanh niên Nguyễn Như Ngọc đã tham gia chiến đấu trong màu áo Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt nơi chiến trường, ngày 30/4/1975 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên.
Khi được hỏi về cảm xúc trong khoảnh khắc lịch sử ấy, ông Ngọc nghẹn ngào. “Khi đơn vị chúng tôi tiến vào Dinh Độc Lập khoảng 2h chiều 30/4/1975. Ôi, phải nói là vỡ òa cảm xúc. Sung sướng, hạnh phúc dâng trào niềm tự hào. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là Bác Hồ kính yêu, và nhớ thương đến những đồng đội đã hy sinh, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sau 50 năm trở lại, cảm xúc vẫn như ngày nào...", ông Ngọc xúc động lau nước mắt.
 |
Các chiến sĩ Quân Giải phóng vào tiếp quản Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Herve Gloaguen |
Vào thời điểm tiến vào giải phóng Sài Gòn và tiếp quản Dinh Độc Lập, ông Ngọc đang công tác tại Ban Chính trị của Trung đoàn 66. Trước đó, ông từng là pháo thủ tại C14, chiến đấu dũng cảm và bị thương trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh năm 1972, để lại thương tật 31%. Chính vì bị thương, ông được điều về Ban Chính trị làm công tác trợ lý cho đến ngày giải phóng và xuất ngũ năm 1976.
 |
Ông Ngọc bồi rồi rà địa danh Phú Thọ, quê hương ông trên tấm bản đồ tại hầm của Tổng thống Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập. Ảnh: Mai Loan. |
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, ông Ngọc chia sẻ về những khó khăn, gian khổ không thể kể hết. Chiến trường gian khổ, ác liệt, nhiều ngày tháng, ông và đồng đội chỉ ăn 50 gram gạo độn sắn mỗi bữa, muối cũng thiếu. Đói ăn, sốt rét hành hạ, so với vũ khí tối tân của địch, mình kém xa… Thế nhưng, mình vẫn chiến thắng kẻ thù.
“Đồng đội chúng tôi những giải phóng quân, chân dép lốp, áo xanh màu lá, cơm rau rừng nhạt muối mãi thành quen, đồng đội thương nhau chia nửa bát cơm. Đêm giữ chốt nhường nhau từng giọt nước. Đồng đội hy sinh nhường quần mặc trước…”, ông Ngọc xúc động đọc lại những vần thơ như nhật ký ghi lại những vất vả, thiếu thốn chiến trường năm nào.
 |
Ông Ngọc xúc động ghi lại cảm tưởng tại Dinh Độc Lập. Ảnh: Mai Loan. |
Theo ông Ngọc, điều làm nên chiến thắng không chỉ là vũ khí, mà chính là lòng dũng cảm, ý chí, tinh thần sẵn sàng hy sinh và niềm tin tất thắng của người lính Cụ Hồ. Dù gian khổ, ác liệt, nhưng tinh thần lạc quan chưa bao giờ tắt.
“Câu thơ 'Đường ra trận mùa này đẹp lắm' của Phạm Tiến Duật chính là một minh chứng cho tinh thần ấy. Lúc đó vui lắm, tin tưởng lắm, chiến tranh không phải chỉ toàn khốc liệt. Chính tinh thần lạc quan đó đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả”, ông Ngọc bồi hồi.
Video Cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc xúc động chia sẻ cảm xúc ngày Giải phóng miền Nam. Thực hiện: Mai Loan.
Sức mạnh từ những lá thư không gửi
Nhưng sức mạnh và tinh thần lạc quan của người lính không chỉ đến từ ý chí gang thép hay niềm tin vào ngày chiến thắng. Giữa bom đạn khốc liệt, ngọn lửa ấy còn được nuôi dưỡng bởi những tình cảm rất đỗi riêng tư, bởi hình ảnh người con gái nơi quê nhà. Ông Ngọc bồi hồi nhớ lại những vần thơ mình viết, một phần mượn lời thi sĩ Phạm Tiến Duật, một phần tự lòng mình trải ra như một lá thư không thể gửi giữa chiến trường cách trở:
“Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư
Em lấy lời bài ca để viết vào trang thư
Nói thay lời thương nhớ
Đã trải mấy mùa mưa
Anh vẫn nhớ vần thơ muối mặn
“Muối có mặn ngàn năm vẫn mặn
Gừng có cay ngàn tháng vẫn còn cay”
Đường hành quân dài theo năm tháng
Đêm mưa rừng nhớ nửa vầng trăng”.
"Bốn câu đầu là của nhà thơ Phạm Tiến Duật, còn lại là tôi viết thêm. Những lá thư ấy sao gửi được giữa chiến trường bom đạn. Viết ra chỉ như một dạng nhật ký, để giải tỏa nỗi lòng thôi. Nhưng chính những tình cảm như thế lại là một trong những điểm tựa tinh thần mãnh liệt, giúp những người lính chúng tôi có thêm sức mạnh vượt qua gian khó, bước qua lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết", ông Ngọc tâm sự.
 |
Ông Ngọc và vợ cùng thăm Dinh Độc Lập. Ảnh: Mai Loan. |
Nhớ về những năm tháng ấy, ông Ngọc bất chợt như phát hiện ra một điều thú vị, rằng “Có một thời kỳ lạ lắm, ai cũng thấy đẹp. Con trai, con gái đều đẹp, đều tài hoa. Từ nhà thơ, nhạc sĩ đến ca sĩ... họ vừa đẹp người, đẹp tài, lại sống rất tình nghĩa, yêu thương nhau”. Có lẽ chính cái đẹp và tình người ấy cũng là một phần động lực thôi thúc họ chiến đấu, bảo vệ những giá trị thiêng liêng.
Mang theo những ký ức sâu đậm đó, hôm nay, người lính năm xưa trở lại Dinh Độc Lập cùng vợ và các con. 50 năm đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn luôn là ký ức khắc sâu trong tâm trí ông. Ông không bao giờ dùng từ "may mắn" để nói về sự trở về của mình. Với ông, đó là lòng biết ơn sâu sắc và niềm tiếc thương vô hạn dành cho những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Sau chiến tranh, cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc về làm việc trong ngành thanh tra nhà nước. Ông viết báo, cộng tác với các tờ báo như Văn Nghệ, Thanh tra... dưới bút danh Vũ Hoàng Ngọc.
 |
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Như Ngọc, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ảnh: NVCC. |
Chuyến thăm lại Dinh Độc Lập không chỉ là dịp ôn lại kỷ niệm xưa, mà còn là cách để ông tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục sống và kể lại câu chuyện về một thế hệ đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Rời Dinh Độc Lập, ánh mắt người cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc vẫn đượm buồn vui lẫn lộn. Niềm tự hào về chiến thắng hòa cùng nỗi nhớ thương đồng đội đã ngã xuống. Những câu chuyện, những cảm xúc của ông là minh chứng sống động cho một thời kỳ lịch sử hào hùng, nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình và sự hy sinh của cha anh.
“Tôi mong các thế hệ trẻ hãy cố gắng sống, học tập, phấn đấu để xứng đáng với những hy sinh, đổ máu của cha ông”, ông Ngọc nhắn nhủ.
Video: Cựu chiến binh Nguyễn Như Ngọc hồi hồi chia sẻ kỷ niệm về mối tình đầu, những lá thư không gửi trong chiến tranh. Thực hiện: Mai Loan.
Mai Loan