Bà Bùi Thị Vân, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, đội nữ lái xe Trường Sơn từng được đồng đội coi là "hoa khôi" của binh trạm 12, Bộ Tư lệnh 559. Giữa khói bom đạn, những cô gái như bà đã vững tay lái qua Trường Sơn huyền thoại, vận chuyển hàng hóa, đưa thương bệnh binh, và viết nên những câu chuyện tình yêu thấm đẫm hy sinh, đẹp như đóa hoa rừng.
Ngồi lọt thỏm trong cabin, vẫn quyết tâm lái xe
Hơn 50 năm trôi qua, những ký ức về những năm tháng gian khổ mà hào hùng như vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người nữ lái xe Trường Sơn năm xưa. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá rất ác liệt, lúc ấy mới tròn 16 tuổi, bà nghĩ mình phải làm gì đó dù nhỏ bé để đánh Mỹ cứu nước. Thế là bà trốn bố mẹ, tình nguyện đi thanh niên xung phong.
 |
Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, đội nữ lái xe Trường Sơn Bùi Thị Vân từng được đồng đội coi là "hoa khôi" của binh trạm 12, Bộ Tư lệnh 559. Ảnh tư liệu. |
Gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, bà cùng đồng đội tham gia san lấp hố bom, mở đường, làm sân bay dã chiến phục vụ chiến trường. Những ngày lao động cật lực ấy đã rèn giũa trong cô gái trẻ ý chí thép và lòng kiên trì phi thường. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 1966 bà được kết nạp vào Đoàn Thanh niên, năm 1967 được kết nạp Đảng, và năm 1968 trở thành đảng viên chính thức. Ba năm liền, bà là Chiến sĩ thi đua của đơn vị.
“Những năm ấy, chúng tôi làm việc từ sáng tinh mơ tới tối mịt. Đường thì đầy hố bom, nắng thì cháy da cháy thịt, mưa thì lội bùn đến tận gối, nhưng không ai than vãn. Chỉ mong làm nhanh, làm nhiều, để bộ đội kịp hành quân, để xe hàng không bị chặn giữa chiến trường”, bà Vân kể.
 |
Đoàn xe vận tải trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu. |
Năm 1968, đơn vị bà Vân được chuyển sang bộ đội. Đến trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559, bà và nhiều chị em nhận được lệnh đặc biệt: tuyển chọn nữ thanh niên xung phong khỏe mạnh, nhanh nhẹn để học lái xe vận tải phục vụ tuyến hậu cần Trường Sơn.
"Nghe tin mà mừng lắm. Tôi tình nguyện ở lại học lái xe. Binh trạm chọn một số anh có tay lái vững đưa chúng tôi ra sân bay Nam Đàn, Nghệ An học. Người thì nhỏ bé, xe thì to, lúc đầu ngồi lọt thỏm trong buồng lái, tay chân với chẳng tới, ai cũng ngại. Nhưng rồi cũng tìm ra cách: gấp cái chăn làm đệm, đặt cái can xăng 20 lít tựa lưng”, bà Vân nhớ lại.
Suốt 45 ngày học vất vả, các nữ chiến sĩ tập trung vào thực hành tay lái và sửa chữa hỏng hóc cơ bản. Lý thuyết luật giao thông phải tự học ban đêm bằng đèn dầu. Kết thúc khóa học, mỗi người được cấp một giấy phép lái xe tạm thời, sẵn sàng lên đường.
Về lại binh trạm, các chị được thành lập thành đơn vị nữ lái xe, lấy tên “Đội Nguyễn Thị Hạnh”. Công việc chính là vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho chiến trường và đưa thương bệnh binh ra Bắc điều trị. Ngoài nhiệm vụ lái xe, các nữ chiến sĩ còn kiêm luôn việc bốc vác, sửa xe, và khi cần thì trở thành những cô hộ lý dịu dàng chăm sóc thương binh trên quãng đường hành quân đầy hiểm nguy.
"Chúng tôi thường động viên nhau: công việc này là của nam giới, nhưng nếu quyết tâm thì chị em cũng làm được," bà Vân mỉm cười. Chặng đường phía trước trải đầy bom đạn, nhưng họ không nao núng. Không chỉ lái xe, bà Vân còn bốc vác hàng hóa, chăm sóc thương binh trên những chuyến xe, làm mọi việc như những người lính nam.
“Biết có thể không trở về, nhưng vẫn nắm chắc vô lăng”
Hành trình của đại đội nữ lái xe là hành trình của gian khổ, mất mát và lòng quả cảm. Ban ngày, máy bay địch lùng sục dữ dội, chị em phải ngụy trang, nấp kín trong rừng. Đêm xuống, họ lặng lẽ khởi hành, len lỏi qua từng cung đường rừng hiểm trở, chở đạn dược, nhu yếu phẩm vào chiến trường, rồi chở thương bệnh binh ra Bắc.
 |
Người thì nhỏ bé, xe thì to, nhưng những nữ lái xe Trường Sơn như bà Bùi Thị Vân vẫn không hề nao núng tinh thần, tìm cách vượt qua khó khăn. Ảnh tư liệu. |
Mưa rừng, sốt rét, vắt, bom bi, bom nổ chậm... lúc nào cũng cận kề cái chết. Có chuyến xe vào đến nơi thì thương binh đã hy sinh trên thùng xe vì mất máu quá nhiều. Trước mỗi chuyến đi, đơn vị thường tổ chức lễ truy điệu sống. Các cô gái đứng thành hàng, gửi lại kỷ vật, viết thư tuyệt mệnh, ký vào sổ truyền thống, sẵn sàng hy sinh.
