Chúng tôi đến thăm Đại tá, CCB Phạm Gia Ninh, nguyên là cán bộ trinh sát kỹ thuật (TSKT), làm công tác tổng kết nhiều năm của Tổng cục II. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của các TSKT đi Chiến dịch “Trần Đình” vào mùa xuân năm 1954.
“Đại bản doanh xuyên sơn”
Sau khi có quyết định mở Chiến dịch “Trần Đình” (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), tháng 12/1953, cơ quan tình báo đã cử tổ TSKT gồm 20 đồng chí cùng phương tiện đi phục vụ. Đại tá Phạm Gia Ninh nhớ lại: Lực lượng tham gia Chiến dịch “Trần Đình” làm công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương và bí mật. Họ phải tập và nắm chắc các phương thức truyền tin của địch trong các điều kiện khác nhau.
Hơn 2 tuần xuyên rừng, vượt suối, băng đèo, đêm đi, ngày nghỉ giấu quân, đội TSKT tiền phương đã đến Mường Phăng đúng yêu cầu của cấp trên. Tổ TSKT được bố trí ở một căn hầm kiên cố trong lòng núi gọi là “đại bản doanh xuyên sơn” và bắt tay vào xác định vị trí đặt máy, phương tiện kỹ thuật.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, để nắm được tin tức từ nội bộ của quân Pháp, kịp thời phục vụ công tác chỉ huy tham mưu, tác chiến, các thu tin viên, mã thám và cán bộ tổng hợp phải làm việc liên tục. Họ rà soát, quét tìm, khống chế được hệ thống sóng mạng thông tin liên lạc của quân Pháp từ lòng chảo Điện Biên đi các nơi; sóng mạng liên lạc của địch giữa Hà Nội với Điện Biên và một số sóng mạng của địch ở Trung, Thượng Lào, liên quan đến biến động tác chiến của địch ở Điện Biên Phủ. Bộ phận chặn thu tin được chia thành các ca, mỗi ca gồm 2 thu tin viên, làm việc liên tục trong 3 giờ/ca.
Thông tin từ TSKT được truyền qua điện thoại hữu tuyến đến thẳng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Những người trong đội TSKT tiền phương gọi vị trí Bộ Chỉ huy chiến dịch “Trần Đình” là “tác chiến thất” và họ là một trong những lực lượng giúp cho cán bộ ở “tác chiến thất” nắm được “gan”, “ruột” cùng các hành động của quân Pháp ở trong, ngoài pháo đài “không thể công phá”.
|
Đại tá Phạm Gia Ninh. |
Chặn thu sóng địch
Đại tá Phạm Gia Ninh nhớ lại, ở thời điểm đó, việc chặn thu sóng của địch là hết sức khó khăn. Bởi lúc này địch đã biết hành động của ta nên rất đề phòng. Chúng đề cao cảnh giác bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, chiến thuật trong truyền tin, nhằm che giấu, đánh lừa ta. Nhưng cuối cùng, chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường, những bộ óc thông minh, sáng tạo và đôi tai cực kỳ thính nhạy của cán bộ, chiến sĩ tình báo TSKT.
Lúc ấy, trên mạng truyền tin, chỉ huy địch thường nhắc nhở, cảnh báo các báo vụ viên, mật mã viên của chúng: “Attention! Viet Minh qui vous écoute! (Coi chừng, Việt Minh đang nghe anh đấy!). Chúng ra lệnh: “Limite antenne!” (Hạn chế ăng-ten lại). Ngoài ra, bọn địch còn dùng nhiều phiên hiệu khác từ cấp binh đoàn trở lên để “trốn mặt”, đánh lừa ta. Trong khi phát sóng truyền tin, mỗi mạng thông tin liên lạc địch lại sử dụng nhiều tần số khác nhau và thay đổi liên tục, nhất là thông tin quan trọng như mạng thông tin giữa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với Hà Nội, mạng lực lượng dù…
Các thu tin viên được chỉ đạo phải thu bằng được bức điện BRQ (bulletin renseignement quotidian) của Đờ Cát, báo cáo về Bộ tổng chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội hằng ngày. Bức điện vô cùng quan trọng này thường có 8 mục, được mã hóa, mỗi mục lại chứa đựng nhiều thông tin có giá trị, như: Quân số tổn hao, sĩ quan, binh sĩ bị thương vong; tình hình vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thuốc men; tình hình xây dựng công sự, hầm hào chiến đấu; kết quả chiến đấu, đánh nống, đánh lấn, phản kích; sự hoạt động của lực lượng Việt Minh và dự kiến kế hoạch hoạt động của ngày hôm sau; xin tăng viện… Ngoài việc mã hóa tin tức để giữ bí mật, địch dùng quy ước truyền tin, chuyển tần số, chuyển mục khi truyền điện. Địch sử dụng từ ba đến bốn tần số khác nhau trong mạng khi liên lạc giữa Điện Biên với Hà Nội. Chúng liên tục thay đổi tần số khi truyền tin để đánh lừa ta. Thế nên, nếu thu tin viên không tỉnh táo, tập trung và chủ động đối phó với các thủ đoạn của địch thì dễ bỏ sót các mục sau của bức điện, hậu quả sẽ rất tai hại. Ngoài việc đối phó với thủ đoạn của địch, các thu tin viên còn phải xử lý khó khăn do thời tiết, như: Sấm, chớp, mưa gió làm nhiễu loạn thông tin. Chưa hết, các bức điện thu về phải được các mã thám viên giải mã. Đây là công việc rất khó khăn bởi địch luôn phòng thủ bằng cách thay đổi hệ thống khóa mã. Đại tá Phạm Gia Ninh kể, bằng khả năng tuyệt vời, đồng chí Khanh và Hường đã giải mã được bản báo cáo về toàn bộ lực lượng ở Điện Biên Phủ, gồm 21 tiểu đoàn với phiên hiệu chính xác.
Để đối phó với các thủ đoạn của địch, bộ phận thu tin đã bố trí thêm một máy thu (máy Recherche) để cả hai người làm việc đồng thời, bổ trợ cho nhau. Với cách làm đó, bộ phận thu tin đã khống chế mạng thông tin liên lạc của địch giữa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với Bộ tổng chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội, lấy được nhiều tin quan trọng đến tận những giờ phút cuối cùng. Chẳng hạn như, ta đã thu được điện về việc địch biết Đại đoàn 308, lực lượng chủ công của chiến dịch di chuyển sang Thượng Lào. Chúng đã tăng cường lực lượng và điều động rút quân khỏi một số vị trí về củng cố Nậm Bạc. Địch cho rằng ta bỏ Điện Biên Phủ, liền điều động quân lên Thượng Lào và bị ta tiêu diệt, giải phóng một vùng rộng lớn giáp biên giới.
Đại Dương