Tàu ngầm Cá Vàng
Mang tên mã "Cá Vàng", lớp tàu ngầm Đề án 661 Anchar được biết tới rộng rãi với cái tên K-162 hay K-222 là loại tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương "NATO" đặt tên mã là "Papa" (nghĩa là "Bố"). Đây là loại tàu ngầm được coi là nhanh nhất thế giới cho tới tận ngày nay, nó có khả năng di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 44,7 hải lý giờ, tương đương 82,8 km/h (nhanh hơn xe tăng T-90 hay bất cứ loại tàu ngầm nào hiện nay trên thế giới).
Loại tàu ngầm này có thể mang theo tối đa 10 tên lửa hành trình, 12 ngư lôi và có thể tấn công bất cứ tàu nổi nào của đối phương do có tốc độ quá nhanh. Khi lọt vào tầm ngắm của Cá Vàng, khó có loại tàu nào thời Chiến tranh Lạnh có thể chạy thoát thân được khi kẻ đi săn có tốc độ cao gấp đôi so với "con mồi".
|
Tàu ngầm K-222. Ảnh: CC0.
|
Phần thân của K-222 được chế tạo bởi vật liệu titanium, loại vật liệu cực kỳ đắt đỏ ở thời bấy giờ và cho tới tận ngày nay nó cũng vẫn cực kỳ đắt đỏ. Bên cạnh đó, tàu ngầm này cũng phát ra âm thanh cực kỳ lớn khi di chuyển - trái ngược hoàn toàn với mục tiêu chế tạo tàu ngầm càng kín tiếng càng tốt ngày nay, tước đi của nó lợi thế bất ngờ cực kỳ quan trọng.
Mặc dù vậy, chỉ duy nhất một mẫu K-222 từng được nhập biên chế của Hải quân Liên Xô vào năm 1969 và sau đó 20 năm đã bị cho loại biên. Một vài ý tưởng của loại tàu ngầm này vẫn được áp dụng trên những tàu ngầm khác trong đó có bao gồm loại tàu ngầm Đề án 670 Skat (tên mã NATO là lớp Charlie).
Quái vật biển Caspian
Mang tên là lớp Lun, thuộc phương tiện bay hiệu ứng mặt đất Ekronoplan này từng được Liên Xô coi là bước tiến hóa tiếp theo của tàu sân bay khi nó có thể trượt cách mặt nước khoảng vài mét, cho phép nó di chuyển được với tốc độ cực cao vì chịu ít lực cản của nước.
Không giống với những phương tiện tương tự, phần thân của tàu Ekronoplan lớp Lun có chiều dài 74 mét và rộng 44 mét với khả năng mang theo tối đa 6 tên lửa chống hạm P-270 Moskit, mỗi tên lửa có đầu đạn 300 kg - nghĩa là chỉ cần nửa quả để đánh chìm một tàu sân bay của đối phương.
|
Quái vật biển Caspian (ảnh thật, không phải ảnh chỉnh sửa). Ảnh: Bộ quốc phòng Nga.
|
So với tốc độ của Cá Vàng, tốc độ của Lun thậm chí còn kinh hoàng hơn khi nó có thể di chuyển trên mặt nước với tốc độ tối đa lên tới 297 hải lý/giờ, tương đương với 550 km/h. Do các loại radar thời bấy giờ còn quá yếu nên khó có loại radar nào phát hiện được vật thể trên mặt nước với tốc độ cao như Quái vật biển Caspian trước khi bị nó áp sát ở khoảng cách quá gần.
Năm 1987, con Quái vật biển Caspian đầu tiên được hạ thủy, tuy nhiên Liên Xô khi đó đã lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn và không còn đủ tiền để đầu tư cho dự án này. Cùng với sự tan rã của Liên Xô, Quái vật biển Caspian cũng mãi mãi chỉ là "con hổ giấy" của Liên Xô.
