Một đặc tính của Tổng thống Obama là sự kiềm chế trong việc đối phó với kẻ thù của nước Mỹ. Không giống như người tiền nhiệm George W. Bush, Tổng thống Obama vốn né tránh việc sử dụng vũ lực và dành chỗ cho giải pháp ngoại giao.
|
Chính sách Yemen của Tổng thống Mỹ Barack Obama thiếu một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu cuối cùng. |
Trong khi Mỹ có tất cả mọi sự lựa chọn trên bàn - trong đó giải pháp ngoại giao được hỗ trợ bởi đe dọa sử dụng vũ lực, phản ứng của Mỹ trước các sự kiện ở Yemen quả là “nửa nạc, nửa mỡ”. Chính quyền Obama không theo đuổi giải pháp ngoại giao, mà cũng không hoàn toàn theo đuổi giải pháp quân sự.
Chính sách Yemen của Mỹ thiếu một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu cuối cùng.
Yemen đã rơi vào nội chiến. Một bên là quân nổi dậy Houthi với sự hỗ trợ của các bộ lạc người Shia và lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Lực lượng này bị cáo buộc là “đánh thuê” cho Iran. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo phương Tây không tin rằng quân nổi dậy Houthi chấp nhận sự giật dây của Tehran.
Ở phía bên kia là chính quyền của Tổng thống lưu vong Abu Mansur Hadi với sự hậu thuẫn của Ả-rập Xê-út và một phần các bộ tộc Sunni ở Yemen. Mỹ đang hỗ trợ cho chiến dịch không kích Yemen do Ả-rập Xê-út cầm đầu - bằng cách cung cấp vũ khí, hỗ trợ hậu cần và thông tin tình báo. Mỹ đã đứng về một bên trong cuộc nội chiến Yemen, với một liên minh đã lựa chọn giải pháp quân sự. Vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột Yemen mâu thuẫn với chính sách vốn có của Tổng thống Obama, người đã từng tuyên bố không can thiệp vào chiến tranh khu vực ở Trung Đông, trừ khi lợi ích sống còn của Mỹ bị đe dọa.
Liệu quân nổi dậy Houthi có phải là một mối đe dọa đối với lợi ích sống còn của Mỹ trong khu vực?
Kể từ khi Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch sử dụng máy bay không người lái chống lại Tổ chức al-Qaeda trên Bán đảo Ả-rập (AQAP). Chiến dịch này đã xóa sổ nhiều mục tiêu có giá trị ở Yemen. Gần đây, máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt Ibrahim Suleiman Rubaisha, một lãnh đạo hàng đầu của AQAP.
Nhưng trong sự hỗn loạn do chiến dịch ném bom do Ả-rập Xê-út cầm đầu, AQAP đã tận dụng cơ hội và đang ráo riết mở rộng kiểm soát lãnh thổ Yemen. Khi theo đuổi chính sách chống quân nổi dậy Houthi, Ả-rập Xê-út đã gây ra hậu quả không mong muốn là tăng cường sức mạnh của AQAP và biến sự ủng hộ của Mỹ thành một sai lầm chiến lược.
Ban lãnh đạo Ả-rập Xê-út coi cuộc chiến chống quân nổi dậy Houthi ở Yemen là một phần của một cuộc đấu tranh địa chính trị lớn hơn với Iran. Tuy nhiên, phần lớn thương vong ở Yemen lại chủ yếu rơi vào dân thường. Cho đến nay, chiến dịch không kích do Ả-rập Xê-út không làm thay đổi tính toán của quân nổi dậy Houthi, nhưng lại tàn phá và hủy diệt đất nước Yemen nghèo khó nhất Trung Đông.
Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Liên minh Ả-rập về việc góp quân cho chiến dịch Yemen. Sẽ là khôn ngoan, nếu Mỹ cũng làm cái điều tương tự. Tự biến mình thành kẻ thù của người Houthi vốn chiếm phần lớn dân số của Yemen, Mỹ sẽ bị lôi kéo sâu hơn vào các cuộc xung đột giáo phái trong thế giới Hồi giáo.
Các vấn đề của Yemen phải do người Yemen tự giải quyết. Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác với chính phủ của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh trong cuộc chiến chống AQAP và biết đâu, Mỹ lại chẳng nhận được sự hợp tác tương tự từ phía quân nổi dậy Houthi, những người cũng coi AQAP là kẻ thù không đội trời chung.
Việc tiếp tục hậu thuẫn Ả-rập Xê-út biến Yemen thành một nhà nước hỗn loạn, giúp cho AQAP thâu tóm lãnh thổ và trở nên mạnh hơn… quả là một cơn ác mộng đối với chính quyền của Tổng thống Obama.
Minh Châu (Theo National Interest)
Minh Châu (Theo National Interest)