Báo Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong các bài kiểm tra bắn đạn thật, hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Afganit lắp trên xe tăng T-14 Armata đã đánh chặn thành công đạn xuyên giáp nhồi uranium nghèo (DU) và đạn xuyên giáp sử dụng thanh xuyên có định hình (APDS).
Đại diện Cục Thiết kế trung ương KBP (đơn vị phát triển Afganit) cho biết, radar của hệ thống Afganit phát hiện đạn xuyên giáp APDS bay đến và phá hủy nó bằng loại đạn phân mảnh đặc biệt. Đặc biệt, hệ thống còn có khả năng đánh chặn đạn xuyên giáp nhồi uranium nghèo. Đây là loại đạn rất cứng và khó phá hủy, nhưng hệ thống vẫn đánh chặn được nhờ phần mềm máy tính đặc biệt.
Hệ thống Afganit đang được lắp trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15. Afganit gồm có một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), máy tính xử lý trung tâm cùng các khối đánh chặn chứa loại đạn đặc biệt.
Các khối đánh chặn gồm các ống lớn được bố trí ở chân tháp pháo cùng 2 khối chứa các đạn nhỏ hơn lắp phía trên nóc tháp pháo. Trước đó, Nga từng chế tạo hệ thống phòng vệ chủ động Arena, Drozd, Israel có hệ thống Trophy.
|
Cận cảnh các khối đánh chặn của hệ thống Afganit trên xe tăng T-14. Ảnh: Sputnik |
Các hệ thống APS này có thể đánh chặn tên lửa chống tăng có điều khiển, đầu đạn súng phóng lựu chống tăng. Chuyên gia quân sự Vladislav Belogrud nói với Izvestia rằng, tên lửa chống tăng và rocket có tốc độ chậm, khoảng 300 m/s. Tên lửa chỉ là ống kim loại mỏng chứa các thiết bị điện tử và đầu đạn nổ lõm nên dễ đánh chặn.
Trong khi đó, đạn xuyên giáp APDS có cấu trúc kim loại nguyên khối và bay với tốc độ tới 1.500 đến 2.000 m/s nên rất khó đánh chặn. Đạn APDS được chế tạo trong Thế chiến II, đến nay nó vẫn là vũ khí hiệu quả để chống lại các phương tiện bọc giáp.
Đạn APDS gồm một thanh xuyên được chế tạo bằng vật liệu siêu cứng như vonfram, bên ngoài có các “guốc tỳ” để bọc thanh xuyên phù hợp với kích cỡ nòng pháo. Đạn APDS có khả năng xuyên phá mạnh đặc biệt với giáp đồng nhất.
Tuy nhiên, đạn APDS khó xuyên qua giáp hỗn hợp thế hệ mới. Điều đó dẫn đến sự phát triển loại đạn xuyên giáp mới nhồi uranium nghèo, đạn DU. Đạn này có thanh xuyên được làm bằng hỗn hợp uranium và vonfram có khả năng làm tan chảy giáp xe tăng nên có thể phá hủy mọi loại giáp. Xe tăng Abrams của Mỹ thường trang bị loại đạn này cho pháo chính 120mm.
Loại đạn uranium nghèo này của Abrams từng "thịt" hàng trăm xe tăng T-72 với giáp composite của Quân đội Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh.
Việc hệ thống Afganit có khả năng đánh chặn cả đạn xuyên giáp APDS và đạn DU có thể tạo ra bước đột phá trong việc bảo vệ xe tăng, thiết giáp trên chiến trường. Tuy nhiên, hiệu quả đánh chặn của Afganit như thế nào vẫn cần thời gian để kiểm chứng.
Quốc Minh