"Cha đẻ" của Sukhoi Su-57
Một phiên bản chiến đấu cơ phản lực thử nghiệm mang tên Su-47 Berkut với kiểu dáng cánh ngược được cho là tương lai của ngành hàng không thế giới cũng đã từng được Liên Xô nghiên cứu và sau này được Nga hoàn thiện.
Dự án nghiên cứu Su-47 được bắt đầu từ năm 1983, tạm dừng nhiều năm do vấn đề tài chính và cuối cùng được Nga hoàn thiện vào năm 1996 khi cho ra đời mẫu thử nghiệm với khả năng bay được đầu tiên. Với kiểu dáng cánh ngược, loại phi cơ này được cho là có khả năng xoay sở trên không cũng như độ cơ động ở tốc độ cao vượt trội so với bất cứ loại phi cơ nào sử dụng kiểu cánh truyền thống.
|
Chiến đấu cơ Su-47 với thiết kế cánh ngược (hay còn gọi là cánh tiến). Ảnh: Sputnik.
|
Vào thời điểm ra đời, các kỹ sư Nga nhận thấy để có thể phát huy được tối đa khả năng cơ động của phi cơ, phần cánh cần phải được gia cố tốt hơn nữa. Tuy nhiên điều này đã vượt quá khả năng của nền khoa học Nga thời bấy giờ và cuối cùng dự án chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, rất nhiều kinh nghiệm và những cải tiến đắt giá trên chiếc Su-47 đã được áp dụng lên chiếc Su-57 sau này của Nga - chiến đấu cơ thế hệ năm đầu tiên được phục vụ trong Không quân Nga.
Đại Bàng Đen
Nếu như Su-47 có thể coi là tiền thân của Su-57 thì "Đại Bàng Đen" T-80UM2 (Black Eagle) lại có thể coi là cha đẻ của xe tăng T-14 Armata. Có thiết kế giống với Armata, Đại Bàng Đen cũng có thiết kế cho cả kíp chiến đấu ngồi trong một cái vỏ kén, tháp pháo được điều khiển hoàn toàn tự động và toàn bộ phần đạn pháo dự trữ được cách ly hoàn toàn khỏi khoang lái của kíp chiến đấu. Đây là thiết kế gần như giống hoàn toàn so với thiết kế của xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của Nga loại Armata sau này.
|
Xe tăng T-80 phiên bản cải tiến Đại Bàng Đen (màu đen). Ảnh: Sputnik.
|
Dép tông Liên Xô
MiG-105, hay còn mang biệt danh Lapot (trong tiếng Nga có nghĩa là "dép tông") là loại phương tiện vũ trụ được nghiên cứu từ thời Liên Xô, tuy nhiên đã bị hủy bỏ dự án không lâu sau khi bản mẫu đầu tiên ra đời. Sử dụng động cơ đẩy bên ngoài để tăng tốc, các kỹ sư Liên Xô đã thiết kế MiG-105 để phù hợp với việc phóng từ trên không thay vì phóng từ dưới mặt đất với việc sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng ở độ cao khoảng 10.000 mét để giảm thiểu chi phí cho mỗi vụ phóng tàu vào không gian.
|
MiG-105 tại bảo tàng của Nga. Ảnh: Peter Albrecht.
|
Sau khi dự án này bị chấm dứt, các ý tưởng trên chiếc MiG-105 đã bị "bỏ xó" cho tới tận ngày nay vì từ thời Liên Xô cho tới thời Nga sau này, Moscow chưa từng sử dụng tàu con thoi để đưa người vào vũ trụ. Tuy nhiên rất có thể, một ngày nào đó khi tàu con thoi đầu tiên của Nga ra đời, MiG-105 sẽ lại một lần nữa được nhắc tới như kẻ đi tiên phong trong việc chế tạo tàu con thoi của Nga.
Mời độc giả xem Video: Khả năng cơ động trên không đến mức khó tin của phi cơ cánh tiến Su-47 - kẻ được coi là cha đẻ của Su-57 hiện nay.
Tuấn Anh