Phạm Ngọc Thảo là một tình báo viên bí ẩn bậc nhất trong Chiến tranh Việt Nam, ông cũng là một trong những nhân vật chủ chốt, có thể lực và tầm ảnh hưởng rất lớn trong quân đội Sài Gòn trong đầu những năm 1960. Và chỉ trong hai năm 1964-1965, chính trường Sài Gòn liên tục bị chấn động bởi một loạt các cuộc đảo chính trong đó có hai cuộc đảo chính do Phạm Ngọc Thảo tham gia và đóng vai trò chủ chốt. Mà theo ông là nhằm đưa quyền lực thật sự về lại tay nhân dân miền nam.
Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922, ông là một trong những người có trình độ học thức khá cao lúc bấy giờ với tấm bằng kỹ sư - tốt nghiệp trường Kỹ sư công chánh của Pháp ở Hà Nội. Năm 1946, sau khi trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khai giảng, ông được vinh dự cử đi học và là một trong những học viên đầu tiên tốt nghiệp trường quân sự này.
|
Phạm Ngọc Thảo khi còn là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn. Ảnh: Life. |
Sau khi tốt nghiệp trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Thảo quay trở lại Nam Bộ hoạt động. Tới khi hiệp định Geneve được ký kết, các cán bộ Việt Minh ở phía Nam đều được tập kết ra Bắc nhưng cũng có rất nhiều người trong đó có Phạm Ngọc Thảo được chỉ thị ở lại miền Nam để xây dựng “lực lượng thứ ba” nhằm ứng phó sẵn sàng trong trường hợp hiệp định Geneve không được đối phương thực hiện.
Với lý lịch đã từng tham gia Việt Minh của mình, thời gian đầu Phạm Ngọc Thảo phải khá chật vật để thoát khỏi sự truy lùng của lực lượng mật vụ của chính quyền ngụy Sài Gòn lúc bấy giờ. Bằng sự mưu trí và các mối quan hệ của mình, ông đã khôn khéo móc nối được với Ngô Đình Nhu, em trai của Ngô Đình Diệm và dần dần có được chỗ đứng trong chính quyền Sài Gòn. Năm 1956, Phạm Ngọc Thảo chính thức trở thành quân nhân trong hàng ngũ quân đội ngụy Sài Gòn, mang hàm Đại úy.
Sau khi học một khóa chỉ huy và tham mưu ở trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, Phạm Ngọc Thảo được phân về làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (tức Bến Tre), từ lúc này, con đường quan lộ của ông chính thức được rộng mở.
Những cuộc đảo chính
|
Phạm Ngọc Thảo (đội mũ lồi, đeo kính râm đứng giữa) trong một cuộc đảo chính ở Sài Gòn trong năm 1965. Ảnh: Life. |
Năm 1963, cuộc đảo chính đầu tiên do Phạm Ngọc Thảo tham gia đã làm rung chuyển Sài Gòn. Khi này, nhắm thấy anh em Ngô Đình Diệm sẽ sớm bị Mỹ gạt ra khỏi chính trường Sài Gòn, Phạm Ngọc Thảo đã cùng với Trần Kim Tuyến - trùm mật vụ Sài Gòn tiến hành một cuộc đảo chính, buộc Ngô Đình Nhu phải ra nước ngoài, giữ lại Ngô Đình Diệm làm Tổng thống nhưng tước mọi quyền hành. Đáng tiếc là kế hoạch bị bại lộ, trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến bị cử ra nước ngoài làm lãnh sự ở Ai Cập còn Phạm Ngọc Thảo bằng sự không ngoan của mình đã “bình an vô sự”, hoàn toàn không bị động tới.
Cùng cuối năm 1963, một cuộc đảo chính khác của các tướng lĩnh Sài Gòn đã lật đổ thành công chính phủ gia đình trị của Ngô Đình Diệm ở Miền Nam Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo dù không tham gia cuộc đảo chính đó nhưng cũng được phong lên hàm Đại tá do lực lượng đảo chính biết rõ Phạm Ngọc Thảo thuộc phe đối đầu với Ngô Đình Diệm và đã từng làm đảo chính bất thành trước đó.
