|
Tổng thống Obama và các vị tổng thống Mỹ tiếp theo chắc sẽ giảm dần sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông.
|
Cách đây 40 năm, ngày 17/10/1973 , OPEC công bố một lệnh cấm vận dầu chống lại Mỹ và các quốc gia khác hỗ trợ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Chính việc sử dụng dầu như một vũ khí ngoại giao đã thúc đẩy Mỹ tìm cách dần dần bớt phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông và các vấn đề ngày càng rắc rối của khu vực này.
Chỉ có điều Mỹ không thể sớm chia tay với Trung Đông vì Washington đã đầu tư quá nhiều vào khu vực: từ hỗ trợ cho các đồng minh như Israel đến cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Nhưng do việc nước Mỹ ít bị tổn thương trước những “cú sốc dầu mỏ Trung Đông”, Lầu Năm Góc sẽ không triển khai nhiều lục quân và hải quân ở khu vực này trong tương lai. Mỹ sẽ tìm cách hợp tác với Trung Quốc, một quốc gia đói năng lượng, về Trung Đông. Và mối quan hệ với đồng minh lâu đời Saudi Arabia cũng không còn mặn mà như trước do những bất đồng ngoại giao về Iran, Syria và Ai Cập.
Nước Mỹ ngày càng ít phụ thuộc vào dầu khí Trung Đông nhờ tăng được sản lượng khai thác dầu khí ở Bắc Mỹ thông qua các công nghệ mới cho phép khai thác dầu khí đốt từ các mỏ đá phiến chứa dầu khí. Theo một số nhà phân tích, với cuộc cách mạng năng lượng này, nước Mỹ có thể “tự cung tự cấp” về năng lượng vào năm 1920 và người Mỹ đã bắt đầu tranh luận về việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.
Việc sở hữu “vũ khí năng lượng” đã giúp Mỹ mạnh bạo hơn trong chính sách đối ngoại.
Năm ngoái, Mỹ và các đồng minh Châu Âu đã tẩy chay dầu của Iran, buộc Tehran quay trở lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt chống Iran đã làm cho thị trường thế giới mất đi khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng giá dầu vẫn không tăng như nhiều người lo ngại.
Siêu cường năng lượng
Quá mệt mỏi sau nhiều năm chiến tranh tốn kém kéo dài ở Iraq và Afghanistan, Mỹ hiện đang do dự không muốn can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria, sau khi giữ vai trò hạn chế trong cuộc nội chiến Libya năm 2011.
Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, cho biết sản lượng dầu khí gia tăng cho phép Mỹ linh hoạt rút một số lực lượng quân sự khỏi khu vực Trung Đông. Đô đốc Blair nói: “Chúng tôi hiện có cơ hội để điều chỉnh chính sách Trung Đông”.
Nhưng các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington không có kế hoạch rời khỏi Trung Đông.
Trong một bài phát biểu hồi tháng Tư, (cựu) Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon nói: “Giảm nhập khẩu năng lượng không có nghĩa là Mỹ rút khỏi Trung Đông hoặc giảm vai trò của mình trên thế giới”. Theo ông, Mỹ vẫn có “lợi ích an ninh quốc gia lâu dài” trong khu vực như duy trì quan hệ an ninh với Israel, tiến hành cuộc chiến chống khủng bố và “bảo vệ các đồng minh và đối tác trong khu vực”.
Mỹ cũng là quốc gia duy nhất có thể thúc đẩy Israel và Palestine đàm phán hòa bình và đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia cũng như các quốc gia vùng Vịnh khác .
Một báo cáo tháng hai của Citigroup cho rằng các nước Arập vùng Vịnh sẽ tiếp tục tìm kiếm sự bảo đảm an ninh của Mỹ, đặc biệt do những hậu quả của “mùa xuân Arập” Nhưng báo cáo này cũng không loại trừ những căng thẳng mới giữa Mỹ và các chính phủ “phi dân chủ” do sự thay đổi trong cán cân năng lượng nghiêng về phía Washington.
Vốn là đồng minh trong nhiều thập kỷ, Mỹ và Ai Cập hiện đang bất đồng về các vấn đề quan trọng như hỗ trợ quân nổi dậy trong cuộc nội chiến Syria, chính sách hòa giải của Mỹ với Iran và thái độ đối với cuộc đảo chính quân sự tại Ai Cập .
Đụng đầu với Trung Quốc
Trong những năm tới, người ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc
ở Trung Đông, thử thách sự sẵn sàng của Mỹ trong việc chia sẻ trách nhiệm và ảnh hưởng.
Nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đang gia ngày càng gia tăng và nước này sẽ vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu số 1 thế giới trong năm 2017, theo hãng tư vấn Wood Mackenzie chuyên về năng lượng và khai khoáng.
Mỹ có thể sẽ chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an toàn các tuyến vận chuyển năng lượng cho Trung Quốc như tuần tra hải quân ở eo biển Hormuz, một cửa ngõ yết hầu của các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ.
Các quan chức Mỹ dường như có cảm xúc lẫn lộn về kịch bản này. Một mặt họ hy vọng Trung Quốc sẽ chia sẻ gánh nặng an ninh, nhưng mặt khác lại không muốn mất đi ảnh hưởng vốn có ở Trung Đông.
Nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc có thay thế Mỹ trong việc duy trì nguyên trạng ở Trung Đông?
Về câu hỏi này, một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói: “Khi tôi đến Trung Quốc, một câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất là liệu Mỹ có tiếp tục can dự vào nỗ lực duy trì hòa bình ổn định ở Trung Đông và bảo vệ các tuyến vận chuyển dầu trên các đại dương?”
Lê Chân (theo Reuters)