Đắng lòng siêu tiêm kích F-35C không mang được tên lửa AIM-9X

Google News

(Kiến Thức) - Tiêm kích tàng hình F-35C phiên bản dành cho Hải quân phải sửa chữa lại cánh gấp phía ngoài mới có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X.

Người đứng đầu Văn phòng Chương trình F-35 nói rằng, cánh ngoài của 32 tiêm kích tàng hình F-35C, phiên bản dành cho Hải quân Mỹ cần phải được sửa chữa để có thể mang tên lửa không đối không AIM-9X, vũ khí chính trong các cuộc không chiến tầm gần.

Phiên bản dành cho hải quân ghi nhận những giao động bất ổn trong quá trình thử nghiệm với tên lửa AIM-9X trong tháng 12/2015. Trung tướng Christopher Bogdan nói rằng, các máy bay đã được chuyển giao cần phải được thay thế với đôi cánh chịu lực tốt hơn.

“Chúng tôi phát hiện phần gấp bên ngoài của cánh có kết cấu độ bền không đủ chịu lực khi lắp giá treo tên lửa AIM-9X trong cuộc diễn tập gần đây”, tướng Bogdan viết trong báo cáo gửi lên Quốc hội vào ngày 16/2.

Các kỹ sư của Lockheed Martin đã thiết kế lại cánh ngoài mới chịu lực tốt hơn và đang trải qua các thử nghiệm. Vấn đề này ảnh hưởng đến thời điểm triển khai AIM-9X cho các tiêm kích F-35C đã bàn giao cho Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển và thử nghiệm tên lửa AIM-9X dùng cho F-35 bị chậm một tháng so với kế hoạch, từ tháng 10 lùi sang 11/2017. Tên lửa phải được chuyển giao đầy đủ trong thời gian thử nghiệm để hỗ trợ hoạt động giá ban đầu và hoàn thành 17 năm phát triển của F-35 và chuyển sang giai đoạn trình diễn vào năm 2018.

Dang long sieu tiem kich F-35C khong mang duoc ten lua AIM-9X
 Phần cánh gập của phiên bản F-35C dành cho Hải quân Mỹ không thể chịu được sức nặng của giá treo và tên lửa AIM-9X. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hải quân phải có khả năng phóng tên lửa AIM-9X và tuyên bố tình trạng sẵn sàng chiến đấu của phi đội F-35C đầu tiên vào năm 2018. Ngoài ra, F-35 cần được bổ sung vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu vận động trên mặt đất. Hiện tại không có kế hoạch lắp đặt vũ khí cho F-35 có khả năng tấn công một chiếc xe bán tải đang di chuyển.

Hệ thống thiết bị laser của F-35 không thể dẫn đường cho vũ khí tấn công mục tiêu vì phần lớn chúng là vũ khí chế tạo vào những năm 1990. Bom dẫn đường sẽ trượt nếu mục tiêu di chuyển nhanh. Văn phòng Chương trình F-35 đang làm việc cùng không quân và thủy quân lục chiến để tích hợp bom dẫn đường laser GBU-49 Enhanced Paveway II có thể tự động sửa chữa đường ngắm theo tốc độ di chuyển của mục tiêu hoặc điều kiện gió mạnh.

Thủy quân lục chiến muốn tích hợp bom hàng không đường kính nhỏ GBU-53 nhưng quá trình tích hợp đầy đủ dự kiến vào năm 2022 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, GBU-49 sẽ phải cạnh tranh với bom thông minh JDAM của Lockheed Martin.

“Chúng tôi đang tìm cách để trang bị vũ khí dẫn đường tấn công mặt đất cho F-35 lô 3F trong thời gian sớm nhất, có thể ở một phần của lô 3F hoặc cuối lô này. Vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện tính năng tấn công mục tiêu di chuyển ở lô 4”, tướng Bogdan nói.

Tướng Bogdan cho biết thêm, ban đầu F-35 dự định sử dụng bom chùm dẫn đường CBU-103 có thể tấn công các mục tiêu di chuyển. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã cam kết loại bỏ bom chùm vào năm 2018 nên phải tìm vũ khí thay thế.

Dang long sieu tiem kich F-35C khong mang duoc ten lua AIM-9X-Hinh-2
 Tiêm kích F-35 không có khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển trên mặt đất vì thiếu vũ khí dẫn đường phù hợp. Ảnh: Hải quân Mỹ

Bom GBU-49 có thể hoạt động trong điều kiện tầm nhìn kém nhưng không phải là vũ khí tấn công trong mọi thời tiết. Trong khi đó, bom hàng không đường kính nhỏ SDB-II là vũ khí tấn công trong mọi thời tiết. Đây cũng là vũ khí mà Phó tư lệnh Thủy quân lục chiến, tướng Jon Davis muốn có để trang bị cho F-35.

Quốc Minh