"Biết có thể không trở về, nhưng chúng tôi vẫn nắm chắc vô lăng. Đường Trường Sơn lúc ấy là đường máu, đường lửa, nhưng cũng là đường của lòng quả cảm", bà Vân hồi tưởng.
Trong ký ức của Bùi Thị Vân, có những chuyến xe in sâu vào tâm trí suốt cuộc đời. Một lần, tiểu đội của bà được giao nhiệm vụ chở đạn tiếp viện gấp cho chiến trường Quảng Trị. Đường bị bom cày nát, xe bị lật nghiêng bên sườn đồi. Cả tiểu đội, bằng sức người, kéo xe lên, sửa chữa tại chỗ, rồi tiếp tục chạy suốt đêm.
Có lần đi qua đèo Phu La Nhích, đạn sáng bắn chằng chịt như sao sa, máy bay quần thảo cả đêm. Mỗi người phải lái xe một tay, tay kia cầm súng. Xe chạy bập bềnh như thuyền trên sóng nhưng ai cũng gồng mình giữ vô lăng.
Cũng trên những cung đường ấy, Bùi Thị Vân từng chứng kiến đồng đội ngã xuống. Một cô bạn thân cùng tiểu đội, khi xe trúng mảnh bom, chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi gục xuống. "Chúng tôi ôm nhau khóc nhưng cũng không thể dừng lại lâu. Phải vượt lên, phải chạy tiếp. Máu đổ nhưng bánh xe thì không thể ngừng”, bà Vân xúc động.
Tình yêu đẹp như đóa hoa rừng
Nhưng mưa bom bão đạn không làm mất đi sự lạc quan, yêu đời phơi phới của những cô gái tuổi đôi mươi. Giữa những khoảnh khắc tạm bình yên, họ hái hoa rừng cài trên cabin, làm thơ, dệt ước mơ về một ngày chiến thắng.
"Chúng tôi còn hay thi hát nữa, ai hát sai lời thì bị phạt... Bụi bặm, vết dầu nhớt thì đầy người, nhưng tiếng hát thì lúc nào cũng ngân vang trong rừng", bà Vân cười rạng rỡ.
 |
Bà Bùi Thị Vân tự hào vì đã cùng đồng đội góp phần nhỏ bé vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Ảnh: Mai Loan. |
Những chiếc xe của họ, không chỉ là phương tiện mà còn là "ngôi nhà di động". Có đêm mưa to, xe trùm bạt kín, các chị quây quần bên đèn pin, chia nhau từng gói lương khô, từng hớp nước. Có lần sinh nhật bà, đồng đội tặng bánh sinh nhật bằng... gạo rang trộn muối vừng. Chỉ thế thôi mà tiếng cười, niềm vui không dứt.
Đặc biệt, chính trong những năm tháng khốc liệt ấy, bà Bùi Thị Vân đã gặp được tình yêu của đời mình. Trong một lần chở chở thương binh về trạm điều dưỡng, bà Vân đã cõng một thương binh nặng lên xe. Sau đó, anh đã cảm mến cô gái lái xe Trường Sơn xinh đẹp. Tuy nhiên, lúc đó đơn vị bà Vân có quy định nghiêm '3 khoan'” – khoan yêu, khoan lấy vợ chồng, khoan sinh con – nên anh không dám bày tỏ tình cảm của mình.
“Anh viết thư cho tôi nhưng lại ký tên một người khác. Tôi biết là anh, nhưng giả vờ không biết, không trả lời. Một hôm, khi gặp nhau ở trạm điều dưỡng, anh hỏi: “Em có nhận được những lá thư mà anh bạn của anh viết cho em không”. Tôi cười, bảo: “Không”. Thấy sự bối rối của anh, tôi bèn trêu: “Anh bảo với anh bạn của anh rằng, nếu yêu mà không dám nói thì tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi”. Lúc đó, anh mới vội thừa nhận, những lá thư đó là do anh viết. Từ đó, chúng tôi quen nhau.
Sau một năm, chân anh đi được, chiều chiều, anh đạp xe từ đơn vị anh sang đón tôi. Có những hôm mưa rất to, trời rét, tôi đi công tác về vẫn thấy anh đứng ở cổng đơn vị đợi tôi. Anh không dám vào, vì biết tôi đang “khoan yêu”. Sau nhiều lần như thế, anh làm tôi cảm động. Và khi anh ngỏ lời thì tôi đã đón nhận tình yêu của anh”, bà Vân mỉm cười khi nhắc lại kỷ niệm mối tình của mình.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà Bùi Thị Vân và người thương binh ấy nên vợ chồng. Họ sinh được 5 người con, hai trai, ba gái, và giờ có 11 cháu nội ngoại khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
"Yêu thời chiến là chấp nhận không biết ngày mai ra sao. Nhưng cũng vì thế mà tình yêu ấy rất sâu sắc, rất thật lòng. Chúng tôi yêu nhau như những đóa hoa rừng giữa bom đạn, dẫu mong manh nhưng khao khát nở", bà Vân bồi hồi.
Trở về quê hương, bà Vân tiếp tục công tác trong ngành Giao thông vận tải. Bà vẫn giữ phong cách lính Trường Sơn: giản dị, trách nhiệm, kiên trì. Dù vết thương chiến tranh in hằn trên cơ thể, bà không bao giờ than thở, vì “mình được sống, được thấy đất nước thanh bình, là đủ rồi.
"Mỗi lần đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, tôi vẫn như nghe vang vọng tiếng xe, tiếng bom, tiếng gọi nhau vượt Trường Sơn. Những ký ức ấy sẽ không bao giờ phai trong tôi," bà Bùi Thị Vân xúc động.
Mai Loan