Ấn Độ cảnh giác trước “Chuỗi ngọc trai” Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Tạp chí The Economist đã nhầm khi nhận định các dự án phát triển cảng biển của Trung Quốc trên thế giới chủ yếu "nhằm mục đích thương mại, không gây hấn".


 Hải quân Trung Quốc đang tiến ra các đại dương.

Tạp chí của Anh này đã quên rằng các thành tố thương mại và quân sự của “Chuỗi ngọc trai” bao gồm một loạt các cảng biển ở nước ngoài của Trung Quốc luôn chồng chéo lên nhau và hỗ trợ lẫn nhau.

Trung Quốc hiện đang làm đúng cái điều mà các cường quốc biển như Mỹ, Anh và Hà Lan từng làm. Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập các khu vực trên thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với hàng xuất-nhập khẩu, bằng các phương tiện thương mại, chính trị và quân sự. Cái gọi là hoạt động thương mại hôm nay có thể biến thành hành động quân sự ngày mai.

Bài viết đăng trên tờ The Economist cũng rất sai lầm khi "đánh đồng" việc tiếp cận “gần như vô hại” của Trung Quốc đối với cảng Piraeus của Hy Lạp với việc Trung Quốc xây dựng các cảng nằm trong cái gọi là “Chuỗi ngọc trai” trên Ấn Độ Dương.

Lợi ích chiến lược về năng lượng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là cao gấp bội những lợi ích thương mại của nước này ở Địa Trung Hải hay Đại Tây Dương. Để bảo vệ “lợi ích sống còn” ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc đang tìm mọi cách hiện diện hải quân thường trực trong khu vực.

Các chiến lược gia và học giả ở New Delhi hiện đang băn khoăn lo lắng về “Chuỗi ngọc trai” Trung Quốc, bao gồm một mạng lưới các căn cứ hải quân bao vây Ấn Độ. Họ coi các cảng biển thương mại ở Colombo (Sri Lanka) , hoặc Gwadar (Pakistan) là những thành tố quan trọng làm nên chuỗi ngọc trai này.

Trung Quốc mưu đồ thành lập "Chuỗi ngọc trai" ở Ấn Độ Dương.

Mặc dù vẫn còn hơi sớm, nhưng mối lo của Ấn Độ là có thể hiểu được. Các cảng biển nước sâu nói trên có thể tiếp nhận những con tàu container khổng lồ và nó cũng có là nơi neo đậu, tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Trung Quốc. Không những thế, các cảng nước sâu nằm trong “Chuỗi ngọc trai”có thể được nâng cấp thành các căn cứ hải quân liên hoàn.

Bắc Kinh đang theo đuổi tham vọng thành lập “Chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương và tham vọng này lớn lên từng ngày cùng với sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Tham vọng này có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có quản lý thành công các vùng biển gần và mức độ trưởng thành của Hải quân Trung Quốc.

Một tin tức tốt lành cho Ấn Độ và Mỹ là việc chuyển đổi các cảng thương mại thành căn cứ hải quân khó có thể thoát khỏi sự chú ý của các đối thủ luôn đề cao cảnh giác. Để làm được điều này, Trung Quốc phải thuyết phục được các nước chủ nhà ven Ấn Độ Dương và không phải nước nào cũng là “đối thủ truyền kiếp” của Ấn Độ như Pakistan. Đó là chưa kể nhiều cảng biển trong “Chuỗi ngọc trai” tiềm tàng này lại nằm trong tầm tấn công của Không quân Ấn Độ, chứ chưa kể tới các hạm đội hùng mạnh của Ấn Độ và Mỹ.

Nếu muốn phát triển Gwadar hoặc Colombo thành căn cứ hải quân, Trung Quốc sẽ cần phải gia cố các thiết bị phụ trợ trên cảng, lắp đặt các hệ thống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công bằng không quân và hải quân. Không những thế, Bắc Kinh sẽ còn phải thông báo ý định của mình cho New Delhi, Washington và các bên liên quan khác trong khu vực  để chờ đợi phản ứng của họ.

Có thể nói tham vọng của Trung Quốc về “Chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương là vô cùng to lớn. Nhưng chính vì vô cùng to lớn mà tham vọng này khó trở thành hiện thực trong tương lai gần.


Lê Chân (theo The Diplomat)