|
Hạ thủy tàu sân bay Vikrant do Ấn Độ tự thiết kế chế tạo.
|
“Gót chân Achilles” của Trung Quốc là Ấn Độ Dương
Cách đây vài tháng, tạp chí The Economist của Anh từng nhận định: “Ưu thế của Hải quân Ấn Độ có thể cho phép New Delhi phong tỏa các tuyến vận chuyển năng lượng, nguyên liệu đến Trung Quốc qua eo biển Malacca”.
David Scott của Tạp chí Nghiên cứu chiến lược (Journal of Strategic Studies) lập luận: “Liên quan đến eo biển Malacca ..., Ấn Độ có thể dễ dàng ngăn chặn Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương”.
Nhà báo Ajai Shukla, chuyên về lĩnh vực quốc phòng, viết “giới phân tích nhất trí rằng Hải quân Ấn Độ ... có thể đóng cửa các tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương bất cứ khi nào” và dẫn lời một chỉ huy hạm đội về hưu nói rằng "một vài tàu ngầm và một phi đội máy bay chiến đấu tại Car Nicobar có thể dễ dàng thực thi lệnh phong tỏa”.
Học thuyết hải quân chính thức đầu tiên của Ấn Độ (2004) cũng viết “kiểm soát của các nút thắt trên biển có thể được sử dụng như một con bài mặc cả trong trò chơi quyền lực quốc tế”.
|
Các tuyến hàng hải thế giới qua Ấn Độ Dương.
|
Trong khi đó, Đô đốc Ấn Độ về hưu Raja Menon nhận định: “Điểm mạnh của Trung Quốc là mạng lưới hậu cần hùng hậu ở Tây Tạng. Nhược điểm của Trung Quốc nằm ở Ấn Độ Dương, một thực tế mà ngay cả Bắc Kinh cũng dễ dàng thừa nhận. Mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế đòi hỏi Trung Quốc phải có nguồn cung tài nguyên ngày càng gia tăng và các nguồn tài nguyên này nằm ở Châu Phi và … được vận chuyển qua Ấn Độ Dương”.
Những nguyên nhân sâu xa
Cuộc tranh luận về liệu Ấn Độ có đủ sức phong tỏa Trung Quốc ở Ấn Độ Dương hay không đã thú hút đông đảo giới học giả Ấn Độ và nước ngoài vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, cuộc tranh luận này đồng điệu với một cuộc tranh luận ở Mỹ về tính khả thi của một chiến dịch phong tỏa Trung Quốc. Mặc dù có sự tương tác ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Hải quân Ấn Độ, New Delhi vẫn xem vấn đề này là vấn đề đơn phương. Các kịch bản được thảo luận thường là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như Ấn Độ hành động đơn phương trong việc áp đặt lệnh phong tỏa giả định.
Thứ hai, việc đánh giá sức mạnh trên biển của Ấn Độ sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc định hình cung cách xử lý khủng hoảng của Ấn Độ, đặc biệt khi tranh chấp biên giới trên đất liền lại bùng phát. Việc Ấn Độ có sử dụng đòn bẩy hải quân hay không có thể ảnh hưởng đến việc nước này cảm thấy có thể leo thang hay không trong cuộc khủng hoảng tương lai trên biên giới.
Thứ ba, các cuộc tranh luận nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với việc phân bổ nguồn lực cho các binh chủng trong quân đội Ấn Độ. Trong ngân sách quốc phòng Ấn Độ 2013-2014, tỷ lệ phần trăm dành cho Hải quân là ít nhất (18%) so với Không quân (28%) và Lục quân (48%).
Hơn nữa, một báo cáo mới đây của Cơ quan kiểm toán và kiểm soát Ấn Độ (CAG) phát hiện ra rằng Hải quân Ấn Độ chỉ có "61%, 44% và 20% số lượng lần lượt các khinh hạm, tàu khu trục và tàu hộ tống so với yêu cầu tối thiểu”. Các cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn trên đất liền hay trên biển sẽ quyết định đến việc phân bổ các nguồn tài lực cho các binh chủng Hải-Lục-Không quân trong tương lai.
Thứ tư và cuối cùng, cuộc tranh luận về cách thức đối phó với Trung Quốc có liên quan đến việc Lục quân Ấn Độ dự kiến sẽ thành lập một Quân đoàn sơn cước và qua đó liên quan đến những ưu tiên hàng đầu của Các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Việc xác định những ưu tiên sẽ buộc giới hoạch định chính sách phải suy nghĩ về vấn đề hiện đại hóa quân đội tổng thể - bao gồm cả Lục quân, Hải quân và Không quân - chứ không phải là các quyết định được thực hiện một cách độc lập với nhau.
|
Nếu kết hợp với Mỹ và Nhật Bản, Hải quân Ấn Độ có thể phong tỏa Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong ảnh: hạ thủy khu trục hạm trực thăng Izumo (còn được gọi là tàu sân bay trá hình của Nhật Bản).
|
Trong thời gian qua, Ấn Độ đã chi tiêu rất nhiều tiền cho quốc phòng. Nhưng hiện thời, nước này đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với những năm 2000, với rất ít triển vọng trở lại với cái thời “hoàng kim” trước đây. Các cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ Hải quân và Lục quân chính là tiếng chuông báo hiệu định hướng phát triển của quân đội Ấn Độ trong tương lai.
Lê Chân (theo Diplomat)