Chuyện chưa kể về tình báo Việt Nam (4)

Google News

(Kiến Thức) - Quân báo là lực lượng hết sức đặc biệt của tình báo Việt Nam, đã lập vô số chiến công.

Trong ngành tình báo Việt Nam có lực lượng mang tên quân báo. Không chỉ luồn sâu vào vị trí đóng quân, giáp mặt với kẻ thù mà họ còn là những người hỏi cung, trực tiếp bắt tù binh về khai thác. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng này đã làm nên kỳ tích, góp phần quan trọng để giành thắng lợi vẻ vang.
Tù binh cũng được… thưởng
Trong tiếng ồn ào của phố phường trước giờ tan tầm, chúng tôi đến phố Huế (Hà Nội). Bây giờ, trước mặt chúng tôi là một cụ ông đã gần cửu tuần. Ông tiếp chuyện chúng tôi bằng tư thế nửa nằm nửa ngồi vì bị liệt phần lưng. Ông nói khá chậm, giọng méo, hơi khó nghe. Ông bảo, sức khỏe của ông không tốt, đi lại hạn chế, nhưng vấn đủ minh mẫn để trò chuyện.
Ông sinh năm 1928 và là nhà tình báo chiến lược mà đồng đội vẫn gọi với bí danh Hùng Châu (hay Trần Ngọc Kha). Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tá Hùng Châu thuộc lực lượng liên lạc đặc biệt Bộ Quốc phòng. Từ năm 1949 đến 1954, ông làm Bí thư cho đồng chí Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Tình báo, rồi chuyển về lực lượng quân báo. Bởi rất giỏi tiếng Pháp nên ông được giao các nhiệm vụ chủ yếu là hỏi cung tù binh sĩ quan Pháp từ cấp tá trở lên và nằm trong lực lượng quân báo của Bộ đi chuẩn bị chiến trường. Ông từng bắt được một sĩ quan thông tin của Pháp tại Yên Bái. Ông là một trong những nhân chứng của Tổng cục II tham gia trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại những kỷ niệm không thể nào phai mờ cách đây hơn 60 năm.
Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, trên điều ông Hùng Châu và một số đồng chí nữa đến Chiêm Hóa, Tuyên Quang làm nhiệm vụ khai thác thông tin từ một Thiếu tá quân đội Pháp, chỉ huy tiểu đoàn ngụy quân người Thái số 8 (mật danh 8BT), từng chiếm đóng Điện Biên Phủ bị Trung đoàn 148 (một đơn vị thuộc Quân khu Tây Bắc) bắt năm 1952. Yêu cầu của trên là khai thác để biết được nguyên tắc bố trí lực lượng, phương tiện phòng ngự của địch tại Điện Biên Phủ. Cũng cần nói thêm là, thời điểm đó, Pháp đã đưa lực lượng rất mạnh đến phòng ngự tại đây, có cả xe tăng, không quân, pháo binh. Hơn nữa, Đờ-cát còn tuyên bố huyênh hoang, sẽ “nghiền nát” chủ lực Việt Minh nếu tấn công vào lòng chảo Điện Biên Phủ. Khó khăn lớn nhất của quân ta lúc ấy là không có bản đồ. Thời điểm đó ta chỉ có bản đồ địa lý 1/500.000, không thể sử dụng được trong tác chiến.
Chuyen it biet ve tinh bao quoc phong Viet Nam (4)
  Đại tá Trần Ngọc Kha kể về hỏi cung tướng Đờ - cát sau Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi tại Na Hang.
Sau khi hỏi thăm, trò chuyện về các vấn đề chung, ông Hùng Châu đã trao đổi với tù binh này về một số vấn đề nguyên tắc trong chiến thuật phòng ngự được giảng dạy ở các trường quân sự Pháp. Ông yêu cầu lấy việc bố trí binh lực tại Điện Biên Phủ để minh họa và giải thích. Vì bị bắt từ năm 1952 nên người này không hề biết quân Pháp đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ông ta đã cung cấp nhiều thứ, giúp ông Hùng Châu và đồng đội thu được thông tin giá trị.
