Trả lời phỏng vấn của báo Le Point, Chủ tịch Đảng Phong trào thức tỉnh nền Cộng hòa (DLR) của Pháp Nicolas Dupont-Aignan nói rằng đã đến lúc Paris cần xét lại chiến lược đối với Syria và từ bỏ những kế hoạch được cho là để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
|
Tổng thống Assad trong chuyến thăm một đơn vị quân đội hồi năm 2012.
|
Chính trị gia Nicolas Dupont-Aignan viện dẫn việc Mỹ lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein và Pháp cũng làm cái điều tương tự với nhà độc tài Gaddafi của Libya. Những hành động trên đã gây ra các hậu quả khôn lường như làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Đông sang Châu Âu, việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc hay sự hoành hành của phiến quân IS ở khu vực.
“Tại sao chúng ta lại lặp lại sai lầm như vậy lần thứ ba? Nếu chính quyền Tổng thống Syria Assad bị lật đổ, thì Lebanon cũng sẽ không tồn tại. Những người theo đạo Cơ-đốc sẽ không thể sống ở Trung Đông được nữa và phiến quân IS trở nên mạnh hơn, khó có thể đánh bại. Ngoài ra, khủng hoảng di cư cũng là viễn cảnh có thể xảy ra”, ông Dupont-Aignan nói.
Ông Dupont-Aignan nói tiếp: “Nếu IS không bị đánh bại trong tương lai gần thì Châu Âu có thể trực tiếp đối mặt với một cuộc chiến tranh kéo dài hàng trăm năm gây bất ổn cho toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và thậm chí cả Châu Phi”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Le Point về việc làm thế nào để đánh bại nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Dupont-Aignan lưu ý, chiến dịch không kích vào các mục tiêu IS hiện nay cần được hỗ trợ bằng các chiến dịch tấn công trên mặt đất. Ông cảnh báo: “Chúng ta càng chờ đợi thì căn bệnh ung thư di căn IS càng phát triển. Tuy nhiên, phương Tây không thể một mình đánh bại IS".
|
Các chiến binh thánh chiến nhóm phiến quân IS.
|
Với lý do trên, chính trị gia Pháp nhấn mạnh, tất cả các cường quốc khu vực đều phải tham gia vào cuộc chiến chống IS. Ông nói: “Tất cả các cường quốc khu vực cần tham gia cuộc chiến này, chứ không phải chỉ có Qatar và các nước vùng Vịnh. Cuối cùng, toàn cộng đồng quốc tế cũng phải tham gia, và điều đó có nghĩa rằng, Nga nên tham gia cuộc chiến này. Điều này dẫn đến việc việc chính phủ Pháp cần một chính sách đối ngoại độc lập và đa phương càng sớm càng tốt”.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh, các quốc gia Châu Âu cần một “chính sách phối hợp để gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập hòa bình ở Syria”.
Thanh Nga (theo Sputnik)