Cuộc đảo chính lần thứ hai của Phạm Ngọc Thảo diễn ra vào năm 1965. Khi đó, Phạm Ngọc Thảo đã bị địch nghi ngờ thân phận của mình và bị triệu tập về nước (thời gian này ông đang làm việc trong sứ quán của chính quyền Sài Gòn tại Mỹ). Trước nguy cơ bị bắt giữ bất cứ lúc nào khi quay trở về Việt Nam, Phạm Ngọc Thảo đã khôn khéo đáp chuyến bay muộn để thoát khỏi cuộc vây bắt, sau đó bắt liên lạc với nhiều tướng, tá bất đồng chính kiến ở Sài Gòn và tiến hành đảo chính.
Cuộc đảo chính có phần thành công khi phe nổi dậy đã chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn và Sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên do không bắt được Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ, cuộc đảo chính bắt buộc phải kết thúc sớm hơn dự đoán để tránh một cái kết đẫm máu khi Khành và Kỳ ra lệnh đàn áp.
Đến lúc chết cũng không ai biết Phạm Ngọc Thảo là tình báo Hà Nội
Sau cuộc đảo chính thất bại năm 1965, Phạm Ngọc Thảo buộc phải rời khỏi Sài Gòn nhằm tránh sự truy lùng của chính quyền Sài Gòn. Với tầm ảnh hưởng của mình, người Mỹ đã nhiều lần muốn mời ông sang Mỹ đoàn tụ với gia đình và định cư ở Mỹ nhưng ông từ chối; lực lượng ta ở miền Nam thấy Phạm Ngọc Thảo phải đối mặt với quá nhiều nguy hiểm cũng yêu cầu ông lên chiến khu hoạt động hoặc ra bắc để đảm bảo an toàn cho ông nhưng ông cũng từ chối vì theo Phạm Ngọc Thảo, với tình hình Sài Gòn hiện nay, ông vẫn có thể phát động được một cuộc đảo chính thứ ba.
Sau khi trở thành Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu quyết định tìm bắt bằng được Phạm Ngọc Thảo để diệt trừ hậu họa về sau. Ngày 16/7/1965, Phạm Ngọc Thảo bị địch bắt giữ và chúng đã tra tấn dã man ông cho đến chết chỉ một ngày sau đó, khi ông mới 43 tuổi.
Theo nhiều nhận định của các chính khách Sài Gòn lúc đó, sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu muốn tiêu diệt cho bằng được Phạm Ngọc Thảo vì ông ta biết Phạm Ngọc Thảo đang tìm cách thực hiện đảo chính. Nhưng điều quan trọng nhất đó là cho tới lúc ông mất, chẳng ai ở Sài Gòn biết được rằng Phạm Ngọc Thảo là một trong những tình báo viên của ta.
|
Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật khiến báo chí nước ngoài tốn rất nhiều giấy mực từ khi ông còn là sĩ quan quân đội ngụy Sài Gòn tới khi ông được công nhận là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Life. |
Thậm chí, phải tới năm 1987 nghĩa là 12 năm sau khi đất nước Thống Nhất, Phạm Ngọc Thảo mới chính thức được phong tặng danh hiệu liệt sĩ với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo lời nhiều lãnh đạo cấp cao của ta trong đó có ông Mười Hương, việc chậm phong danh hiệu liệt sĩ cho Phạm Ngọc Thảo không phải là do ta “quên “ công lao của ông mà là do vợ con của Phạm Ngọc Thảo vẫn đang ở bên Mỹ (vợ con ông ở Mỹ từ trước khi cuộc đảo chính thứ hai do ông tiến hành diễn ra).
Phải chờ 12 năm sau khi cuộc chiến qua đi người ta mới dám công nhận công lao của Phạm Ngọc Thảo và công nhận ông là người của cách mạng, điều này cốt cũng chỉ là để giữ an toàn cho vợ con ông. Bởi nếu công nhận Phạm Ngọc Thảo là tình báo viên của ta cài vào Sài Gòn ngay sau khi giải phóng, rất có thể vợ con ông sẽ bị những phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài sát hại để trả thủ.
Cuộc đời của Phạm Ngọc Thảo đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh trong đó có bộ phim nhựa “Ván bài lật ngửa” được sản xuất trong những năm 1982-1987. Báo chí nước ngoài cũng tốn rất nhiều giấy mực để viết về ông, một nhà tình báo có một không hai khi thay vì phải im lặng tìm kiếm thông tin và gửi vào chiến khu như những tình báo viên khác, ông lại tung hoành ngang dọc trong hàng ngũ địch, gây ra biết bao cuộc binh biến ngay trong lòng Sài Gòn bằng cách nhờ cậy chính những tướng tá địch hỗ trợ, với một mục đích duy nhất giải phóng miền nam đưa non sông về một mối.
Nhật Vi