Nguyên nhân Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân
- Thứ nhất, nâng cao năng lực đối phó với Hàn Quốc và Mỹ. Hiện nay, quân số đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc vào khoảng 27.500 quân. Trong khi đó, mặc dù quân số đông nhưng hầu hết các loại vũ khí trang bị có trong biên chế của Triều Tiên đều đã lỗi thời, lạc hậu và kém hiệu quả.
Theo quan điểm của Triều Tiên, phát triển
vũ khí hạt nhân và thử nghiệm các chương trình hạt nhân là để tự vệ trước các ý đồ xâm lược của Mỹ và đây là quyền hợp pháp của họ. Vũ khí có sức hủy diệt lớn luôn được coi là nòng cốt trong sức mạnh răn đe của Triều Tiên. Do đó, phát triển vũ khí hạt nhân là cơ sở để Triều Tiên tồn tại độc lập và ngăn chặn có hiệu quả các đòn tấn công từ phía Mỹ và Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra.
|
Một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Bbc.com |
- Thứ hai, giành ưu thế trong các cuộc đàm phán. Triều Tiên đang gia tăng các hoạt động tạo sự chú ý của cộng đồng quốc tế, mong muốn các nhà ngoại giao sẽ quay trở lại Bình Nhưỡng. Triều Tiên hy vọng, nếu có được sự công nhận ngoại giao của Mỹ sẽ giúp Triều Tiên hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Đồng thời qua đó tranh thủ sự thừa nhận của quốc tế; kêu gọi Mỹ và phương Tây từ bỏ việc áp đặt các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng và tôn trọng điều mà họ thực sự mong muốn là phát triển kinh tế, nếu muốn Triều Tiên ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
- Thứ ba, từng bước thoái ly khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc được coi là đồng minh duy nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc lại đang tăng cường quan hệ với Hàn Quốc. Bởi vậy, đẩy mạnh phát triển hạt nhân có thể là cách để Bình Nhưỡng giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, cố gắng thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.
Tiềm lực kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
Liên quan đến số lượng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chuyên gia hạt nhân David Albright làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế/Mỹ nhận định, hiện tại Triều Tiên đang sở hữu từ 10 - 16 đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên tới năm 2020 Triều Tiên có thể sẽ sở hữu 100 đầu đạn hạt nhân và khả năng quốc gia này còn đang vận hành một cơ sở hạt nhân bí mật chưa từng công bố.
Trong số vũ khí hạt nhân đó, Triều Tiên đang sở hữu 9 đầu đạn sử dụng nhiên liệu Uranium làm giàu ở mức độ cao, chiếm 60% trong tổng kho hạt nhân của quốc gia này. Nếu như Bình Nhưỡng có thể mở rộng lên thành 100 đầu đạn vào năm 2020 thì 40% kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ dùng nhiên liệu Plutonium và 60% sử dụng Uranium làm giàu ở cấp độ vũ khí thay vì cấp độ cao như hiện nay.
|
Triều Tiên thử nghiệm phóng tên lửa xuyên lục địa. Ảnh: AFP |
Tờ Business Insider/Anh nhận định, thời gian tới năng lực hạt nhân của Triều Tiên sẽ gia tăng đáng kể. Nguyên nhân là bởi vì:
- Thứ nhất, Triều Tiên đang xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân có tên gọi “lò phản ứng nước nhẹ dân sự” dùng để chế tạo Uranium làm giàu ở mức cao mà không chế tạo Plutonium (loại nguyên liệu trước đây Triều Tiên dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử).
- Lí do thứ hai, Triều Tiên đang sử dụng Plutonium từ một “lò phản ứng nước nhẹ quân sự” và đây là biện pháp tối ưu để chế tạo vũ khí với nguyên liệu Plutonium với sức công phá mạnh hơn.
- Thứ ba, Triều Tiên đang dành toàn bộ các máy li tâm để sản xuất nguyên liệu Uranium cho vũ khí, giúp tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Đối với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ từng nhận định, Triều Tiên sở hữu hơn 1.000 quả tên lửa Nodong và Scud. Ngoài ra, Triều Tiên hiện còn có nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa chống tàu chiến mặt nước và tên lửa hành trình tầm xa.
Bình Nhưỡng được cho là sở hữu khoảng 5.400 tên lửa Hwasong-6 (tầm bắn 300 - 700km) và một số loại tên lửa tầm xa Nodong-1 (tầm bắn 1.300 - 1.600km), Nodong-2 (tầm bắn lên đến 2.000km), Taepodong-1, Taepodong-2 tầm bắn từ 4.000 - 9.000km.
Giới phân tích quân sự nhận định, Taepodong-2 có hai dạng biến thể đó là loại 2 tầng và 3 tầng. Với loại thiết kế 2 tầng, tầm bắn của Taepodong-2 đạt mức 3.750km, nhưng khi 3 tầng, tầm bắn có thể đạt tới 4.300km. Tuy nhiên, khả năng bay xa nhất của Taepodong-2 có thể lên tới 5.000km, thậm chí 7.000 - 9.000km, tùy theo khả năng phát triển công nghệ động cơ và trọng tải của nó. Nếu có tầm bắn tới 9.000km thì Taepodong-2 có thể công phá các mục tiêu không chỉ ở khu vực Thái Bình Dương mà cả các thành phố Chicago thuộc bang Illinois/Mỹ.
Giới chuyên môn nhận định, Triều Tiên nhiều khả năng có đến 100 bệ phóng di động cho tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân trở lên. Trong đó, có khoảng 27 - 40 bệ phóng di động cho tên lửa Scud có tầm bắn từ 300 - 1.000km; khoảng 40 - 50 bệ phóng cho tên lửa Rodong tầm bắn 1.300km và 14 bệ phóng cho tên lửa Musudan tầm bắn 3.000 - 4.000km.
Ngoài ra, Triều Tiên còn được cho là đang xây dựng 2 căn cứ phóng tên lửa mới tại tỉnh Yangdok, cách thủ đô Bình Nhưỡng 80km về phía Đông và tỉnh Hamgyong, tuy nhiên cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không biết chính xác địa điểm cụ thể và quy mô của hai căn cứ này.
Lam Ngọc