Lừa vợ đi chợ... tôi ở nhà chặt hạ cả vườn vải
Ngồi trong căn nhà tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Nguyễn Đức Nhân, xã Thanh Thuỷ (Thanh Hà, Hải Dương) tâm sự, cả cuộc đời gắn bó với cây vải thiều, ông đã trải qua thời điểm “cây vải cây vàng”, đến lúc vải bán không ai mua và giờ làm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ,...
Ông kể, bản thân gia đình trồng vải thiều từ những năm 1981-1982. Số lượng vải thiều khi đó chỉ vài chục cây chứ không tính bằng mẫu hay hecta như bây giờ. Song, có những mùa ông thu về 30-40 triệu đồng từ loại quả đặc sản này, quy ra được cả chục cây vàng.
“Tiền lúc đó nhiều, đời sống sung túc, nuôi các con ăn học, xây nhà cửa khang trang”, ông nói.
Thấy vải có giá trị, lại được khuyến khích chuyển đổi nên giai đoạn 1993-1995, ông Nhân mở rộng diện tích lên 2 mẫu.
Vài năm sau, số lượng vải trồng thêm bắt đầu cho thu hoạch cũng là thời điểm vải thiều dần rớt giá. Diện tích vải thiều khi ấy càng tăng, giá vải càng giảm mạnh.
Đỉnh điểm vào những năm 2005-2006, loại quả này mất giá trị, rơi vào khủng hoảng thừa. Trên thị trường, ngoài vải ở Thanh Hà còn có vải ở Bắc Giang. Trong khi, thương nhân Trung Quốc thu mua là chủ yếu. Họ “ăn hàng” thì được giá và ngược lại.
Vườn vải nhà ông Nhân lúc đó sản lượng lên tới 8 tấn, vải chín đỏ vườn mà không biết bán đi đâu. “Giá rẻ quá. Tôi bảo vợ đi chợ mua thức ăn, mình ở nhà tranh thủ chặt hạ hơn 4 sào vải thiều để chuyển sang trồng ổi, quất. Vợ về thấy vải bị chặt ngổn ngang tiếc đứt ruột vì bao công sức chăm sóc. Nhưng giữ lại cũng không biết tương lai ra sao”, ông nhớ lại.
Năm 1995 ở Thanh Hà, nhiều hộ dân mở rộng diện tích trồng vải thiều với hy vọng tăng thêm thu nhập như ông Nhân. Song đến ngày cây cho trái sai trĩu cành, điệp khúc được mùa rớt xảy ra. Không còn “thúng vải chỉ vàng”, cũng không còn “cây vải cây vàng”, cả một gánh vải thiều chỉ bán được 80.000 đồng, không mua nổi 1 yến thóc.
Người dân chán cây vải, chặt bỏ hàng loạt. Thống kê của huyện Thanh Hà từ năm 1997 đến năm 2003 cho thấy, giá vải thiều giảm từ 16.000 đồng/kg xuống còn 3.800 đồng/kg, sau đó là 2.000 đồng/kg. Diện tích vải thiều toàn huyện là 6.500ha. Cuối năm 2007, dù không có số liệu vải bị chặt hạ, nhưng diện tích vải đã giảm 200ha so với năm 2006.
Thành đặc sản nghìn tỷ, vang danh toàn cầu
Điệp khúc “trồng - chặt” xảy ra với rất nhiều loại cây trồng ở nước ta. Cây vải thiều ở Thanh Hà cũng không ngoại lệ. Người dân trồng ồ ạt nhưng mù mờ về thị trường, người tiêu dùng mù mờ về chất lượng sản phẩm... thành ra dư thừa, giá rẻ.
Nhận thấy những điều bất hợp lý xảy ra với cây vải thiều, năm 2007, chính quyền huyện Thanh Hà bắt đầu vận động người dân chuyển đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng quả vải, đa dạng hoá thị trường.
Huyện từng bước quy hoạch các vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.
“Cơ quan chuyên môn khi đó giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, hướng dẫn người dân chăm sóc vải theo đúng kỹ thuật”, bà Hoàng Thị Thuý Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà - cho hay. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với tỉnh quảng bá thương hiệu vải thiều, mời gọi doanh nghiệp về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Từng phải cầm dao chặt bỏ vườn vải thiều của mình, ông Nguyễn Đức Nhân, Tổ trưởng tổ sản xuất vải thiều (Thanh Thuỷ) - sau đó lại trực tiếp tới từng gia đình vận động chuyển đổi phương thức sản xuất.
Ông thừa nhận, nhiều năm trồng và chăm sóc vải thiều theo phương thức truyền thống nên khi vận động thay đổi rất khó. Nhất là kiểu làm ruộng lại phải ghi nhật ký chăm bón. Ai cũng sợ thất bại. “Ở tổ này tôi là người làm trước. Thấy năng suất, chất lượng hơn trước, vải được các công ty thu mua giá cao, các hộ đồng ý làm theo”, ông nói.
Chỉ vào tấm biển ghi “sản phẩm vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP” đánh dấu địa phận của tổ sản xuất số 9 rộng hơn 11ha ở xã Thanh Thuỷ, bà Nguyễn Thị Lụa kể rằng, năm 2008, bà trồng vải VietGAP, rồi làm theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.
“Khi vải của mình được mua để xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản, tôi vô cùng tự hào. Mình đã làm được quả vải chất lượng, vào được những thị trường khó tính”, bà nói. Giờ diện tích sản xuất vải của tổ 9 còn được cấp mã QR code để người mua truy xuất nguồn gốc. Theo bà, cách làm minh bạch này giúp vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, bán được trên các sàn thương mại điện tử. Đầu ra quả vải thiều từ đó ổn định hơn.
Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương), cho biết, 2015 là dấu mốc cho bước chuyển mình thành công của cây vải thiều. Sản lượng vải tăng cao, chất lượng quả được cải thiện và còn xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.
Đến nay, vải thiều Thanh Hà đã nổi danh toàn cầu. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, quả vải vào được thị trường có tiêu chuẩn vô cùng khắt khe như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Singapore, Úc,... Đặc biệt, khi sang Nhật Bản, quả vải thiều đặc sản còn gây sốt, liên tục “cháy hàng” dù giá bán vô cùng đắt đỏ.
“So với năm 2021, sản lượng vải thiều xuất khẩu năm 2022 tăng khoảng 65%. Loại quả này được bày bán tại những hệ thống siêu thị lớn tại các thị trường khó tính, với giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông cho hay.
Ở trong nước, vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối nông sản, sàn thương mại điện tử, hội chợ khu vực và một số thành phố lớn...
Theo báo cáo của huyện Thanh Hà, năm 2022, toàn huyện có trên 3.273 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 44.000 tấn, tổng giá trị ước đạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.
Ông Việt Anh cho biết, vụ vải năm 2022, loại quả này được đóng hộp sang trọng bán với giá 200.000 đồng/kg. Huyện đang hướng tới làm quả vải thiều chất lượng cao để đưa vào phân khúc cao cấp tại thị trường nội địa. Khi đáp ứng được các phân khúc của thị trường, cơ hội sẽ mở ra cho trái vải thiều Thanh Hà, thu nhập của người dân sẽ cao hơn.
"Điều vui hơn cả là tư duy sản xuất của người trồng vải Thanh Hà đã thay đổi. Họ liên kết với doanh nghiệp trồng vải thiều theo đơn đặt hàng nên đầu ra và giá vải thiều ổn định. Như hiện tại, vải chưa ra hoa đã có đơn đặt hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, sàn thương mại, siêu thị... ", ông chia sẻ.