Ba hạt vải đem ươm, chỉ một cây còn sống
Không còn tất bật như thời điểm giữa năm, những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, ông Hoàng Văn Lượm - cháu đích tôn đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm, thôn Thuý Lâm (Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) thảnh thơi ngồi nhâm nhi chén trà và thưởng thức trái vải thiều sấy khô. Thỉnh thoảng, ông tiếp vài đoàn khách du lịch, giới thiệu về cây vải thiều tổ của gia đình.
Chỉ tay về phía cây vải thiều to nhất vườn đang bung những đọt lá non chuẩn bị cho một mùa đơm hoa kết trái mới, ông Lượm nói: “Cây vải tổ giờ không cho quá nhiều trái nhưng vẫn ‘sinh ra’ rất nhiều cây con”.
Ông kể, cách đây khoảng hơn 150 năm, trong một lần cụ Hoàng Văn Cơm qua vùng Hải Phòng giao lưu với các thương nhân người Hoa được ăn trái vải thiều. Thấy quả ngon, thơm ngọt, cụ liền nhặt 3 hạt đem về ươm trồng trong vườn nhà.
|
Cây vải thiều tổ ở Thanh Hà đã hơn 150 năm tuổi (Ảnh: Tâm An)
|
Cả 3 hạt vải đều nảy mầm, nhưng trong quá trình chăm sóc chỉ có một cây còn sống. Vài năm sau đó, cây vải trưởng thành đơm hoa kết trái. Quả chín ăn thơm ngon, cụ bắt đầu chiết cành nhân giống trồng thêm trong vườn và đem biếu tặng bạn bè người thân.
Cứ như vậy, từ cây vải thiều ban đầu cụ Cơm chiết cành nhân ra nhiều cây vải con. Rồi từ cây vải con mọi người lại chiết cành nhân ra cây “vải cháu”, “vải chắt”,... Dần dần, hàng nghìn, hàng vạn cây vải thiều được nhân ra trồng trong vườn nhà. Không chỉ thôn Thuý Lâm mà cả huyện Thanh Hà hầu như nhà nào cũng có vài cây trong vườn.
Vườn nhà ông Lượm hiện có cây vải thiều trên dưới 100 năm tuổi. Đây đều là những cây vải được nhân giống từ cây vải tổ cụ Cơm trồng. Những cây vải thiều này năm nào cũng cho trái sai trĩu cành, vỏ mỏng màu đỏ, hạt nhỏ cùi dày ăn ngọt lịm.
“Ngày xưa, không có kỹ thuật chăm bón gì, vải thiều thế lớn lên rồi ra hoa kết trái. Vậy nhưng, cây vải tổ thời đó mỗi năm vẫn cho 3 tạ quả, đem bán thu được rất nhiều tiền”, ông nói.
Đến nay, vải tổ đã già, quả ít hơn, được chính quyền giữ lại để bảo tồn gen. Hàng năm, ông Lượm vẫn chiết cành nhân giống vừa để cho tặng vừa bán cho những người có nhu cầu.
Vải quý như vàng, đếm từng quả thu tiền
Gần 70 tuổi, ông Lượm chỉ trông coi vườn vải tổ của gia đình, còn con cháu vẫn theo nghề trồng vải thiều đến bây giờ.
“Vải thiều nay được trồng khắp nơi, không còn đắt đỏ như trước. Tuy vậy, con cháu trong gia đình mỗi năm vẫn thu từ 400-500 triệu đồng từ loại quả này”. Ông nói và nhớ lại, thời điểm cuối những năm 80, đầu những năm 90 (thế kỷ XX), nhà ông trồng 300 cây vải thiều. Vào mùa thu hoạch, ông thu khoảng 6 tấn. Giá vải thiều lúc đó 20.000 đồng/kg - ngang với giá bán hiện nay.
|
Ở Thanh Hà có thời hái quả từ một cây vải thiều đem bán tiền thu được có thể mua được 1 lượng vàng (Ảnh: Tâm An)
|
“Tiền khi ấy có giá trị lắm. Thế nên cứ hái quả của một cây vải đem bán đủ tiền mua một cây vàng. Đây cũng là lý do dân Thanh Hà hay có câu cây vải cây vàng”, ông chia sẻ. Thậm chí, quả của cây vải thiều tổ đem sấy khô còn siêu đắt đỏ.
Bà Hoàng Thị Thuý Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà - cho biết, vải thời đó đắt đến mức có người phải mua chục quả, hoặc 50 quả chứ không bán theo cân, theo chùm.
Bà nhớ lại chuyện bố mình làm ở Hà Nội, một người bạn gửi 4 triệu đồng nhờ mua vải thiều sấy khô đem đi Liên Xô với giá 180.000 đồng/kg, trong khi vàng 150.000 đồng/chỉ.
“Vải thiều có giá quá đắt đỏ, cứ cây vải cây vàng nên con gái ở làng Thuý Lâm hồi đó rất đắt chồng. Bởi, khi lấy chồng, bố mẹ thường hồi môn cho vài cây”, bà chia sẻ.
Chị Phạm Thị Liêm ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) thừa nhận, từ thời bố mẹ chị đã trồng rất nhiều vải thiều nên khi đi lấy chồng chị được hồi môn 15 cây vải thiều.
Chị kể, ngày còn nhỏ chị đã thấy trong vườn trồng rất nhiều vải thiều. Mùa hè khi quả vải chín, bố mẹ chị thường trèo lên cây vải cao chót vót hái quả. Một thúng vải đem bán tiền thu về có thể mua được 1 chỉ vàng. Thậm chí, vải thời đó còn được đếm từng quả bán theo chục chứ không bán theo cân như bây giờ.
“Vải thiều đắt đỏ đến mức đi vào vườn, nhỡ tay làm gãy một cành thì tiếc đứt ruột”, chị nói.
Ở huyện Thanh Hà bấy giờ, rất nhiều người làm giàu từ cây vải. Trong nhà chỉ trồng vải chục cây vải thiều là mỗi năm có thể thu được cả chục lượng vàng. Cũng bởi vậy, vải thiều được nhân giống trồng rộng ra cả huyện. Thậm chí, cây vải thiều còn theo người dân Thanh Hà đi xây dựng kinh tế mới ở vùng Lục Ngạn (Bắc Giang). Ban đầu chỉ là trồng trong vườn nhà, sau đó vải thiều được trồng mở rộng ra toàn huyện Lục Ngạn, rồi các huyện của tỉnh Bắc Giang và nhiều địa phương khác.
Giờ đây, hàng triệu cây vải thiều ở Thanh Hà phủ xanh các cánh đồng, tạo thành rừng giữa đồng bằng và nông dân vẫn không thể quên được một thời “cây vải cây vàng” khi nhắc về nguồn cội của cây trồng đặc sản này.
Như nhà thơ Nguyễn Liểu viết năm 1992: “Vải thiều quả ngọc cây vàng/ Cụ trồng trước nhất ở làng quê ta/ Cội nguồn một gốc sinh ra/ Triệu cây trĩu quả mượt mà xanh non... ”.
Theo Tâm An / Vietnamnet