Theo đó, bố phòng Điện Biên Phủ phải dựa trên các khu đồi phía Đông là chủ yếu. Khu đồi này kiểm soát toàn bộ đường 41 từ Tuần Giáo vào các đường mòn từ Lai Châu xuống, lại khống chế được sân bay và toàn cánh đồng Mường Thanh. Phía Tây sông Nậm Rốm và sân bay bằng phẳng và rừng thưa, không có nhiều giá trị về chiến thuật.
Sau khi gửi tài liệu và báo cáo về Bộ Tổng tham mưu, ông Hùng Châu được các đồng chí chỉ huy cho biết là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tán thưởng những nhận định cơ bản ban đầu về Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc thưởng cho thiếu tá tù binh này.
Ngáo ộp… pháo đài bay
Đại tá Hùng Châu kể lại một câu chuyện đã được nhiều người biết đến, nhưng hiểu về tác dụng của nó cụ thể thế nào thì chưa hẳn. Số là, trong khi ta vẫn đang bí cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ huy tác chiến ở Điện Biên Phủ thì đêm 24/12/1953, phân đội trinh sát thuộc Đại đội 62 (Tiểu đoàn 426, Cục Tình báo) do đồng chí Trần Phận chỉ huy đã cùng 6 chiến sĩ tiềm nhập vào sân bay Mường Thanh trinh sát, đoạt dù hàng từ máy bay Pháp thả xuống, trong đó có bản đồ về khu vực Điện Biên Phủ khá tỉ mỉ, chính xác. Theo lệnh của trên, tại Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, căn cứ vào bản đồ này, ông Hùng Châu và cơ quan tham mưu đã đắp một sa bàn nổi về Điện Biên Phủ theo tỷ lệ tương đối hợp lý, trong đó có đầy đủ những cứ điểm, vị trí hỏa lực, vật cản của quân Pháp. Từ đây cho đến hết chiến dịch, tình hình địch ở Điên Biên Phủ luôn được cập nhật trên sa bàn theo tin tức từng trận đánh, qua TSKT và khai thác tù, hàng binh cùng các nguồn khác.
Cảm xúc dâng trào, Đại tá Hùng Châu kể về một thủ đoạn khó quên những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chuyện là, vào khoảng tháng 4-1954, trong khi quân ta khép chặt vòng vây, chuẩn bị tổng công kích, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì có một hàng binh tên là Louis Baigneau ra trình diện. Hắn khai là biệt kích đã từng hoạt động tại hậu phương của ta. Hắn khoe, nắm được nhiều tin rất quan trọng. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh đưa hắn về Mường Phăng để “hỏi chuyện”. Ông Châu được giao nhiệm vụ này.
Khi tiếp xúc với Baigneau, ông Hùng Châu cảm nhận, đằng sau những lời lẽ tỏ ra chán ghét chiến tranh là bộ mặt có nhiều biểu hiện không tỏ ra “yêu chuộng hòa bình”. Ông Hùng Châu tả chi tiết, hắn trạc 35 đến 40 tuổi, dáng người vạm vỡ, tay đeo nhẫn vàng dầy cộp; khuôn mặt có vẻ lỳ lợm như một tay anh chị giang hồ. Hắn mang theo một va ly đầy vải vóc, cùng đồng hồ để bàn, đeo tay, như để phô trương và “quyến rũ” những người canh giữ. Nhiều cán bộ của ta lúc đó nhận định, có thể tên này bất đồng với cấp trên nên có thái độ bốc đồng như thế?
Trong khi các cán bộ của ta còn đang nghiên cứu lời khai thì vài ngày sau Baigneau đòi gặp cán bộ. Hắn nghiêm trang thổ lộ mà đến nay ông Hùng Châu vẫn nhớ kỹ: “Tôi biết rõ tình hình, có lời khuyên các ông chớ liều lĩnh tiêu diệt Điện Biên Phủ. Hãy dừng lại đây kẻo quá muộn. Người Mỹ đã có chủ trương dùng pháo đài bay oanh tạc trận địa của các ông để cứu quân Pháp… Để tránh thương vong vô ích, các ông hãy nghe ý kiến của tôi”.
