Đối với bất kỳ xe tăng chiến đấu chủ lực nào, khẩu pháo chính là nắm đấm hỏa lực quyết định sức mạnh của xe. Hiệu quả tác chiến của xe sẽ phụ thuộc phần lớn vào uy lực của khẩu pháo. Do đó, các nhà thiết kế vũ khí luôn chăm chút đầu tư cho khẩu pháo chính của xe tăng.
Xe tăng T-54/55 cũng không là ngoại lệ. Việc lựa chọn pháo cho xe được các nhà thiết kế tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu suất tác phù hợp với thiết kế tổng thể của xe.
Lịch sử phát triển
|
Pháo D-10 nguyên bản lắp trên pháo chống tăng tự hành SU-100. Ảnh: Wikipedia |
Đầu năm 1944, pháo 76,2 mm của xe tăng T-34 được thay thế bằng pháo D-5T 85 mm giúp nâng cao đáng kể hiệu suất tác chiến. Người ta cũng phát triển một biến thể pháo chống tăng tự hành trên cơ sở pháo D-5T, được gọi là SU-85. Sau khi chứng kiến hiệu quả của pháo chống tăng SU-85, Cục thiết kế Nhà máy Pháo binh số 9 được giao nhiệm vụ phát triển pháo chống tăng cỡ nòng 100 mm có thể lắp trên khung gầm SU-85.
Phiên bản pháo chống tăng 100 mm được gọi là SU-100. Pháo chống tăng tự hành này được trang bị pháo D-10 100 mm, rãnh xoắn, nòng súng có chiều dài gấp 53,5 lần cỡ đạn. Pháo có sơ tốc đầu nòng 895 m/s đem lại khả năng chống tăng tốt theo tiêu chuẩn những năm cuối Thế chiến II.
Các thử nghiệm cho thấy, đạn bắn ra từ pháo D-10 có thể xuyên 164 mm giáp đồng chất ở khoảng cách 1.000 m, vượt trội so với pháo 75 mm lắp trên xe tăng Panther và 88 mm trên Tiger của Đức quốc xã. Thử nghiệm thực địa tại trường thử Kubinka cho thấy, đạn bắn từ pháo D-10 có thể xuyên thủng bờ lũy xiên của xe tăng Panther ở khoảng cách 1.500 m.
Hiệu suất xuyên giáp của pháo tăng lên đáng kể khi sử dụng đạn xuyên giáp động năng (APDS) hoặc các loại đạn hiện đại khác phát triển sau Thế chiến II. Trước hiệu suất ấn tượng của pháo D-10, các nhà thiết kế Liên Xô quyết định sử dụng mẫu pháo này trên xe tăng T-54/55, phiên bản này được gọi là D-10T.
Đặc tính kỹ thuật
|
Pháo D-10T lắp trên xe tăng T-55. Ảnh: Wikipedia |
Phiên bản T-54 sản xuất đầu tiên được trang bị pháo D-10T nhưng thiếu hệ thống ổn định pháo dẫn đến khả năng bắn chính xác không cao. Xe phải dừng lại để khai hỏa dẫn đến hiệu suất chiến đấu kém. Ngoài ra, pháo thiếu hệ thống ngăn hơi thuốc phóng dội ngược vào khoang lái khi bắn, gây khó khăn cho ê kíp khi tác chiến.
Đến năm 1955, xe tăng T-54/55 được trang bị pháo D-10T2S nâng cấp với hệ thống ngăn hơi thuốc phóng lắp ở đầu nòng pháo. Hệ thống ổn định 2 trục được thêm vào giúp xe bắn trong khi đang di chuyển. Phiên bản sản xuất cuối cùng của pháo D-10T được lắp trên xe tăng T-54/55 vào năm 1979. Đến này, rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn sử dụng T-54/55, trong đó có Việt Nam.
Pháo D-10T của xe tăng T-54/55 thiếu máy tính đường đạn nên khó bắn chính xác khi xe đang di chuyển và tháp pháo quay ngang so với mục tiêu. Tuy vậy, với ê kíp lái kinh nghiệm, xe tăng T-54/55 vẫn phát huy hiệu quả cao trên chiến trường.
Đạn dược
|
Đạn xuyên giáp mới được Nga phát triển kết hợp giữa liều phóng truyền thống và tên lửa chống tăng Bastion. Ảnh: Vitaly V.Kuzmin |
Cơ số đạn pháo mang theo của xe tăng T-54/55 tiêu chuẩn là 43 viên. Pháo có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn UOF-412 trọng lượng 15,6 kg, đạn nổ phân mảnh F-412. Đây là những loại đạn chống tăng được phát triển những năm Thế chiến II.
Đến những năm 1960, các loại đạn chống tăng mới được bổ sung như đạn xuyên giáp nổ mạnh BR-412 giúp nâng cao đáng kể hiệu suất tác chiến. Đến năm 1967, Phòng Nghiên cứu NII-24 giới thiệu đạn xuyên giáp tốc độ cao 3BM6.
Đạn mới có sức xuyên 290 mm giáp đồng chất ở cự ly 2.000 m, hoặc 145 mm ở góc nghiêng 60 độ. Đến những năm 1970, đạn xuyên giáp 3BM8 sử dụng thanh xuyên mới được bổ sung. Giai đoạn này, đạn chống tăng liều nổ mạnh (HEAT), đạn nổ lõm được thêm vào trang bị của xe tăng T-54/55 giúp duy trì sức mạnh tác chiến của xe trong tình hình mới.
Đến năm 1980, đạn xuyên giáp động năng sử dụng thanh xuyên có định hình (APFSDS) được trang bị giúp tăng sức mạnh chống tăng của xe. Năm 1983, gói nâng cấp T-55M và T-55AM bổ sung thêm tính năng phóng tên lửa chống tăng 9K116 Bastion qua nòng pháo.
Tên lửa có sức xuyên 600 mm ở cự ly tới 4.000 m. Gói nâng cấp T-55M và T-55AM cho phép xe tăng “cổ lỗ sĩ” đối phó với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Nhìn chung, trong chiến tranh hiện đại, pháo D-10T trang bị trên xe tăng T-54/55 phù hợp với chiến thuật tác chiến chống lại các phương tiện bọc giáp nhẹ như pháo chống tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân. T-54/55 khó lòng đối phó với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, trừ các gói nâng cấp mới.
Tuy nhiên, đối với các quân đội có ngân sách quốc phòng hạn chế như Việt Nam, T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp. Do đó, việc nâng cấp là cần thiết để duy trì khả năng tác chiến phù hợp với tình hình mới.
Quốc Minh