Giữa lúc cuộc chiến giành thành phố Fallujah do phiến quân IS kiểm soát đang diễn ra quyết liệt, một cuộc chiến bằng miệng đã nổ ra và mang nặng tính chất giáo phái.
Theo mạng Al Jazeera, các nhà lãnh đạo dân quân Shi’ite và một số quan chức Iraq đã đưa ra nhận xét sặc mùi bè phái. Một nhà lãnh đạo dân quân Shi’ite nói: “Phải nhổ tận gốc khối u ung thư này. Quét sạch Fallujah có nghĩa là làm trong sạch Hồi giáo và Iraq".
Phương tiện truyền thông cho lực lượng dân quân Shi’ite, còn được gọi là Các Lực lượng huy động nhân dân (PMF) đã công bố đoạn video cho thấy các dân quân hô khẩu hiệu giáo phái trong khi phóng tên lửa vào Fallujah. Một video khác cho thấy các giàn phóng tên lửa đa nòng bắn về phía thành phố Fallujah.
|
Cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki: "Fallujah chính là đầu của con rắn nâng đỡ những kẻ khủng bố". Ảnh politiken.dk |
Cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki, người cũng là Tổng thư ký của Đảng Hồi giáo Dawa cầm quyền, nói: "Fallujah chính là đầu của con rắn nâng đỡ những kẻ khủng bố".
Tổng cộng có đến 50.000 chiến binh - bao gồm quân đội , cảnh sát, lực lượng chống khủng bố Iraq, dân quân Shi’ite và các tay súng thuộc bộ lạc người Hồi giáo Sunni - tham gia các cuộc tấn công tái chiếm Fallujah, bắt đầu vào ngày 23/5/2016. Có một thực tế là lực lượng dân quân, được Iran tài trợ và cung cấp vũ khí, đã tỏ ra mạnh hơn và thiện chiến quân đội Iraq.
Trong quá khứ, liên minh do Mỹ cầm đầu đã từ chối cho phép các lực lượng dân quân Shi’ite tham gia, vì lo sợ xảy ra tình trạng trả thù mang tính chất giáo phái. Trong hai năm qua, các lực lượng dân quân Shi’ite đã đánh chiếm nhiều thị trấn và làng mạc từ phiến quân IS. Nhưng ở một số khu vực, lực lượng dân quân Shi’ite đã bị cáo buộc cướp bóc, trả thù, ngược đãi giáo phái và không cho phép người dân Sunni trở về quê hương bản quán.
Ý nghĩa của việc giải phóng thành phố Fallujah
Cuộc tấn công giải phóng thành phố Fallujah có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính phủ Iraq vì một số lý do. Giải phóng được Fallujah đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn cho thủ đô Baghdad. Thành phố Fallujah chỉ cách thủ đô Baghdad về phía tây chưa đầy hơn 30 phút đi xe. Thành phố này vốn là một thành trì của al-Qaeda sau khi Iraq bị quân Mỹ xâm lược trong năm 2003. Một số nhóm vũ trang khác cũng có mặt trong thành phố.
Mỹ đã tiến hành hai cuộc tấn công lớn vào thành phố Fallujah trong năm 2004 và triển khai hơn 20.000 lính thủy đánh bộ ở thành phố này để đảm bảo an ninh.
Trong năm 2014, phiến quân IS đã đánh chiếm thành phố Fallujah. Khoảng 100.000 người dân vẫn còn sống trong thành phố và hiện thời họ bị mắc kẹt “giữa hai làn đạn” của phiến quân IS và và các lực lượng ủng hộ chính phủ Iraq.
Việc giành được “con tim và khối óc” của dân chúng Fallujah là rất quan trọng đối với chính phủ Iraq. Thế nhưng, cho đến nay, diễn biến của cuộc tổng tiến công giải phóng Fallujah lại cho thấy cái điều ngược lại.
Dân quân Shi’ite: Chủ công trong chiến dịch tái chiếm Fallujah
Trong nhiều tháng qua , Tổng thống Mỹ Barack Obama và Lầu Năm Góc đã phản đối sự tham gia của lực lượng dân quân Shi’ite thân hộ Iran trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS ở Iraq.
Phía Mỹ phản đối sự can dự của Các lực lượng Huy động Nhân dân dưới sự chỉ huy của Tướng Iran Abu Mahdi al Muhandis và lực lượng của Tổ chức Badr (trước đây là Lữ đoàn Badr) dưới sự chỉ huy của Hadi Al-Amiri thuộc Lữ đoàn Al Qods của Iran.
|
Các tay súng của Tổ chức Badr (Lữ đoàn Badr). Ảnh The Portland Press Herald |
Đám dân quân Shi’ite đã tàn sát những người dân Sunni ở các thành phố mà họ chiếm lại từ tay phiến quân IS trong năm ngoái. Kết quả là, nhiều người Iraq dòng Hồi giáo Sunni ủng hộ sự cai trị của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS), chứ không hề tin tưởng liên quân Mỹ, Baghdad và Tehran.
Mặc dù Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thông báo rằng 35.000 binh sĩ Iraq đã phát động một cuộc tấn công giải phóng Fallujah từ tay phiến quân IS, nguồn tin quân sự và tình báo của Debkafile báo cáo rằng hầu hết các lực lượng chính phủ lại không tham gia vào các cuộc tấn công thành phố của người Hồi giáo Sunni này.
Theo Debkafile, Các lực lượng Huy động Nhân dân (dân quân Shi’ite) và Tổ chức Badr - dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu lực lượng Iran tại Iraq và Syria - mới chính là lực lượng chủ công tái chiếm Fallujar.
Lực lượng không quân Mỹ yểm trợ chiến dịch chiếm Fallujah do Tướng Soleimani lãnh đạo.
Một bức ảnh độc quyền mới đây của Debkafile cho thấy Tướng Soleimani đang hút một điếu xì gà to tướng, với Tướng al-Muhandis ở trên trái, và dựa lưng vào một tấm bản đồ chiến sự của Mỹ tại Sở chỉ huy tiền phương gần Fallujah.
|
Tướng Soleimani tại Sở chỉ huy tiền phương gần Fallujah. Ảnh Almasdar News |
Qua việc hỗ trợ tấn công Fallujah, người Mỹ đã trì hoãn chiến dịch tấn công thành phố Mosul, thủ phủ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, vào thời điểm hiện nay. Thay vì tấn công giải phóng Mosul – thành phố lớn thứ hai ở Iraq, Mỹ muốn siết chặt vòng vây và dần dần khiến cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo sụp đổ.
Quyết định của Mỹ hỗ trợ chiến dịch của Tướng Soleimani cho thấy vai trò trung tâm của Iran trong các cuộc chiến của Mỹ và Nga ở khu vực Trung Đông.
Nguồn tin quân sự Debkafile báo cáo rằng việc Tướng Soleimani đã chuyển tổng hành dinh từ miền bắc Syria - nơi mà ông đã chỉ huy quân đội Iran, Syria và Hezbollah – đến thành phố Fallujah cho thấy sự thất bại của viên tướng này trên mặt trận Aleppo. Sau thất bại của chiến dịch Aleppo được hỗ trợ của không quân Nga, Tướng Soleimani đã chuyển đến Fallujah nơi các tay súng dưới quyền ông nhận được sự yểm trợ của không quân Mỹ.
Minh Châu (Theo Al Jazeera/Debkafile)