Đến đây thì ông Hùng Châu và các cán bộ cơ quan tham mưu đã nhận ra bộ mặt thật của con “tốt thí” Baigneau. Rõ ràng là quân Pháp muốn ta dừng tiến công, nới bỏ “thòng lọng” để có thời gian chờ viện binh do Đại tá Crève Coeur từ Lào kéo sang giải vây hoặc ít nhất cũng chờ Hội nghị Genève khai mạc để đưa ra con bài “ngừng bắn”, cứu cho nguy cơ quân Pháp bị thất bại trong “chảo lửa” ở Điện Biên Phủ.
Đại tá Hùng Châu phân tích thêm: Từ nguồn tin tình báo ta biết được, đầu tháng 3/1954, Paul Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đã tiếp xúc với Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ tại Washinhgton để xin tăng viện trợ cho quân Pháp tại Đông Dương. Radford đã đưa ra ý tưởng mở chiến dịch “Vautour” (chim kền kền), dùng máy bay B29 oanh tạc trận địa quân Việt Minh, giải vây cho quân Pháp trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thế nhưng, ý tưởng này bị chính giới Mỹ, Anh phản đối kịch liệt. Ông Hùng Châu cho biết, sau này, qua một tài liệu, chính Radford đã phải thừa nhận là “đã quá chậm” để can thiệp vì vòng vây của Việt Minh đã khép chặt, bom, đạn Mỹ sẽ giết chết cả quân Pháp. Còn các tướng lĩnh của Mỹ thời đó lại cho rằng, nếu chỉ ném bom không thì chưa đủ để xoay chuyển được cục diện chiến trường.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Hùng Châu được điều động đến Chiêm Hóa, Tuyên Quang làm nhiệm vụ hỏi cung sĩ quan Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó có tướng Đờ - cát. Ông kể, các sĩ quan quân đội Pháp thừa nhận sai lầm khi chọn Điện Biên Phủ là nơi quyết chiến với Việt Minh. Họ nói: Các tướng, tá quân đội, quan chức Pháp và Mỹ đến Điện Biên Phủ đều ca ngợi nơi đây là “pháo đài không thể công phá”. Chỉ có tường Fay, Tham mưu trưởng toàn không lực nước Pháp lúc đó đã than với Đờ - cát: “Hỏng rồi, khôn hồn thì rút sớm”. Nhưng lời ấy không được ai chú ý và hậu quả là, chúng đã thất bại thảm hại. Trong thực hiện nhiệm vụ lần này, cấp trên yêu cầu ông Hùng Châu phải khai thác ý định của quân Pháp nếu chúng thoát được ở Điện Biên Phủ.
Khi tiếp xúc với Đờ-cát tại chiếc nhà sàn ở Na Hang, Cao Bằng, trước tình trạng sức khỏe không tốt của vị tướng thất trận, ông Hùng Châu đã lấy nước gạo rang, say làm cà phê để Đờ-cát sử dụng, tránh phù thũng. Ông Hùng Châu nhờ các cán bộ khác vào bản mua dứa tươi để đãi Đờ-cát. Sau khi động viên tinh thần, ông yêu cầu Đờ-cát ghi ra giấy ý định tác chiến của quân Pháp nếu chiến tranh tiếp diễn. Đờ-cát đã ghi hơn 2 mặt giấy về kế hoạch tiêu diệt Việt Minh và Chính phủ Cụ Hồ, thông qua 3 điểm chính: Cho quân nhảy dù, bịt đường từ Lạng Sơn của Việt Nam sang Trung Quốc; bịt đường từ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sang Lào để vào Nam; tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ. Ông Hùng Châu khẳng định, đây là tài liệu chiến lược cực kỳ giá trị để ta nghiên cứu vận dụng lúc đó và cả sau này.
Đại Dương