Ở Syria, hàng ngàn chiến binh người Kurd và người Arập, được Mỹ hậu thuẫn, đã đánh chiếm một loạt ngôi làng chiến lược gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong một chiến dịch nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp vận cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo nối với thế giới bên ngoài. Tại Iraq, Thủ tướng Haider al-Abadi đã ra lệnh cho quân đội làm chậm tốc độ tấn công thành phố Fallujah để hạn chế thiệt hại cho dân thường ở trong và ngoại ô thành phố.
|
Quân đội Iraq tấn công đánh chiếm khu vực ngoại ô thành phố Fallujah. Ảnh AP |
Cả hai chiến dịch nói trên đang diễn ra với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ cầm đầu. Tại Syria, lực lượng đặc biệt Mỹ làm cố vấn trên thực địa. Còn ở Iraq, liên minh do Mỹ cầm đầu đã yểm trợ trên không cho các lực lượng chính phủ và dân quân Shi’ite bao vây, tiến đánh thành phố Fallujah.
Xóa sổ “cái phễu Manbij” ở miền bắc Syria
Chiến dịch ở miền bắc Syria, bắt đầu vào ngày 31/5 sau nhiều tuần chuẩn bị, nhằm mục đích xua đuổi phiến quân IS khỏi đoạn biên giới cuối cùng tiếp xúc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức Mỹ gọi đó là “cái phễu còn lại cuối cùng” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đến Châu Âu. Phiến quân IS đã sử dụng đoạn biên giới này trong mấy năm qua để tiếp nhận vũ khí và tân binh từ thế giới bên ngoài và gần đây để đưa các tay súng trở lại Châu Âu để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Phiến quân IS hiện chỉ còn kiểm soát 80km biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị các tay súng người Kurd và quân chính phủ Syria tiến đánh.
Một lượng đặc nhiệm nhỏ của Mỹ đang hỗ trợ các tay súng A-rập và người Kurd xóa sổ ”cái phễu Manbij”. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: "Đặc nhiệm Mỹ tiến gần đến chiến tuyến ở mức độ cần thiết. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không trực tiếp tham chiến”.
|
Khu vực phiến quân IS còn kiểm soát ở miền bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (màu xám) trông như nột cái phễu. |
Chiến dịch xóa sổ “cái phễu Manbij” nhận được sự yểm trợ trên không của các chiến đấu cơ liên quân do Mỹ cầm đầu. Liên quân đã tiến hành 18 đợt không kích vào các vị trí gần thị trấn Manbij trong ngày 31/5/2016. Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết phiến quân IS đã bị đánh bật khỏi 16 ngôi làng gần thị trấn Manbij.
Chiến dịch tấn công cắt đứt dạ dày phiến quân IS ở miền bắc Syria do Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đảm nhiệm. Đây là một liên minh quân sự giữa lực lượng dân quân người Kurd (Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân YPG) và các nhóm vũ trang Arập. SDF được thành lập trong năm ngoái và là lực lượng mặt đất chính nhận được viện trợ của Mỹ ở Syria.
Các quan chức Mỹ khẳng định rằng hầu hết các tay súng người Arập trong SDF sẽ tham chiến gần Manbij, một động thái nhằm trấn an Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi dân quân người Kurd (YPG) là kẻ thù. Một quan chức Mỹ nói với Reuters: "Sau khi đánh chiếm được Manbij, theo thỏa thuận, các tay súng YPG sẽ không được ở lại ... Vì vậy, người Arập sẽ cai quản vùng đất thuộc về người Arập Syria”. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng lực lượng chủ công đánh chiếm Manbij vẫn là dân quân người Kurd.
Chiến dịch này diễn ra trước thềm một nỗ lực đánh chiếm “thủ phủ” Raqqa của lực lượng Syria được Mỹ hậu thuẫn. Thành phố Raqqa được coi là “thủ phủ” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, quan trọng không kém thành phố Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq vẫn còn nằm trong tay phiến quân IS.
Iraq tạm dừng chiến dịch tấn công thành phố Fallujah
Sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của phiến quân IS, quân đội Iraq đã không tiến đánh trong 48 giờ qua và duy trì các vị trí ở ngoại ô phía nam Fallujah chủ yếu là khu vực nông thôn Naimiya.
Chính phủ Iraq của Thủ tướng Abadi quyết định tạm dừng chiến dịch tấn công tại cửa ngõ thành phố Fallujah vì không muốn gây nhiều thương vong cho dân thường đang bị phiến quân IS dùng “làm lá chắn sống”.
Thủ tướng Abadi tuyên bố: "Cuộc chiến (ở Fallujah) có thể kết thúc một cách nhanh chóng, nếu bảo vệ thường dân không nằm trong số những ưu tiên của chúng tôi. Cảm ơn Chúa trời, các đơn vị chúng tôi đang ở vùng ngoại ô của Fallujah và chiến thắng là ở trong tầm tay”.
Hơn 50.000 thường dân vẫn còn bị mắc kẹt bên trong thành phố Fallujah. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng phiến quân IS đang giữ hàng trăm dân thường ở trung tâm Fallujah làm “lá chắn sống”.
Mặc dù hầu hết dân thường được cho là đã chạy khỏi Fallujah trong 6 tháng bị quân chính phủ bao vây, khoảng 50.000 dân thường vẫn bị mắc kẹt bên trong thành phố và bị đói ăn. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết: "Thành phố này không thể tiếp cận hệ thống hỗ trợ và phân phối thực phẩm trên thị trường. Số thực phẩm hiện có không đến từ các thị trường, mà đến từ các kho dự trữ mà một số gia đình cất giữ trong nhà”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ rằng việc mất lãnh thổ sẽ không phải là dấu chấm hết đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate) tự xưng này đã vươn vòi bạch tuộc ra khỏi Syria và Iraq, sang Libya, Afghanistan và xa hơn nữa.
Minh Châu (Theo Reuters)