Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bị che khuất hoàn toàn và chuyển sang màu đỏ thẫm.
Lần nguyệt thực toàn phần này có thể quan sát ở một vùng rộng lớn gồm Châu Úc, phía tây Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và phía đông Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nguyệt thực toàn phần ngày 31/1/2018 kéo dài 5h17 phút. Từ 17h51 (giờ Việt Nam), nguyệt thực nửa tối bắt đầu, đến 18h48 nguyệt thực một phần bắt đầu. 19h51 nguyệt thực toàn phần bắt đầu, kéo dài đến 21h07 phút, đạt cực đại lúc 20h29 phút. Nguyệt thực kết thúc hoàn toàn lúc 23h08 phút.
Đáng lưu ý, ngày 31/1/2018 trùng với ngày rằm tháng chạp âm lịch. Mặt Trăng vào ngày này ở điểm cận địa với trái đất nên xảy ra hiện tượng siêu trăng (Mặt Trăng lớn hơn bình thường 7%). Vì vậy, đây là cơ hội hiếm hoi để người yêu thiên văn quan sát cùng lúc hai hiện tượng.
Người xem có thể quan sát nguyệt thực trực tiếp bằng mắt thường, không cần đến thiết bị bảo hộ. Nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Lưu ý theo dõi dự báo thời tiết trước khi quan sát.
Theo Tiền Phong