Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho hay, hiện tượng Nguyệt thực chưa bao giờ được gọi là… trăng máu.
Vừa qua, vào đêm 7, rạng sáng 8/8, nguyệt thực một phần đã diễn ra và Việt Nam là một trong những điểm có thể quan sát toàn bộ hiện tượng này. Đây cũng được xem là hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm 2017 và những thông tin của nó ngay lập tức được lan truyền trên mạng. Đáng chú ý, nhiều trang tin, fanpage đã gọi hiện tượng này là “Trăng máu.”
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định đây là cách gọi “sai hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa lẫn bản chất của hiện tượng.”
Theo anh Sơn, thuật ngữ "Mặt Trăng máu" xuất phát từ Thiên Chúa giáo, cho biết đây là điềm báo của ngày tận thế. Tuy nhiên, Mặt Trăng thường xuyên có màu đỏ như máu vào mọi lần nguyệt thực toàn phần. Do đó, "điềm báo" này không có tác dụng trong nhận thức của nhân loại.
Tới đầu thế kỷ 21, hai linh mục là John Hagee and Mark Biltz bắt đầu tuyên truyền rằng điềm báo thực sự xảy ra khi có một bộ bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau đúng 6 tuần trăng. Tuyên bố này của họ vô tình trùng với 4 nguyệt thực trong những năm 2014-2015 lần lượt vào các ngày 15/4/2014, 8/10/2014, 4/4/2015 và 28/9/2015.
Vào năm 2014, khi lần nguyệt thực lần đầu tiên trong “bộ tứ” này được thông báo, một số tờ báo phương Tây đã khai thác câu chuyện của hai linh mục và gọi những lần nguyệt thực là "Blood Moon" (Mặt Trăng máu). Tuy nhiên, đây chỉ là cách khai thác của báo chí chứ không hề có nhà khoa học nào nói như vậy.
"Ngay cả nguyệt thực toàn phần cũng không phải là 'Trăng máu.' Khái niệm đó chỉ dùng để nói tới những bộ bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp như mô tả nêu trên,” anh Sơn khẳng định.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong toàn bộ thế kỷ 21 có tất cả 8 lần bốn nguyệt thực toàn phần như vậy. Lần tiếp theo sẽ diễn ra vào hai năm 2032-2033.
Anh Sơn cho hay, việc sử dụng thuật ngữ bừa bãi khi gọi nguyệt thực một phần là “Trăng máu” không chỉ mang lại nhận thức sai về khoa học cho người đọc mà thậm chí còn mô tả sai hoàn toàn bản chất vấn đề, vì trong nguyệt thực một phần không có cái gì nhìn giống với máu./.
Theo Yên Thủy/Vietnamplus