Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng minh rằng chiến thuật tác chiến xe tăng, được phát triển trong Thế chiến thứ 2 và hoàn thiện trong Chiến tranh Lạnh, vẫn phù hợp với xung đột hiện đại. Các bên đang nỗ lực nâng cấp chiến thuật này bằng những công nghệ mới, trong đó có việc sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar để bảo vệ xe tăng.
Các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã bắt đầu sử dụng lớp vỏ bọc Nakidka – một hệ thống ngụy trang hấp thụ sóng radar 3 tầng có thể bảo vệ xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, công sự và nhiều công trình khác trước cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác của đối phương.
Trong thông cáo báo chí hồi tuần trước, Tập đoàn vũ khí Kalashnikov Concern của Nga cho biết: “Một số lượng lớn các doanh nghiệp trong nước đã nhận được hệ thống Nakidka đầu tiên từ Viện Nghiên cứu Khoa học về Thép để trang bị cho xe tăng thiết bị bảo vệ này”.
Nhu cầu ngụy trang bằng vật liệu hấp thụ radar xuất hiện lần đầu tiên sau Thế chiến 2 do sự phát triển của các loại tên lửa dẫn đường. Công nghệ tên lửa dẫn đường phòng không thời kỳ đầu đã được ứng dụng vào những năm 1950. Tên lửa hoạt động dựa trên việc phát hiện nhiệt do động cơ máy bay tạo ra. Vì thế các nhà sản xuất vũ khí đã tìm kiếm những hình thức phòng thủ chống lại tên lửa này, chẳng hạn như sử dụng pháo sáng hoặc làm bóng khung máy để giảm tiết diện phản xạ radar.
Trong những năm 1970 và 1980, các kỹ sư đã thử nghiệm một thế hệ thế hệ vật liệu hấp thụ radar mới được tạo ra nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực hóa học, trong đó có lớp phủ hỗn hợp sắt cacbonyl và ferrite hay ống nano cacbon (vật liệu nano carbon dạng ống với đường kính ở kích thước nm (1-20 nm). Do chi phí cao, các vật liệu hấp thụ radar ban đầu chỉ được trang bị cho máy bay, không dùng cho phương tiện mặt đất.
Nhưng điều này đã thay đổi vào những năm 2000 khi các nhà khoa học của Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác phát triển lớp phủ hấp thụ radar giá rẻ có thể che phủ cho phương tiện mặt đất, máy bay, UAV, thậm chí tàu chiến hay các tòa nhà.
Nakidka là một ví dụ điển hình. Đây là hệ thống bảo vệ thụ động, được chế tạo từ vật liệu ferrite, lần đầu tiên ra mắt vào giữa những năm 2000. Hệ thống được thiết kế để bảo vệ chống phát xạ điện từ trong dải tần 0,5-50 GHz và giảm phát xạ trường điện từ. Tất cả những điều này cho phép di chuyển phương tiện di chuyển trên chiến trường trong khi tránh bị hệ thống ảnh nhiệt, hồng ngoại và điện tử của kẻ thù không thể phát hiện.
Nói cách khác, hệ thống Nakidka ngăn cản radar của đối phương phát hiện nhiệt phát ra trong quá trình phương tiện vận hành. Còn lớp hấp thụ nhiệt của nó sẽ giảm các tín hiệu do thiết bị dò tìm của đối phương gửi đi.
Hệ thống Nakidka rất dễ sử dụng, với các bộ tùy chỉnh gồm 10 thành phần riêng biệt cho tháp pháo, khoang động cơ, giáp trước và giáp bên của phương tiện.
Không chỉ bảo vệ phương tiện trước sự phát hiện của các hệ thống radar, hệ thống ảnh nhiệt hay hệ thống quang học của tên lửa chống tăng, Nakidka còn được thiết kế để cung cấp khả năng ngụy trang cho phương tiện bằng cách sử dụng loại sơn phủ đặc biệt.
Các nhà phát triển cho biết, Nakidka giảm khả năng phát hiện của hệ thống dẫn đường hồng ngoại từ 2 đến 3 lần, giảm khả năng phát hiện của hệ thống radar từ 6 lần trở lên, giảm khả năng phát hiện bằng hệ thống quang học truyền thống hoặc thiết bị nhìn ban đêm xuống 30%.
Nakidka khá nhẹ, dày khoảng 8 đến 10mm và nặng khoảng 2kg/m2, có khả năng chống lại hỏa lực của các loại vũ khí nhỏ. Hệ thống có giá khoảng 2.675 USD mỗi chiếc vào năm 2005. Việc sử dụng Nakidka giúp cung cấp một giải pháp rẻ tiền nhưng tương đối hiệu quả để bảo vệ xe tăng, cũng như đảm bảo sự an toàn cho kíp lái.
Nga được cho là đã sử dụng hệ thống này tại Ukraine vào mùa Xuân năm 2022. Các nguồn tin tình báo mở (open source intelligence - OSINT) cho biết, lớp ngụy trang Nakidka đã được sử dụng cho xe tăng T-90M Proryv. Một số nguồn tin khác cho biết thêm, tàu chở dầu của Nga cũng sử dụng lớp ngụy trang này để giảm dấu hiệu bức xạ nhiệt nhằm tránh bị theo dõi. Tuy nhiên quân đội Nga vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Quân đội Nga đã và đang áp dụng nhiều cách thức ngụy trang khác nhau để tránh bị đối phương phát hiện. Việc ngụy trang ngày càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi trên chiến trường. Ukraine được cho là đã sử dụng UAV TB2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, UAV thương mại sửa đổi hoặc UAV cảm tử mà phương Tây viện trợ cho họ để tấn công vào các đoàn xe của Nga. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, với sự thay đổi nhanh chóng trên chiến trường, bất cứ hình thức ngụy trang nào cũng rất cần thiết và có thể mang lại lợi thế cho các bên trong việc tránh cuộc tấn công của đối phương.
Theo Hồng Anh/VOV.VN