Nếu người Hồi giáo Sunni (bất kể là quân nổi dậy hay phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS) giành chiến thắng cuối cùng ở Syria, cộng đồng thế giới cần tính đến họa diệt chủng đối với người Alawite dòng Shi’ite vốn ủng hộ Tổng thống Assad.
|
Người tị nạn Syria.
|
Nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc
di dân ồ ạt của người Alawite từ vùng duyên hải phía tây Syria vào Libăng. Đây có thể sẽ là một cuộc chạy loạn chưa từng có trong khu vực, kể từ cuộc di dân ồ ạt của người Palestine năm 1948. Ước tính có đến 10% dân số Syria (hai triệu người) là người Alawite. Những người này sẽ phải rời bỏ nhà cửa chạy loạn, nếu người Hồi giáo Sunni chiếm đa số lên nắm quyền ở Syria.
Với việc phiến quân IS kiểm soát 50% lãnh thổ Syria và chế độ Assad đang trên đà suy yếu, cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Một khi chế độ của Tổng thống Assad bị sụp đổ, làn sóng chạy trốn khỏi Syria của người Alawite là không thể tránh khỏi. Và cũng như đại đa số những người tị nạn, người Alawite và các sắc tộc thiểu số khác có rất ít triển vọng trở lại Syria. Hậu quả của làn sóng người tị nạn chạy khỏi Syria là vô cùng nghiêm trọng đối với Trung Đông về các lĩnh vực nhân đạo, chính trị và chiến lược.
Chính phủ Libăng hiện đang phải chật vật đối phó với gánh nặng của khoảng 1,2 triệu người tị nạn Syria. Làn sóng người tị nạn Alawite và dân tộc thiểu số khác chạy vào Libăng sẽ phá vỡ thế cân bằng chính trị và làm trầm trọng thêm cuộc xung đột đang diễn ra giữa người Sunni và Alawite ở miền bắc Libăng.
Vốn đã phải tiếp nhận “thuyền nhân” Syria nhiều hơn bất kỳ châu lục khác trên thế giới, Châu Âu sẽ là điểm đến ưa thích của người Alawite. Các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư cũng có thể là một sự lựa chọn khác. Nhưng cả vùng Vịnh Ba Tư lẫn các nước Tây Âu đều không thể mở cửa đón nhận người tị nạn Syria với quy mô lớn.
Thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế là phải tìm ra một chiến lược toàn diện giúp dân tị nạn Syria hiện ở Libăng và Jordan, cũng như ngăn chặn khả năng xảy ra dòng người tị nạn Alawite trong tương lai. Cộng đồng thế giới cần phải tập trung vào việc hỗ trợ cho các nước chủ nhà, đặc biệt là Libăng và Jordan, để đối phó với những gánh nặng tài chính-xã hội do dòng người tị nạn Syria mang lại.
Mục tiêu chủ yếu và trực tiếp của phản ứng quốc tế là phải giảm thiểu các nguy cơ của làn sóng tị nạn ồ ạt tiếp theo khỏi Syria. Về vấn đề này, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây cần phải gây ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Qatar và các nước vùng Vịnh Ba Tư khác để các nhóm nổi dậy được các nước này ủng hộ không trả thù những người Alawite từng ủng hộ chế độ Assad.
Các nước nói trên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cả về tôn giáo lẫn luật nhân đạo quốc tế, trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của thường dân. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ cũng cần phải đàm phán trực tiếp với các nhóm nổi dậy (trừ phiến quân IS) để đảm bảo an ninh cho người Alawite. Công việc chuẩn bị cần phải bắt đầu ngay bây giờ.
Mục tiêu dài hạn của cộng đồng thế giới là tạo điều kiện cho những người tị nạn Syria hồi hương sớm nhất, trong chừng mực có thể. Tuy nhiên, đối với những người tị nạn Syria đã hồi hương, có rất ít khả năng họ sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính đầy đủ để xây dựng lại nhà cửa và kiếm kế mưu sinh.
Minh Châu (Theo Lowy Interpreter)
Luyện Minh Bích