Nhiều radar dùng chung cho một hệ thống phòng không
Một trong những điểm bí mật và nguy hiểm nhất của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 đó là nó có khả năng kết hợp nhiều radar để phục vụ cho chỉ một tổ hợp duy nhất. Đây cũng là điều quan trọng nhất của các hệ thống phòng không vì muốn tiêu diệt được mục tiêu, đầu tiên hệ thống phòng không đó phải nhìn thấy mục tiêu trước.
|
Tổ hợp Pantsir-S1 với ăng-ten radar. Nguồn ảnh: Sputnik.
|
Một tổ hợp Pantsir-S1 có tổng cộng 3 "cặp mắt" như vậy, đầu tiên là hệ thống radar định vị mục tiêu, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 32 tới 45 km trong phạm vi bao phủ 360 độ. Thứ hai là radar theo dõi mục tiêu, có khả năng khóa mục tiêu từ trước khi nó đi vào tầm bắn của Pantsir-S1, hệ thống này có khả năng khóa tối đa tới 20 mục tiêu cùng lúc trong góc 45 độ và bắn được cùng lúc 4 mục tiêu với 4 tên lửa điều khiển theo quỹ đạo khác nhau.
Nếu hai "cặp mắt" kể trên vẫn chưa đủ, thì vẫn còn cặp mắt thứ ba, đó là radar hồng ngoại với nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, khóa và dẫn đường tên lửa trong điều kiện tầm nhìn kém. Toàn bộ hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động, ba hệ thống dẫn đường này có thể hoạt động cùng lúc, bổ trợ cho nhau và đây chính là cách mà Pantsir-S1 có thể khóa và hạ tối đa tới 10 mục tiêu mỗi phút.
Chỉ tốn tối đa từ 4 tới 6 giây kể từ khi mục tiêu bị phát hiện và khóa cho tới lúc tên lửa được phóng đi. Với hệ thống pháo tự động, thời gian giảm còn từ 1 tới 2 giây. Hệ thống có thể nhanh chóng bắn tên lửa thứ hai hoặc đổi sang mục tiêu khác chỉ trong vòng 1,5 giây - tốc độ nhanh nhất thế giới.
Kèm theo đó, Pantsir-S1 cũng được trang bị hệ thống chống áp chế điện tử, cho phép nó hoạt động tốt bằng cách sử dụng tần số hoạt động ngẫu nhiên khác nhau thay đổi liên tục, khiến đối phương không thể chặn hoặc làm nhiễu.
6 tổ hợp hoạt động cùng nhau với 5 chế độ khác nhau
Tối đa có thể kết nối 6 tổ hợp Pantsir-S1 lại với nhau để chúng chia sẻ dữ liệu cho nhau nhưng lại hoạt động với các chế độ khác nhau. Ví dụ, một tổ hợp có thể được lựa chọn làm tổ hợp chỉ huy, có nhiệm vụ phát hiện và bắt mục tiêu sau đó "gán" mục tiêu cho 5 tổ hợp còn lại tiêu diệt.
|
Pantsir-S1 khai hỏa. Nguồn ảnh: Sputnik.
|
Hoặc trong trường hợp khác, các tổ hợp Pantsir-S1 có thể hoạt động với mệnh lệnh được đưa ra từ một tổ hợp khác ở cách xa khu vực đặt trận địa, điều này giúp kéo giãn đội hình của một trận địa phòng không của Pantsir ra tối đa, tận dụng được ưu thế cảnh báo sớm và thậm chí là khóa, xác định được quỹ đạo bay của mục tiêu từ trước khi mục tiêu tiếp cận vào không phận phòng thủ.
Tuy vậy, về cơ bản mỗi tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 là một hệ thống độc lập, chúng có thể hoạt động đơn lẻ mà vẫn mang lại hiệu quả tác chiến tốt. Thêm vào đó, với hệ thống vũ khí được trang bị "đến tận răng" của mình, Pantsir-S1 có khả năng tiêu diệt được cả mục tiêu trên đất liền lẫn trên biển, thậm chí đối đầu trực diện với cả bộ binh hoặc thiết giáp hạng nhẹ của đối phương mà không hề hấn gì với dàn pháo tự động của mình. Tóm lại, Pantsir-S-1 có khả năng "đi lẻ" giữa chiến trường mà không sợ bị đối phương "bắt nạt".
Toàn bộ hệ thống có thể đặt trên... 6 loại khung gầm khác nhau
Tổ hợp Pantsir-S1 có thể đặt được trên 6 loại khung gầm khác nhau, và đó là con số tính tới thời điểm hiện tại, trong tương lai có thể con số này sẽ còn tăng dần với những bản nâng cấp sau này của Pantsir-S1. Với khả năng đặt được trên nhiều loại khung gầm khác nhau, Pantsir-S1 có thể hoạt động tốt trên mọi loại địa hình, bằng cách thay đổi khung gầm từ loại 4 bánh sang 6 bánh, 8 bánh hay là bánh xích.
|
Pantsir-S1 đặt trên hệ thống khung gầm xe tải. Nguồn ảnh: Sputnik.
|
|
Pantsir-S1 đặt trên khung gầm bánh xích. Nguồn ảnh: Sputnik.
|
Chưa hết, tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 còn có thể được đặt theo trạm, gắn chết xuống dưới đất hoặc gắn trên tàu chiến như một mô-đun độc lập.
Mời độc giả xem Video: Cận cảnh tổ hợp phòng không Pantsir-S1 với khả năng tiêu diệt mục tiêu trong nháy mắt.
Tuấn Anh