Sự trợ giúp của tình báo Mỹ trong việc phát hiện tên lửa Nga
Từ ngày 10/10 đến nay, Quân đội Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tính tới thời điểm hiện tại, Nga đã bắn hơn một trăm tên lửa tầm xa vào các mục tiêu ở Ukraine. Cường độ các cuộc tấn công tương đương với những ngày đầu nổ ra xung đột.
Những cuộc tấn công tên lửa này của Nga có ý nghĩa gì, có tác dụng ra sao và tại sao hệ thống phòng không Ukraine gặp khó trong việc đánh chặn?
Các cuộc tấn công được thực hiện bởi toàn bộ tên lửa chiến thuật tầm xa của Nga gồm: Tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 và Kh-55 (555), tên lửa hành trình Calibre phóng từ Biển Đen, tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và UAV tự sát Geran-2.
Điều đáng nói là tên lửa hành trình Kh-55 do Liên Xô sản xuất, đã từng được Ukraine chuyển giao cho Nga để trả nợ khí đốt. Có lý do để tin rằng, chính việc Nga sử dụng những tên lửa cũ này để tấn công Kiev, mới là nguyên nhân khiến Ukraine bị sốc nặng.
Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, Nga đã không thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa với cường độ cao này kể từ cuối tháng 2. Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine và nhiều nguồn tin mở, tổng số tên lửa tầm xa được phóng trong những ngày qua đã vượt quá một trăm quả (theo một số ước tính, lên tới 150-200 quả).
Theo Bộ Quốc phòng Nga, mục tiêu của các cuộc không kích này là các trung tâm cung cấp điện, sở chỉ huy và các cơ sở thông tin liên lạc của Ukraine. “Mục tiêu đã tấn công đã đạt được; tất cả các mục tiêu được chỉ định đều đã bị phá hủy", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Theo thông tin từ Ukraine, tính đến nay, 30% hạ tầng cung cấp điện của Ukraine đã bị phá hủy. Các cơ sở năng lượng của Ukraine như trạm biến áp, nhà máy nhiệt điện, các nút phân phối - đã thực sự ngừng hoạt động.
Cuộc tập kích tên lửa của Nga những ngày qua, không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn cả chính trị.
Trước hết, theo quan điểm quân sự, việc vô hiệu hóa các trạm biến áp điện, sẽ làm hạn chế đáng kể khả năng vận hành của các tuyến đường sắt chạy điện.
Và đã có những thông tin là ngành đường sắt Ukraine, sau đợt tấn công tên lửa vừa qua, đang chuyển một số tuyến từ đầu kéo chạy điện sang động cơ diesel. Do đó, việc vận chuyển vũ khí, nhiên liệu, đạn dược và nhân lực cho chiến trường bị giảm mạnh.
Hiện nay, chỉ riêng việc tiêu thụ đạn pháo trong các chiến đấu cường độ cao, có thể lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi ngày. Việc giảm các tuyến vận chuyển, khiến các cuộc tấn công của Quân đội Ukraine, chắc chắn phải giảm cường độ; thậm chí là dừng hẳn ở một số hướng.
Quy mô, số lượng mục tiêu, vị trí của các cuộc tấn công mà Nga tiến hành những ngay qua cho thấy, các cuộc tập kích hỏa lực của Nga đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ít nhất từ một vài tuần trước.
Theo phân tích của cơ quan tình báo Mỹ, các mục tiêu đã được phía Nga xác định từ trước đó; các tuyến đường bay của tên lửa đã được vạch sẵn và chỉ cần nhận lệnh là tên lửa sẽ được phóng đi.
Quân đội Nga đã không tấn công thủ đô Kiev trong một thời gian dài, và nhiều hệ thống phòng không trước đây bảo vệ vùng trời thủ đô Ukraine, đã được chuyển đến nơi khác.
Các nhà lãnh đạo quân đội Nga, dường như đã rút ra một số bài học kinh nghiệm từ các cuộc tập kích tương tự trước đây, trong việc làm suy yếu hiệu quả các hệ thống phòng không của Ukraine.
