Đó là nhận định của tác giả Brian Cloughley trong một bài viết đăng trên trang mạng sputnik.com của Nga
Sau cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói đùa rằng: "Chúng ta đến, chúng ta thấy, ông ta đã chết”. Tuy nhiên, theo tác giả Brian Cloughley, Washington sẽ không rập khuôn cái cách dùng để lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad... do rút kinh nghiệm “bài học Libya” và cuộc khủng hoảng di cư đang hành hạ Châu Âu hiện nay.
|
Cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq, các cuộc không kích do NATO lãnh đạo ở Libya và việc Mỹ hỗ trợ quân nổi dậy ở Syria đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất Châu Âu kể từ Thế chiến II. |
Cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq, cũng như các cuộc không kích do NATO lãnh đạo ở Libya và hỗ trợ của cái gọi là quân nổi dậy “ôn hòa” đã phản tác dụng. Đối với Châu Âu, đây là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến II, với hàng trăm ngàn chạy trốn bạo lực ở các vùng chiến tranh tàn phá ở Trung Đông và Bắc Phi.
Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq đã buộc 1/25 dân số nước này phải chạy loạn, trong khi hành động dã man tàn bạo của phiến quân IS đang tạo ra dòng người tị nạn còn lớn gấp bội.
Tác giả Brian Cloughley trích dẫn một tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế: "Cộng đồng quốc tế đã đứng nhìn Libya rơi vào hỗn loạn kể từ khi NATO kết thúc chiến dịch quân sự năm 2011, cho phép lực lượng dân quân và các nhóm vũ trang chém giết bừa bãi. Lãnh đạo thế giới phải có trách nhiệm và phải được chuẩn bị để đối mặt với những hậu quả của cuộc chiến này, trong đó có dòng người tị nạn và người di cư chạy trốn xung đột tràn lan ở Libya”.
Trên thực tế, cái gọi là “mùa xuân Ả-rập” đã không mang lại nền "dân chủ" mà phương Tây hằng hy vọng. Đất nước Libya đã ở trong tình trạng bất ổn kể từ năm 2011, khi nổi dậy dẫn đến nội chiến và lật đổ chế độ Gaddafi. Tình trạng bạo loạn sau đó đã tạo ra dòng người di cư Libya ồ ạt liều mạng vượt Địa Trung Hải trên những con thuyền cũ nát để tìm kiếm một cuộc sống an toàn hơn.Tổ chức Di cư Quốc tế ghi nhận 2.373 vụ đắm thuyền chết người, khi những người di cư tìm cách chạy sang Châu Âu bằng đường biển trong năm nay.
Trong khi đó, hàng ngàn người tị nạn Syria đang tràn ngập Châu Âu và hàng triệu người khác phải sống lay lắt trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng, khi đất nước họ đã bị sa lầy trong một cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011. Hiện thời, các lực lượng chính phủ trung thành với Tổng thống Syria Bashar Assad đang phải gồng mình chống lại phe đối lập - trong đó có cả các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan, Mặt trận al-Nursa quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và phiến quân IS.
Kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu, Mỹ và một số các nước đồng minh đã ủng hộ phe đối lập Syria “ôn hòa” và kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, trong khi Nga và Iran tuyên bố chính phủ Assad là cơ quan hợp pháp duy nhất ở Syria.
Chỉ có điều chính sách cửa Mỹ và phương Tây đối với Syria xem ra đã thất bại. Hồi đầu tháng này, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), tướng Lloyd Austin, thú nhận rằng chỉ còn "bốn hoặc năm" chiến binh Syria “ôn hòa” được Mỹ huấn luyện...đang chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Đồng thời, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết rằng lập trường của phiến quân Syria đã tham gia các chương trình đào tạo và trang bị của Mỹ để chống lại các chiến binh nước Hồi giáo là “đáng nghi ngờ”. Ông này nói thêm rằng Washington "rất lo ngại” về khả năng các chiến binh Syria “ôn hòa” được Mỹ đào tạo gia nhập các nhóm thánh chiến như Mặt trận al-Nusra Front có liên kết với al-Qaeda tại Syria.
Tác giả Brian Cloughley cho rằng nếu Tổng thống Assad lặp lại số phận đen đủi của Đại tá Muammar Gaddafi, người kế nhiệm bà Hillary Clinton là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc sẽ không nói “Chúng tôi đến, chúng tôi thấy, ông ta đã chết”. Ông Cloughley cho rằng ông Kerry chắc sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ trước nguy cơ “quân nổi dậy ôn hòa sẽ tạo ra tình trạng hỗn độn chém giết lẫn nhau” như ở Libya và tạo ra một cơn đại hồng thủy nhấn chìm đất nước Syria.
Minh Châu (Theo sputniknews.com)