Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vụ va chạm giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra vào tháng 9/2018.
Đoạn video mới được hải quân Mỹ công bố cho thấy, thủy thủ đoàn trên tàu khu trục Lanzhou của hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị phao nhằm giảm tác động của vụ va chạm và bảo vệ mạn tàu trong quá trình tàu Trung Quốc di chuyển lại gần tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ.
Ông Keith Patton, Phó Chủ tịch Ban Nghiên cứu Hoạt động và Chiến lược thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ nhận định, đoạn video đã cho thấy thủy thủ đoàn Trung Quốc thực sự tin rằng một vụ va chạm sắp xảy ra.
"Hải quân Trung Quốc đã phát đi tín hiệu họ thực sự nghiêm túc khi thực hiện các công tác chuẩn bị cho một vụ va chạm", ông Patton chia sẻ.
|
Tàu khu trục Lanzhou của hải quân Trung Quốc và tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ di chuyển sát gần nhau trên Biển Đông. (Ảnh: Sputnik) |
Trái lại, ông Hu Bo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược hải quân tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, việc chuẩn bị phao của các binh sĩ Trung Quốc là "phản ứng tự nhiên" trước tình huống có thể xảy ra va chạm.
Trước đó, SCMP đã cho công bố một đoạn video sau vài tuần xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến Mỹ - Trung ở Biển Đông tháng 9/2018. Theo bình luận trong video này, phía Trung Quốc đã cảnh báo tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ sẽ phải hứng chịu "hậu quả nghiêm trọng" nếu không thay đổi lộ trình.
Vào thời điểm đó, giới chức Mỹ cáo buộc tàu chiến Trung Quốc “di chuyển thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp” khi hoạt động chỉ cách chiến hạm Mỹ khoảng 41m trong khi tàu khu trục USS Decatur đang thực hiện hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên khu vực gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Theo Minh Thu/Infonet