Trước đó, hầu hết các cuộc tấn công như vậy được thực hiện bởi một số lượng lớn nhất là từ 20 đến 30 tên lửa. Và các nguồn tin tình báo kỹ thuật của Mỹ, đã theo dõi các vụ phóng tên lửa này trong thời gian thực, kịp thời cảnh báo cho các hệ thống phòng không của Ukraine rất lâu, trước khi tên lửa đi của Nga bay vào khu vực mục tiêu.
Trên thực tế, nhờ có tình báo Mỹ, Quân đội Ukraine thường biết trước tên lửa tầm xa Nga được phóng đi từ hướng nào và vào thời điểm nào để triển khai lực lượng đánh chặn.
Thông tin này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các hệ thống phòng không của Ukraine. Nhờ thông tin cảnh báo như vậy, hệ thống phòng không Ukraine có thể chỉ cần bật chế độ radar chủ động chỉ trong vài giây, đủ để khóa tên lửa tấn công trong hành trình cuối cùng của chuyến bay.
Nên nhớ những radar phòng không của Ukraine hoạt động càng ít, thì quân đội Nga càng khó phát hiện và càng có ít cơ hội bị tấn công bằng tên lửa chống bức xạ.
Cái khó của phòng không Ukraine
Tuy nhiên, trong cuộc tấn công từ ngày 10/10 đến nay, quân đội Nga đã thực hiện theo một chiến thuật hoàn toàn khác.
Thứ nhất, đòn tập kích tên lửa được tiến hành ồ ạt, với số lượng hàng chục tên lửa được sử dụng đồng thời.
Thứ hai, hàng chục tên lửa các loại bay từ các hướng khác nhau vào cùng một thời điểm, nhằm tiếp cận mục tiêu đồng thời từ các hướng khác nhau.
Trong điều kiện như vậy, lực lượng phòng không Ukraine bảo vệ mục tiêu sẽ bị quá tải. Ngay cả khi các vụ phóng tên lửa có thể được phía Mỹ phát hiện thấy trước và báo kịp thời cho Ukraine; nhưng việc tên lửa đồng loạt được phóng đến mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau, sẽ khiến lực lượng phòng không bất lực trong việc chống trả.
Trong một đợt tấn công của Nga vừa qua, các tên lửa đã được phóng đi trong ít nhất ba và thậm chí có thể bốn đợt.
Số lượng lớn các vụ phóng tên lửa của Nga vừa qua cho thấy tần suất, số lượng tên lửa là tương đối nhiều. Việc truyền thông của phương Tây và Ukraine cho rằng, "Nga đã hết tên lửa" đã được chứng minh ngược lại.
Như vậy, các mục tiêu chính trị của các cuộc tấn công tên lửa của Nga kéo dài mấy ngày qua đã hoàn toàn đạt được. Tuy nhiên các chuyên gia phương Tây cho rằng, các cuộc tấn công tên lửa trên của Nga chỉ đơn thuần mang ý nghĩa chính trị, chứ ít có giá trị về mặt quân sự.
Những đòn tấn công tên lửa của Nga chỉ có ý nghĩa quân sự lâu dài, nếu họ tiếp tục với cường độ tương tự trong những ngày tới. Để đạt hiệu quả chiến đấu, không chỉ cường độ, mà tính thường xuyên của các hoạt động đó mới là điều quan trọng.
Hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vẫn tiếp tục, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn một chút; tuy nhiên các cuộc tấn công của Nga làm 30% lưới điện của Ukraine bị ngừng hoạt động.
Còn trong buổi tối qua, theo các nguồn tin Ukraine, ít nhất 12 chiếc UAV Geran-2 của Nga đã cố gắng tấn công vào thủ đô Kiev. Đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào thủ đô Ukraine, bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái này, kể từ khi chúng bắt đầu được sử dụng.
Theo thông tin sơ bộ, có ít nhất 3 vụ nổ vang lên ở ngoại ô Kiev, tuy nhiên, việc 12 UAV tự sát Geran-2 tham gia một lúc vào cuộc không kích cho thấy quyết tâm của Nga nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine.
Cũng theo các nguồn tin Ukraine, ít nhất một máy bay không người lái Geran-2 khi tiếp cận Kiev đã bị bắn hạ.
Tiến Minh (tổng hợp)