Trả lời phỏng vấn của hãng tin Fars News Agency (FNA) của Iran, người phát ngôn Saad Hadithi của Thủ tướng Iraq không hề giấu giếm thái độ mãn ngày càng tăng của Baghdad đối với chiến dịch quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông Hadithi tuyên bố: "Chính phủ Iraq đánh giá rằng những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của IS là không đủ…. vì những kẻ khủng bố vẫn đang xâm nhập Iraq và quân số của chúng vẫn không hề suy giảm".
|
Tổng thống Obama đang sa vào "vết xe đổ" của người tiền nhiệm
George W. Bush lôi kéo nước Mỹ vào chiến dịch quân sự không có hồi kết ở Trung Đông. |
Thật vậy, liên minh do Mỹ cầm đầu vẫn không thể tự hào về tiến bộ đáng kể trong chiến dịch quân sự liên tục chống phiến quân IS ở Iraq và Syria. Không những thế, chính quyền Obama còn bị chỉ trích vì không có một chiến lược hay mục tiêu rõ ràng trong cuộc chiến chống IS, mặc dù đã không kích suốt 9 tháng liên tục.
Cần phải nói rằng Nhà Trắng chưa có một sự ủy quyền chính thức của Quốc hội Mỹ để tiến hành chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Obama cũng không cung cấp các nhà lập pháp Mỹ một lý do thuyết phục về tính chính đáng của cuộc chiến này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố kế hoạch cơ sở huấn luyện đào tạo thứ hai cho quân đội Iraq tại tỉnh Anbar và gửi thêm 450 cố vấn quân sự Mỹ đến Iraq.
Giống như người tiền nhiệm George W. Bush, Tổng thống Obama bị sa lầy ở Trung Đông, khi lôi kéo nước Mỹ vào một chiến dịch quân sự Trung Đông không có hồi kết.
Cách đây gần 12 năm, ngày 1/5/2003, Tổng thống Mỹ George Bush hùng hồn tuyên bố rằng các hoạt động quân sự lớn ở Iraq đã kết thúc. Tuy nhiên, kể từ khi ông Bush tuyên bố “sứ mạng đã hoàn tất”, hơn 149.053 thường dân Iraq và 4.637 binh sĩ liên quân do Mỹ cầm đầu đã bị thiệt mạng. Theo nhà báo Jesse Rifkin ở Washington DC , nước Mỹ đã “đốt” 815 tỷ USD trong cuộc chiến Iraq, với 93% tổng số tiền này bị chi sau năm 2003.
Dường như người Mỹ chưa rút kinh nghiệm từ “bài học Iraq” và bất chấp thực tế Tổng thống Obama từng tuyên bố sứ mệnh của Mỹ ở Iraq đã kết thúc vào tháng 8/2010, Nhà Trắng một lần nữa lại tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Trung Đông đầy phiền toái này.
Đáng chú ý, một số chuyên gia đã đặt vấn đề nghi vấn về mục tiêu thật sự của liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu ở Iraq. Luật sư người Canada Barry Grossman cho rằng các hoạt động chống IS trên thực tế là “một màn khói” che đậy kế hoạch khủng khiếp hơn là tiêu diệt Syria và gây bất ổn ở Iran.
Luật sư Grossman nói: "Liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu đã bị biến thành một tấm bình phong che đậy mục tiêu tiêu diệt Syria và, nếu có thể, lôi kéo Iran vào một cuộc xung đột, trong khi vẫn tiếp tục gây bất ổn ở Iraq”.
Trên thực tế, trong khi cuộc chiến chống IS đang tăng tốc, Lầu Năm Góc ngày 16/1/2015 thông báo sẽ triển khai hàng trăm nhân viên quân sự Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ả-rập Xê-út để đào tạo và trang bị cho cái gọi là quân nổi dậy Syria “ôn hòa”, xây dựng một lực lượng ban đầu bao gồm khoảng 5.000 chiến đấu để tung một đòn chết người đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Một số nhà quan sát cho rằng có vẻ như rằng nước Mỹ không muốn chấm dứt cuộc chiến tranh mà nước này gây ra. Điều này xem ra hoàn toàn phù hợp với học thuyết "chiến tranh triền miên" của Washington. Câu hỏi được đặt ra là liệu nền kinh tế và người nộp thuế Mỹ có thể chịu đựng nổi chi phí "vô tận" của học thuyết “chiến tranh triền miên” này.
Minh Châu (Theo Sputnik International)