Báo Mỹ hé lộ Washington 'nhắc nhở' Ukraine vì vụ rơi tên lửa ở Ba Lan

Google News

Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Ukraine cẩn trọng hơn và ngưng đổ lỗi cho Nga vì sự cố rơi tên lửa gây chết người ở Ba Lan.

Theo CNN, lãnh đạo Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đều đang ở Bali, Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh G20, khi các trợ lý đánh thức họ dậy trong đêm 15/11 để thông báo về vụ tên lửa rơi xuống làng biên giới Przewodow thuộc Ba Lan, khiến 2 dân thường thiệt mạng.

Bao My he lo Washington 'nhac nho' Ukraine vi vu roi ten lua o Ba Lan

Hiện trường vụ rơi tên lửa ở làng Przewodow thuộc Ba Lan ngày 15/11 khiến 2 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Ông Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào lúc 5h30 sáng giờ địa phương. Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng tham gia vào cuộc gọi này sau đó. Các thông tin từ Ba Lan và “tình báo dựa vào vệ tinh” Mỹ cho thấy tên lửa “dường như được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine”.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quy trách nhiệm sự cố cho Moscow, đồng thời mô tả đó là một vụ tấn công vào tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kêu gọi liên minh quân sự này đáp trả.

CNN trích dẫn nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ, ông Biden không trực tiếp trao đổi với người đồng cấp Ukraine về sự cố tên lửa ở Ba Lan. Thay vào đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông đã nhanh chóng gọi điện cho văn phòng Tổng thống Zelensky nhắc nhở các quan chức Ukraine “thận trọng hơn về cách đề cập tới sự cố”.

Mặc dù AP đã trích dẫn lời một quan chức Mỹ ẩn danh cáo buộc tên lửa do Nga bắn nhưng hãng thông tấn này đã rút lại thông tin sau đó. Bản thân tổng thống Mỹ cũng công khai nói, nhiều khả năng đó không phải là tên lửa Nga.

Tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm góc cũng tuyên bố trước báo giới rằng, quân đội Mỹ không phát hiện bằng chứng củng cố cáo buộc của Kiev.

Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã gọi điện cho những người đồng cấp ở Ba Lan và Ukraine, cũng như cố gắng liên lạc với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov, nhưng “hai người không nói chuyện vào đêm 15/11”.

Một cuộc điện đàm khác đã không diễn ra giữa ông Biden và ông Zelensky, bất chấp đề nghị nhiều lần của lãnh đạo Ukraine, theo một nguồn tin. Ông Biden đã thảo luận với ông Duda, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo khác tại G20 “nhưng vẫn không trao đổi trực tiếp với ông Zelensky vào chiều 16/11”.

Theo CNN, sự cố đã “đã tạo ra một số rạn nứt trong liên minh của phương Tây với Ukraine”. Các quan chức Ba Lan được mô tả là "thất vọng" khi ông Zelensky tiếp tục quả quyết tên lửa không phải của quân đội Ukraine, ngay cả sau khi Warsaw và Washington đã công khai nói khác.

Mãi tới ngày 17/11, người đứng đầu chính phủ Ukraine mới thừa nhận, ông “không biết rõ 100%” những gì thực sự đã xảy ra.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet